11/12/2010 05:00 GMT+7

Anh sinh viên "ngỗ ngược" được mời đi Mỹ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Phạm Quang Hưng, sinh viên năm 4 khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), vừa được giáo sư Omar M. Yaghi, giám đốc Trung tâm MANAR - USA, ĐH California Los Angeles (Hoa Kỳ), chính thức có lời mời sang Mỹ, toàn bộ chi phí do giáo sư đài thọ.

aNcFeHlE.jpgPhóng to
Phạm Quang Hưng (giữa) trong một giờ học ở trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thông tin này vừa được ĐHQG TP.HCM xác nhận. Theo đó, giáo sư Omar M. Yaghi mời Phạm Quang Hưng sang thăm phòng thí nghiệm của ông trong một tuần, và thảo luận một số vấn đề khoa học mà sinh viên Phạm Quang Hưng và ông cùng có mối quan tâm chung. Việc giáo sư Omar M.Yaghi mời Hưng sang Mỹ bắt nguồn từ một sự việc thú vị.

Khoa học là sự thẳng thắn

Trước đó, tại buổi gặp gỡ, trao đổi giữa giáo sư Yaghi với các cán bộ khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên ĐHQG TP.HCM về chương MANAR (Molecular and Nano Architecture - Cấu trúc kích thước phân tử và nano) vào chiều 28-11, rất nhiều câu hỏi đã được sinh viên đặt ra với GS Yaghi khiến ông bất ngờ và rất thích thú.

Tuy nhiên, người gây ấn tượng nhất với giáo sư Yaghi trong cuộc gặp gỡ này là Phạm Quang Hưng. Anh sinh viên năm cuối ngành hóa khiến không ít người ngạc nhiên khi nói với giáo sư Yaghi rằng anh phát hiện lỗi trong một bài báo do ông công bố cách đây mấy năm. Ngay lúc đó giáo sư Yaghi đã tranh luận sôi nổi nhưng do thời gian quá ít ông hẹn lại khi khác.

Sau cuộc trao đổi này, Hưng cho biết đã hối hận bởi anh nhận ra những điều mình tranh luận với giáo sư Yaghi là do hiểu biết của mình sai. Anh liền viết thư điện tử cho giáo sư Yaghi để giải thích và xin lỗi. Trong thư gửi giáo sư Yaghi, Hưng viết: “Tôi xin lỗi và xấu hổ về những gì đã xảy ra. Tôi nói rằng giáo sư sai nhưng giờ đây tôi hiểu được đó là sai lầm lớn nhất của tôi. Có nhiều câu hỏi trong lĩnh vực tôi đang nghiên cứu mà không tìm được câu trả lời. Tôi nghĩ giáo sư là một trong những người có thể trả lời tất cả câu hỏi của tôi”.

Như một giấc mơ để làm khoa học

Ngay sau khi nhận email của Phạm Quang Hưng, giáo sư Yaghi đã gửi email hồi đáp và mời Hưng qua thăm phòng thí nghiệm của ông và ĐH California Los Angeles trong một tuần, để làm rõ hơn các câu hỏi và những vấn đề chàng sinh viên quan tâm.

Hưng chia sẻ: “Giáo sư Yaghi trả lời email khi ông ấy đang ở sân bay chuẩn bị về Mỹ. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận email của giáo sư. Ở tầm vóc của ông mà vẫn sẵn sàng trả lời email của một cậu sinh viên vô danh tiểu tốt, không quở trách mớ kiến thức nông cạn và thái độ “ngỗ ngược” của tôi mà còn hoan nghênh và cho tôi cơ hội thăm phòng thí nghiệm của ông trong một tuần. Đây giống như một giấc mơ tuyệt vời”.

TS Phan Anh, chuyên gia nghiên cứu phòng thí nghiệm của giáo sư Yaghi, cho biết thêm: “Giáo sư Yaghi cho rằng Hưng đã có một câu hỏi rất thú vị và đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của Hưng. Vì vậy giáo sư muốn mời Hưng sang thăm, cùng làm việc trong phòng thí nghiệm của ông. Mọi chi phí về chuyến đi này của Hưng đều được giáo sư hỗ trợ”.

Khi nhận được lời mời bất ngờ từ giáo sư Yaghi, Hưng tâm sự: “Lời mời của giáo sư là cơ hội vàng cho tôi tham gia một trong những môi trường nghiên cứu tuyệt vời nhất trên thế giới. Ngoài ra, đó là cơ hội để tôi khám phá nhiều câu hỏi đang ấp ủ. Tôi đã suy nghĩ làm thế nào có thể sử dụng cơ hội này hiệu quả. Tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội quý giá này. Đây là thời gian tôi sẽ làm việc trên các dự án lớn cho việc tốt nghiệp. Với tôi, đó không phải là bảy ngày mà là 604.800 giây để tìm hiểu”.

Hưng cũng cho biết anh đã chấp nhận lời mời này và sẽ sang Mỹ vào giữa hai tuần đầu tháng 3-2011.

Nhà khoa học danh tiếng

ypx0PkpB.jpgPhóng to
Giáo sư Omar M.Yaghi trong buổi gặp gỡ với cán bộ khoa học, sinh viên ĐHQG TP.HCM chiều 28-11 - Ảnh: TR.HUỲNH

Phạm Quang Hưng cho biết đối với sinh viên nghiên cứu về MOF, ai cũng biết giáo sư Omar M.Yaghi là một nhà khoa học lớn của thế giới trong lĩnh vực này. Năm 2010, GS Yaghi là một trong bốn nhà khoa học được đề cử giải Nobel trong lĩnh vực hóa học từ công trình thiết kế và phát triển vật liệu xốp khung cơ kim (MOFs) với các ứng dụng bao gồm lưu trữ khí hydro và mêtan, lọc khí và tách khí từ các khí khác. Ông còn đoạt rất nhiều giải thưởng khoa học cao quý. Phần Hưng đang cùng một nhóm bạn nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ vật liệu MOF hơn một năm nay.

“Chúng tôi tìm hiểu rất nhiều công bố khoa học của ông. Trong quá trình làm mô phỏng một loại vật liệu MOF, tôi đã lấy thông số từ bài báo thực nghiệm của giáo sư Yaghi công bố năm 2006 nhưng đã gặp trục trặc do trái một số thuật toán. Tôi nghĩ do sai sót nào đó từ nghiên cứu của giáo sư và đã thắc mắc với giáo sư về vấn đề này” - Hưng cho biết.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên