27/12/2012 15:21 GMT+7

Nhớ nhà văn Sơn Nam và Hương rừng Cà Mau

T.HUỆ
T.HUỆ

TTO - Sáng 27-12, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, các khách mời của buổi tọa đàm 50 năm Hương rừng Cà Mau (1962- 2012) đã cùng chia sẻ nhiều câu chuyện,kỷ niệm xúc động về nhà văn Sơn Nam và tác phẩm Hương rừng Cà Mau.

Buổi tọa đàm do Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Hương rừng Cà Mau: bài thơ viết trong tù

c8CFTNDL.jpgPhóng to
Nhà thơ Kiên Giang kể về người bạn, người đồng hương của mình - nhà văn Sơn Nam trong buổi tọa đàm sáng 27-12 - Ảnh: Thanh Đạm

Nhân dịp kỷ niệm 50 tác phẩm Hương rừng Cà Mau ra đời, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức chương trình 50 ngày sách Sơn Nam, diễn ratừ ngày 29-12-2012 đến 17-2-2013, bán trọn bộ Hương rừng Cà Mau với giá 100.000 đồng (giá bìa 177.000 đồng) và bán giảm giá 50% tất cả tựa sách còn lại của nhà văn Sơn Nam.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm là nhà thơ Kiên Giang, hai nhà giáo Đinh Công Tâm - Lê Hữu Thành, nhà báo Vũ Đức Sao Biển, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Mạc Can, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Trọng Tín, nhà thơ Lê Minh Quốc.

Đặc biệt trong buổi tọa đàm còn có sự xuất hiện con gái đầu của nhà văn Sơn Nam - bà Đào Thúy Hằng (nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, bà Hằng lấy họ của mẹ).

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Kiên Giang - một người bạn, một người đồng hương của nhà văn Sơn Nam - đã chia sẻ những kỷ niệm thú vị về nhà văn Sơn Nam và tác phẩm Hương rừng Cà Mau. Hai ông vốn ở chung làng Đông Thái, huyện Gò Quao, Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), một người ở xóm biển, một người ở xóm giữa.

Nhà thơ Kiên Giang đã lý giải tại sao nhà văn Sơn Nam đến với văn chương, vì như Sơn Nam bộc bạch: "Xứ mình nghèo quá, mình được đi học và mình phải làm cho người ta biết đến xứ mình như thế nào". Và tại sao nhà văn Sơn Nam lại viết được thành công vì "tụi nhà văn chúng mình phải biết la cà" và suốt cuộc đời mình Sơn Nam đã la cà xứ này đến xứ nọ...

Tại buổi tọa đàm ông cũng chia sẻ rằng ông mê Sơn Nam, mà mê nhất là truyện Tình nghĩa giáo khoa thư. Ông đọc truyện này trên một chuyến xe từ Phan Thiết ra miền Trung. "Tui đọc Tình nghĩa giáo khoa thư mà tui khóc. Một câu chuyện bình dân mà sâu lắng, đọc mà rớt nước mắt" - nhà thơ xúc động nhớ lại.

Trong khi đó nhà báo Vũ Đức Sao Biển kể về cái duyên đến với Hương rừng Cà Mau và với nhà văn Sơn Nam. Năm 1963 lúc mới học lớp đệ tam ở Quảng Nam, ông mua được Hương rừng Cà Mau ở một tiệm sách và trong những ngày mùa đông năm đó ông vừa trùm chăn vừa đọc Sơn Nam. Vũ Đức Sao Biển kể: "Tôi vừa đọc vừa cười khúc khích, nhà văn Sơn Nam viết rất lạ, đọc rất sướng".

Mê Sơn Nam đến mức ông nung nấu phải vào Nam bộ để tìm lại dấu vết của Hương rừng Cà Mau và khi vừa tốt nghiệp đại học ông đã chọn đất Bạc Liêu làm việc để tiếp cận với Sơn Nam. Nhưng mãi đến năm 1984 ông mới có duyên gặp Sơn Nam. Vũ Đức Sao Biển nói rằng ông đã học được ở Sơn Nam tính hài hước - sự hài hước một cách thoải mái, sâu lắng, vui tươi và học được cách... nói dóc của Sơn Nam.

Sau hai năm nhà văn Sơn Nam qua đời, ông đã phổ nhạc bài thơ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam và ngay tại buổi tọa đàm ông đã xúc động cất tiếng ca:

Trong khói sóng mênh môngCó bóng người vô danhTừ bên này sông TiềnQua bên kia sông HậuMang theo chiếc độc huyềnĐiệu thơ Lục Vân Tiên

csRLe3Dk.jpgPhóng to
Nhà giáo Đinh Công Tâm (phải) tặng Nhà xuất bản Trẻ tác phẩm Hương rừng Cà Mau bản in năm 1962 - Ảnh: Thanh Đạm

Những người tham dự trong buổi tọa đàm đặc biệt chú ý đến nhà giáo Đinh Công Tâm - một người say mê Sơn Nam và đã dày công sưu tầm những tác phẩm của nhà văn Nam bộ này. Nhà giáo Đinh Công Tâm nói rằng ông mua hết những tác phẩm mà Sơn Nam viết cũng như mua và sưu tầm những bài viết về Sơn Nam. Tại buổi tọa đàm ông đã tặng Nhà xuất bản Trẻ tác phẩm Hương rừng Cà Mau bản in năm 1962 do Nhà xuất bản Phù Sa phát hành.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng là một trong những người "mê" Sơn Nam. Lê Minh Quốc nói rằng với Hương rừng Cà Mau và các tác phẩm khảo cứu khác, nhà văn Sơn Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình đối với văn học miền Nam. Ông chính là người đã "đẻ ra" chữ "văn minh miệt vườn" - cụm từ đã được thừa nhận và đi vào văn học sử. Còn nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng "khoảng trống mà nhà văn Sơn Nam để lại chưa ai thay thế được".

qSRMpYkq.jpgPhóng to
Nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - bà Quách Thu Nguyệt - trao tặng bìa sách Hương rừng Cà Mau cho con gái của nhà văn Sơn Nam. Bìa sách này sẽ được trưng bày tại nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: Thanh Đạm

Một nhân vật khác cũng được những người có mặt trong buổi tọa đàm chú ý chính là con gái đầu của nhà văn Sơn Nam - bà Đào Thúy Hằng. Con gái nhà văn đã xúc động kể lại câu chuyện Sơn Nam từng mua cho các con xe đạp, máy may... từ tiền bán sách Hương rừng Cà Mau. Bà Hằng cũng kể câu chuyện về nhà văn Nam bộ nàyđãlấy chất liệu từ chính gia đình mình để xây dựng nên một số truyện trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau, mà như lời nhà văn Sơn Nam từng nói "thêm thắt chút đỉnh cho thành truyện".

Trong buổi tọa đàm, các khách mời thảo luận và đặt ra vấn đề cần có quỹ hoặc giải thưởng Sơn Nam nhằm tìm kiếm và phát triển những cây bút đồng bằng sông Cửu Long, kế thừa con đường văn chương của nhà văn Sơn Nam viết về mảnh đất này.

Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt cũng hứa hẹn đang xúc tiến để cho ra mắt một giải thưởng văn học mang tên nhà văn Sơn Nam.

T.HUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên