14/10/2017 23:01 GMT+7

Những lúc 'dở khóc dở cười' khó ai hiểu cho...

MINH PHƯỢNG - MINH HUYỀN
MINH PHƯỢNG - MINH HUYỀN

TTO - Người chuyển giới, dù đã thực hiện phẫu thuật hay chưa, trong cuộc sống đều khó tránh những tình huống tréo ngoe.

Những lúc dở khóc dở cười khó ai hiểu cho... - Ảnh 1.

Tây Hà - người chuyển giới nữ - cho biết gặp khá nhiều tình huống bi hài trong cuộc sống - Ảnh: NVCC

Không bán, không cho thử... 

T.N.L - một người chuyển giới nữ sống ở Đồng Nai - khi ra ngoài đường vẫn giữ nguyên ngoại hình nam giới. Tuy nhiên, chị có đến 3 tủ quần áo nữ, váy đầm, giày cao gót, tóc giả..., và để tậu được những món đồ ấy khá gian nan. 

"Ban đầu, vào các cửa hàng bán đồ nữ, tôi nói mua để tặng bạn gái. Cách này chỉ để mũ nón, túi xách, tóc giả, mỹ phẩm... Còn mua quần áo, mình nói cần mua trang phục để tham gia hội thi hóa trang 'giả gái' của công ty để xin thử", T.N.L kể.

Có không ít lần T.N.L nhận được câu nói lạnh băng của người bán hàng: "Không được thử!"

Tây Hà, một người chuyển giới nữ (24 tuổi, quê Tây Ninh), cũng từng bị các cửa hàng quần áo từ chối thẳng thừng.

"Lúc đó tôi để tóc dài, mặc váy và trang điểm. Nhân viên kiên quyết không cho thử đồ, họ bảo sợ... giãn, nhưng thật ra là họ kỳ thị. Vì thế, tôi toàn phải ước chừng để mua, hên thì vừa, chật thì chịu mất tiền", Tây Hà kể.

Nhưng với Hà, mệt mỏi nhất vẫn là đi mua giày nữ size... 41, loại giày chỉ ở các cửa hàng bán đồ xuất khẩu mới có.

Ngọc Anh (25 tuổi, sống ở Hà Nội) thì hay mua quần áo trên mạng. Có bữa nhắn tin cho chủ shop xin tới tận nơi xem hàng, chủ shop niềm nở đồng ý. Nhưng vì vẫn nói giọng nam mà đến nơi gọi thế nào chủ shop cũng không xuống gặp.

Những bà mẹ can trường của những người con chuyển giới Những bà mẹ can trường của những người con chuyển giới

TTO - Bị xã hội kỳ thị là điều mà cộng đồng LGBT nói chung và cộng đồng người chuyển giới nói riêng phải đối mặt. Sự cảm thông, chia sẻ của bố mẹ là hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời họ.

Nhà vệ sinh công cộng là cực hình

Theo một kết quả nghiên cứu của iSEE (Viện nghiên cứu Kinh tế, xã hội và môi trường), tỉ lệ người chuyển giới nam bị phân biệt đối xử khi sử dụng nhà vệ sinh chiếm gần 70%, người chuyển giới nữ chiếm 46,7%.

Đó là lí do Thiên Ân, một người chuyển giới nam (22 tuổi, TP.HCM) ao ước có nhà vệ sinh riêng cho người chuyển giới. "Khi bước vào nhà vệ sinh, lập tức mọi ánh mắt đều nhìn như thể chúng tôi là kẻ biến thái", Ân kể.

Cũng vì suy nghĩ "không biết nên vào nhà vệ sinh nam hay nữ" và tâm trạng ngại ngùng vì những ánh mắt hiếu kỳ, tò mò nên chỉ khi cần lắm Ngọc Anh mới dùng nhà vệ sinh công cộng.

Với Tây Hà, nhà vệ sinh công cộng cũng là một cực hình. Chẳng thể tránh nổi những lời xì xầm dị nghị dù đã mặc váy, để tóc dài.

Những lúc dở khóc dở cười khó ai hiểu cho... - Ảnh 3.

Ngọc Anh (Hà Nội) cho biết ngại phải mở lời với người khác vì thường bị soi mói, tò mò - Ảnh: NVCC

Giấy tờ một đường, ngoại hình một nẻo

Ngọc Anh có lần cùng người bạn chuyển giới bị CSGT ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Cảnh sát hết nhìn CMND rồi lại nhìn hai cô gái, hỏi sao hình trong CMND là con trai, ở ngoài là con gái. 

"Tôi giải thích chúng tôi là người chuyển giới. Anh cảnh sát ấy hỏi đi hỏi lại sao đi chuyển giới. Tôi và bạn không biết giải thích thế nào, bản thân chúng tôi còn không biết vì sao mình là người chuyển giới cơ mà", Ngọc Anh kể.

Phạm Linh Anh, người chuyển giới nữ (20 tuổi, Hà Nội), thì từng làm mất giấy tờ. Linh Anh để tóc dài, trang điểm, ăn mặc như một cô gái đến cơ quan chức năng làm lại CMND. Nghe yêu cầu phải cắt tóc và mặc quần áo nam để chụp ảnh, Linh Anh bỏ về, không làm lại CMND nữa. 

"Nuôi được tóc dài đối với tôi không đơn giản. Tôi mất rất nhiều thời gian. Tôi đã sống thật với mình - là một cô gái", Linh Anh nói. Từ ngày mất giấy tờ, Linh Anh hạn chế các thủ tục liên quan đến cơ quan hành chính.

Những lúc đi máy bay, làm thủ tục xuất/nhập cảnh, giao dịch ở ngân hàng, bưu điện..., tình trạng "giấy tờ một đường, ngoại hình một nẻo" cũng gây đủ thứ rắc rối cho những người chuyển giới.

Những lúc dở khóc dở cười khó ai hiểu cho... - Ảnh 4.

Linh Anh (trái - lúc còn để tóc ngắn) và Hà Anh (phải) là những "hoa khôi" trong cộng động người chuyển giới ở Hà Nội - Ảnh: MINH HUYỀN

Có ai chịu khám cho không?

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất đối với người chuyển giới hiện nay là vấn đề y tế. Ngọc Ánh, người chuyển giới nữ (23 tuổi, quê Sóc Trăng), mỗi tuần đều phải tiêm hormone một lần, với kim tiêm, bông băng mua ngoài hiệu thuốc.

"Mỗi lần mình ra hiệu thuốc mua kim, chắc họ nghĩ để chích xì-ke nên nhìn mình dữ lắm", Ánh cười kể. Ánh ao ước được sống với bản thân nên cũng như những người chuyển giới khác, phải đối mặt với nguy hiểm trong các tình huống sốc thuốc, biến chứng...

Ngọc Anh cũng kể về một người bạn bị sốc do tiêm hormone phải vào một bệnh viện tại Hà Nội cấp cứu. Với tâm lý e dè cùng sự kì thị, phân biệt, bạn cô phải đợi rất lâu và phải bỏ về mà không đợi lấy kết quả xét nghiệm.

Ngọc Anh cũng như những người chuyển giới khác tâm sự nếu bản thân mắc bệnh phụ khoa, họ chẳng biết khám ở đâu và liệu có ai chịu khám cho họ không.

Lựa chọn khó khăn của người chuyển giới: Công khai hay sống hai mặt? Lựa chọn khó khăn của người chuyển giới: Công khai hay sống hai mặt?

TTO - Xác định mình là người chuyển giới đã khó, quyết định công khai với gia đình, bạn bè... là một hành trình cần rất nhiều sự dũng cảm.

MINH PHƯỢNG - MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên