Cuộc điện thoại đầu tiên chúng tôi nhận được là của một phụ huynh ở Sài Gòn. Bà nói trong thảng thốt: “Thằng nhỏ nhà tôi cũng y chang hoàn cảnh mấy cậu học sinh cá biệt nêu trong bài báo. Xin cho địa chỉ trường để gia đình tôi nhờ thầy cô tư vấn”.
Một bài báo phản ánh thực trạng xã hội được quan tâm là điều đáng mừng. Thế nhưng với câu chuyện này, có càng nhiều phụ huynh quan tâm người viết càng lấy làm đáng buồn, đáng lo. Vì đó chính là trong đời sống, số học sinh cá biệt không còn là cá biệt; rất nhiều những người bố, người mẹ, anh chị, người thân của các em này đang phải ăn ngủ không yên, trăn trở, day dứt vì đứa con hư trong gia đình mình. Rồi nữa, rõ ràng khi những bậc phụ huynh tìm kiếm một nơi xa xôi để gửi gắm đứa con cưng của mình mà vốn họ chỉ muốn ôm ấp, che chở, chẳng hề muốn dứt ra thì điều đó biểu hiện phần nào cho sự bất lực trong việc nuôi dạy con của họ.
Ở góc độ khác, những học sinh cá biệt đang học tập tại trường là những học sinh nghiện game, vướng bạo lực học đường, bị nhà trường đuổi học... Đó là hệ lụy từ việc các em không may sinh ra trong hoàn cảnh thiếu sự quan tâm, giáo dục vì mồ côi, ba mẹ đi tù hay ly dị hoặc mải mê lăn lộn mưu sinh mà bỏ bê không chăm sóc. Không chỉ thế, bên cạnh đó còn là những cô cậu sinh ra trong gia đình khá giả về kinh tế, có cả con lãnh đạo sở này ngành nọ. Thậm chí trong trường có cả con của một vị hiệu trưởng trường chuyên. Còn gì đau hơn khi ngay cả một người thầy đứng đầu một cơ sở giáo dục cũng phải bất lực trước đứa con hư của mình.
Càng suy ngẫm về trò hư, càng băn khoăn “vì sao nên nỗi?”. Căn cơ của giáo dục không phải chỉ ở nhà trường mà còn là ở chính cái gốc gia đình. Xã hội có thể dễ cảm thông với những ông bố, bà mẹ đói khổ vì gánh nặng mưu sinh mà lơi lỏng con cái, nhưng không thể chấp nhận sự ngụy biện từ những người mải mê làm giàu, chạy theo đồng tiền hay địa vị mà phó mặc đứa con mình cho dòng đời xô đẩy.
Trong những cuốn nhật ký hay lời rủ rỉ tâm sự của các học sinh với thầy cô tại trường, có không ít em nói rằng các em thiếu thốn ngay trong gia đình đủ đầy cả con người và tiền bạc của mình. Các em thiếu thốn tình thương, thiếu thốn sự quan tâm, gần gũi, hay đơn giản là thiếu ngay cả những bữa cơm sum họp gia đình...
Thầy Phạm Quang Long - hiệu trường của trường - tâm sự ngôi trường được lập ra trên cơ sở “nhu cầu có thật” của xã hội. Nhiều người lặn lội từ xa đưa con tới trường năn nỉ nhận giúp, nhưng vì để đảm bảo giữ được sự ổn định trong chất lượng đào tạo, trường không dám nhận ồ ạt. Thật sự nếu trường mở toang cửa chạy theo số lượng như vô số những trung tâm đào tạo chiêu sinh tư thục vẫn đang làm hiện nay, con số học sinh bây giờ chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với số 200 em.
“Cứ tưởng tượng với những học sinh này nếu bị bỏ bê, mãi lang bạt mặc cho dòng đời thì sẽ thế nào? Hệ lụy mang lại cho xã hội từ những “công dân đặc biệt” này chắc chắn không hề nhỏ. Do đó, cái cần ở những bậc phụ huynh không chỉ chăm sóc con bằng tình thương mà còn phải đặt ra trách nhiệm của mình đối với đứa con ruột thịt và thêm cả trách nhiệm đối với xã hội” - thầy Long bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận