05/09/2010 07:23 GMT+7

Chọn cuộc sống tình nguyện

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - “Hôm nay em mặc áo mới nha! Đội nón len trông đẹp trai hẳn!” - cậu bé bệnh nhân bẽn lẽn mỉm cười khi thấy anh Châu Thành Toàn vào thăm. Tiếng cười rộ lên nơi những người bệnh, đẩy cơn u ám buồn rầu ra ngoài cửa sổ...

A9FZkhZ4.jpgPhóng to
Châu Thành Toàn làm tình nguyện viên bán tranh cho người khuyết tật tại một chương trình gây quỹ mừng năm mới - Ảnh: LAN PHƯƠNG

Một ngày gần rằm tháng 7, khoa chi trên của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5, TP.HCM) bỗng rộ lên những tiếng cười. Gương mặt vương nỗi buồn của những đứa trẻ bị ung thư xương dịu lại bởi niềm vui đong đầy đáy mắt. Chiều hôm đó, Châu Thành Toàn, trưởng nhóm tình nguyện SV07, lại cùng các bạn sinh viên của mình vào bệnh viện như anh đã làm suốt ba năm qua.

Toàn đứng giữa những chiếc giường người bệnh nằm la liệt, cười thật tươi và mở đầu: “Hôm nay mùa Vu lan, con tới kể chuyện cho mọi người nghe nhé”. Bài thơ viết về mẹ, câu chuyện về hoa sứ cho mẹ, lời hứa của đứa trẻ nhìn người mẹ trên giường bệnh đang hấp hối... qua giọng kể của Toàn tuôn vào không gian. Mấy bạn sinh viên tình nguyện nắm lấy tay người bệnh. Câu chuyện dứt trong vài tiếng nấc nhỏ kín đáo của những bà mẹ hốc hác vì lo lắng chăm sóc con.

Một lát sau, những bông hồng nhỏ xíu bằng giấy được chuyền tới tay từng bệnh nhân trong lời hướng dẫn của Toàn: “Mùa Vu lan, người bệnh hãy cài hoa lên áo người nuôi mình. Ở đây phải yêu thương biết bao nhiêu, phải chịu đựng biết bao nhiêu, cả những lúc cáu gắt, đau đớn... người nuôi bệnh đã chấp nhận và hi sinh...”.

Những hộp sữa, bánh kẹo, quyển sách lần lượt cùng hoa hồng được nhóm sinh viên chuyển vào và tặng tận giường cho người bệnh. Đó chỉ là một trong những buổi tặng quà, hát, kể chuyện mà tháng nào Toàn cũng dành cho bệnh nhân ung thư xương ở đây.

Đưa nụ cười vào cơn đau ung thư

Chuyện của bé Nguyễn Trung Hiếu ở Đồng Nai đến giờ vẫn còn làm nhiều người trong nhóm tình nguyện với Toàn đau đớn. Toàn gặp mẹ con Hiếu khi em vào khám lần đầu. Không tiền, mẹ Hiếu đưa em quay về nhà. Thằng bé khóc vì đau đớn, xé hết quần áo, chăn màn và cào cấu khắp tường nhà, tủ đồ vì không chịu nổi. Mỗi ngày em uống gần cả vỉ thuốc giảm đau rồi sốt rực lên vì thuốc quá liều. Người mẹ chịu không nổi đã phải đem con lên bệnh viện, ngồi ở hành lang khóc ngất đi khi đứa con được yêu cầu phải mổ cưa phần xương bị ung thư.

"Đến bệnh viện phải bày trò vui, hát hò, kể chuyện... miễn sao cho bệnh nhân cười lên. Có vậy họ mới có sức chống lại bệnh tật. Đừng ngồi đó rồi rơi nước mắt với họ luôn là xong đấy!"

CHÂU THÀNH TOÀN

Cũng trong những ngày đó, Toàn đi làm ở tận Hóc Môn về vẫn phải chạy vật vã ngoài đường, đi hết từ chợ này sang nhà khác, gọi điện cho tất cả những người mình quen, gom hết số tiền ít ỏi anh kiếm được từ công việc để bé Hiếu có đủ tiền cho ca mổ hai ngày nữa. Một tiểu thương ở chợ nghe chuyện của Hiếu, bảo Toàn đưa tới bệnh viện và trực tiếp hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ. Bảy triệu đồng Toàn gom vét ở nhà cũng được anh đưa tận tay mẹ cậu bé.

Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Toàn khóc trong điện thoại với nhóm bạn tình nguyện. Bé Hiếu bị di căn lên phổi. Mấy ngày cuối nó đòi ngủ với anh Toàn. Nó bắt anh ôm nó vì lạnh. Nó ngồi thẫn thờ vì cơn đau trào vào phổi, không cất thành lời. Toàn tất tả đi làm rồi vào bệnh viện, thức trắng đêm dỗ dành thằng bé ngủ. Anh bảo không dám về vì sợ... Ngày Hiếu mất, Toàn và nhóm tình nguyện về tận quê cùng mẹ Hiếu lo tang lễ.

Suốt ba năm qua, không biết Toàn đã đón và tiễn bao nhiêu gương mặt thiên thần trẻ măng và đau đớn theo cách như thế. Toàn gặp các em ngày đến bệnh viện tặng quà, tặng các em nón, sách, nói chuyện và trấn an người thân, dắt các em đi xem kịch, ra công viên uống cà phê với các bạn khuyết tật khác trong những ngày bác sĩ cho phép. Toàn đưa nhiều em về nhà, nấu ăn, chăm cả tắm giặt, đợi đến ngày vào tái khám hoặc đi đo chân giả. Lúc nào Toàn cũng căn dặn những bạn trẻ trong nhóm tình nguyện: “Người bệnh khổ lắm. Họ khóc hết nước mắt rồi. Mấy bạn đến bệnh viện phải bày trò vui, hát hò, kể chuyện... miễn sao cho họ cười lên. Có vậy họ mới có sức chống lại bệnh tật. Đừng ngồi đó rồi rơi nước mắt với họ luôn là xong đấy!”.

Một lần, anh cầm trong tay bức ảnh sáu bạn trẻ trong một phòng bệnh ôm anh và mỉm cười. Nước mắt rơi xuống, anh thẫn thờ: “Các em mất hết rồi!”.

Chọn cuộc sống tình nguyện

Suốt bốn năm đại học, Châu Thành Toàn là thủ lĩnh của rất nhiều nhóm sinh viên ở các trường đại học trong những chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện... Có năm Toàn đi tới... hai Mùa hè xanh. Toàn vừa lo công tác chiến dịch vừa chăm sóc chiến sĩ. Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi thấy Toàn đứng trong xe trên đường lên trại cai nghiện dặn dò họ cách nói chuyện với học viên cai nghiện, tránh dùng các câu khen như “Anh nhìn khỏe thế!” hoặc “Chị nhìn hồng hào quá!” vì sẽ chạm vào chuyện cũ của họ. Anh chỉ sinh viên cách từ chối những đòi hỏi, xin xỏ, cách tâm sự nhẹ nhàng và tuyệt đối không được kỳ thị với học viên.

Bảy năm trời làm tình nguyện cho Câu lạc bộ thể thao khuyết tật quận Tân Bình, giờ Toàn đã rành cách nâng một vận động viên lên xuống xe lăn, xe buýt, lên tàu, đi diễu hành... Toàn gắn bó với nhiều vận động viên khuyết tật, vượt qua nỗi buồn và cả những tật xấu rất trẻ con của họ khi đi tập.

Anh cười khoe “thành tích” lớn nhất của những mùa tình nguyện thể thao: “Mấy đứa nhỏ dạy anh biết bơi rồi đó!”. Những đôi chân khuyết tật di chuyển đầy khó nhọc của mấy bạn bơi lội phóng xuống nước, lao đi như tên bắn, tự tin và í ới gọi Toàn đang tần ngần đứng ở mép hồ trèo xuống. Giữa những vận động viên khuyết tật và Toàn đã quên mất khoảng cách lành lặn - khiếm khuyết mà cuộc sống định danh cho họ.

Cứ sau mỗi mùa tình nguyện như thế, những bạn trẻ sinh viên gom nhau lại ở nhà Toàn, rồi nhóm tình nguyện SV07 ra đời. Đó là một vòng tròn những bàn tay trẻ, rất nhiều bạn sinh viên đến rồi đi, đến để cùng Toàn săn sóc bệnh nhân ung thư, giúp đỡ người khuyết tật, nấu cơm ở bệnh viện. Khi họ tốt nghiệp, trưởng thành, bận rộn với công việc, những cô cậu sinh viên mới lại xuất hiện và lấp vào chỗ trống đó. Mỗi lần đến bệnh viện, đi nấu cơm, đi làm lồng đèn trung thu... là nhóm lại có những gương mặt mới để í ới gặp nhau giới thiệu, làm quen. Toàn nói một cách giản dị: “Ai rảnh thì đi, bận thì khi khác đi, nhắn tin báo cho anh biết thôi! Không có ai anh vẫn vào bệnh viện, người bệnh cần phải vui hơn mà”.

Từ lúc 15 tuổi đến giờ, đã 12 năm Toàn sống sôi nổi với niềm vui của một tình nguyện viên. Anh đón những học viên cai nghiện hồi gia, đón những bệnh nhân ung thư đi tái khám, đón những nụ cười tự hào của vận động viên khuyết tật...

Toàn đã chọn một cuộc sống tình nguyện như thế...

3zsiZciF.jpgPhóng to

Đem nụ cười “Đi thăm bệnh viện” tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Q.5, TP.HCM - Ảnh: LAN PHƯƠNG

Châu Thành Toàn 27 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ thú y của ĐH Nông lâm TP.HCM. Toàn làm công tác tình nguyện thường xuyên từ khi mới 15 tuổi. Hiện anh là trưởng nhóm tình nguyện SV07 (năm 2007 là thời điểm nhóm này thu hút đông đảo sinh viên tham gia nhất nên đã lấy tên là SV07).

Chương trình “Đi thăm bệnh viện” của nhóm được Toàn chủ trì thực hiện ít nhất một lần/tháng, riêng vào những tháng lễ, tết, nhóm tổ chức nhiều lần hơn. Đó là những buổi hát cho bệnh nhân nghe, tặng quà, cài hoa.

Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng được Toàn mời tới theo kiểu “Cô/chú tới chơi với tụi con. Bệnh nhân khoái cô/chú lắm!”. Nghệ sĩ Minh Béo từng diễn hài cho bệnh nhân xem, nghệ sĩ Kim Cương, Tú Trinh, Thanh Bạch, hoa hậu Thùy Lâm, á hậu Dương Trương Thiên Lý... đều đã đến diễn và thăm hỏi bệnh nhân theo lời Toàn “xin xỏ”.

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên