Nhân viên Công ty SolarBK lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho người dân tại TP.HCM - Ảnh: THẢO HƯƠNG
Ngày 27-12, thông tin trên được nêu ra tại buổi giao lưu trực tuyến kết hợp tọa đàm do báo Tuổi Trẻ cùng Công ty cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) thực hiện.
Điện mặt trời áp mái là xu thế
Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Ngọc Tường Vi - quyền trưởng Ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) - khẳng định việc phát triển điện mặt trời đang là một xu thế, được nhiều người dân tại TP hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có khoảng 900 khách hàng lắp đặt, sử dụng điện mặt trời với tổng công suất khoảng 10MW. Ngoài ra, số lượng hộ dân phát triển điện mặt trời thuộc địa bàn của Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) là hơn 600 trường hợp.
Nói thêm về lợi ích của việc phát triển điện mặt trời, ông Đặng Nguyên Phương - trưởng ban giám sát, mua bán điện EVN SPC - nhấn mạnh: "Cái lợi nhất khi một hộ dân lắp điện mặt trời nối lưới là nguồn tiêu thụ điện trong nhà sẽ ưu tiên sử dụng điện mặt trời, nếu điện mặt trời không đủ thì điện lưới sẽ bù qua. Như vậy, lượng điện sử dụng tại nhà khách hàng không rơi vào những bậc thang điện giá cao, tiền điện giảm đáng kể".
"Vậy sử dụng điện mặt trời có phải trả tiền điện nữa không? Trong những ngày mây mù, mưa liệu có đủ điện để dùng trong sinh hoạt?" - bạn đọc Hải Minh thắc mắc. Trả lời, ông Nguyễn Vũ Nguyên - giám đốc thương mại SolarGATES (SolarBK) - cho rằng vấn đề bạn Hải Minh hỏi là tùy vào công suất lắp đặt và phụ tải của từng hộ. Tuy nhiên, với hệ thống điện mặt trời nối lưới (không có ăcquy) thì những ngày mây mù, mưa, điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể không nhiều, nhưng điện lưới quốc gia sẽ bù vào phần thiếu hụt này.
Nói thêm về vấn đề này, ông Trịnh Quang Dũng - nguyên trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời Viện Vật lý TP.HCM - cho biết tại TP lượng bức xạ mặt trời trung bình năm đạt khoảng 5kWh/m2 ngày. Mùa mưa, bức xạ mặt trời chỉ giảm khoảng 20% vì lượng mưa hằng ngày không liên tục nên ảnh hưởng không quá lớn đến điện mặt trời so với hiệu quả nó mang lại.
"Vậy một hộ gia đình 4 người với các thiết bị như đèn chiếu sáng, tivi... thì cần lắp hệ thống điện mặt trời công suất bao nhiêu, giá cả thế nào?" - một bạn đọc thắc mắc. Ông Trịnh Quang Dũng trả lời: "Với công suất 1kW, điện mặt trời sẽ sản sinh ra khoảng 120kWh/tháng. Dựa theo mức này, căn cứ các thiết bị điện sử dụng ở nhà mà mỗi hộ tính ra lắp điện mặt trời sao cho phù hợp".
Bạn đọc Dương Hồng Phúc hỏi: "Nhà tôi mỗi tháng sử dụng khoảng 2 triệu đồng tiền điện. Diện tích mái nhà khoảng 150m2. Liệu tôi có thể lắp hệ thống điện mặt trời đủ dùng và dư ra để bán cho lưới điện được không?". Ông Mai Văn Trung, giám đốc phát triển dự án SolarBK, trả lời: "Với diện tích mái nhà như trên, người dân có thể lắp hệ thống điện mặt trời khoảng 15kW, giá hiện nay khoảng 20 triệu đồng/kW. Phần điện sản sinh ra từ hệ thống này đủ dùng cho gia đình vào ban ngày và còn dư để bán cho ngành điện". Ông Trung cho biết thêm mọi thắc mắc liên quan đến điện mặt trời người dân có thể truy cập www.bigk.vn để chuyên gia tư vấn và giải thích cụ thể.
Cho vay, bảo hiểm để đầu tư
Rất nhiều bạn đọc chia sẻ họ muốn đầu tư điện mặt trời nhưng chưa đủ tiền, nên muốn biết hiện nay có chính sách cho vay ưu đãi để đầu tư phát triển loại hình năng lượng mới này không? Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Nguyên cho biết ngoài quy định điện mặt trời được ngành điện mua lại với giá 9,35 cent/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh), hiện SolarBK hợp tác với Ngân hàng BIDV cho khách hàng vay tín chấp hoặc thế chấp để đầu tư điện mặt trời. Khách hàng được vay lên tới 70%/suất đầu tư, thời gian trả trong 12-36 tháng, mức lãi suất vay thế chấp là 10%/năm.
Ông Mai Văn Trung cho biết hiện SolarBK đang triển khai mô hình cho thuê hệ thống điện mặt trời. Theo đó, nếu một đơn vị có mặt bằng, SolarBK sẽ bỏ chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời rồi bán điện lại cho đơn vị này với mức giá thấp hơn mức giá của EVN 2-3%. Sau thời gian 15-20 năm, SolarBK sẽ bàn giao miễn phí toàn bộ hệ thống điện mặt trời lại cho đơn vị này quản lý vận hành.
Ngoài ra, ông Phạm Tiến Dũng, phó giám đốc Công ty bảo hiểm BIDV Vũng Tàu, chia sẻ thêm hiện Ngân hàng BIDV có hợp tác với SolarBK thực hiện gói bảo hiểm điện mặt trời. Bảo hiểm này như là lời cam kết của đơn vị cung cấp thiết bị điện mặt trời về sản lượng điện sản sinh ra phải đạt mức thấp nhất cũng bằng 75% công suất lắp đặt.
"Chẳng hạn nhà cung cấp thiết bị cam kết công suất lắp đặt mỗi năm tạo ra được 1.000kWh điện. Nếu sản lượng điện sản sinh ra không đạt được 750kWh điện/năm (75%) thì phần thiếu hụt bảo hiểm sẽ bù vào. Thời gian bảo hiểm là 5 năm và người lắp đặt không tốn chi phí bảo hiểm" - đại diện SolarBK cho biết.
Nên giảm lãi suất vay đầu tư điện mặt trời
Chuyên gia Trịnh Quang Dũng đánh giá cao việc các đơn vị đang cung cấp nhiều gói tài chính để người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn với điện mặt trời. Tuy nhiên, theo ông Dũng, mức lãi suất cho vay 10%/năm vẫn còn cao. "Các ngân hàng phải vì quốc kế dân sinh, giảm lãi suất để người dân vay đầu tư điện mặt trời" - ông Dũng đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận