Nhân duyên tiền định được khởi quay từ năm 2016, đây là dự án phim thành công hơn cả mong đợi của đài truyền hình CH3 Thái Lan
Nhân duyên tiền định là tên của cuốn tiểu thuyết lịch sử của tác giả Rompaeng.
Tại Việt Nam bộ phim này còn có tên gọi khác là Ngược dòng thời gian để yêu anh. Ở Trung Quốc thì được đặt tên thành Trời sinh một cặp.
Bộ phim được cư dân yêu phim Thái cảnh báo rằng: "không nên xem, bởi xem rồi bạn sẽ bị nghiện, không dứt ra được đâu". Thực tế là vậy, Nhân duyên tiền định tạo cơn sốt không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Việt Nam và Trung Quốc.
Ban đầu, có lẽ nhiều khán giả lựa chọn xem phim Nhân duyên tiền định vì có Pope và Bella đảm nhận vai chính. Bella lần đầu tiên thoát ra khỏi hình mẫu người phụ nữ dịu dàng, người vợ mẫu mực trên phim.
Trong Nhân duyên tiền định Bella đã chứng minh tài diễn xuất của mình khi thành công ở hai vai: một là nàng quận chúa Karakate xinh đẹp nhưng độc ác, đanh đá và nàng Ketsurang sinh viên ngành khảo cổ học, có ngoại hình béo ú nhưng lại thông thạo cầm kỳ thi họa, yêu lịch sử, giỏi tiếng Pháp, tính tình lạc quan, dễ thương.
Thủ tướng Thái Lan gặp mặt đoàn làm phim Nhân duyên tiền định
Nội dung phim tóm lược như sau: Sau một tai nạn giao thông linh hồn Ketsurang xuyên không về khoảng 300 năm trước, nhập vào thể xác của quận chúa Karakate. người được đính hôn với Por Dech.
Khi tỉnh lại Ketsurang vô cùng ngạc nhiên trước nhan sắc xinh đẹp của mình trong gương. Nhưng ngay sau đó cô nhận ra mình đã bị nhập vào vai nữ phản diện, bị người trong gia đình từ trên xuống dưới đều ghét bỏ, mà người ghét cay ghét đắng cô lại chính là vị hôn phu được đính ước Por Dech.
Xuyên suốt bộ phim là những tình tiết hài hước và trào phúng tạo cảm giác vui vẻ cho người xem.
Karakate: "Người ta xuyên không thì thành anh hùng cứu thế, sao ta xuyên không lại rơi đúng thành vai phản diện, áp lực quá!"
Sau khi trọng sinh Karakate đã biến thành một con người khác, cô tốt bụng, nhân từ, hoạt bát, chỉ có điều cô luôn sử dụng ngôn ngữ pha trộn giữa từ ngữ thời hiện đại và tiếng Anh khiến người xung quanh không ai hiểu cô đang nói gì.
Quá trình Karakate thích nghi với cuộc sống mới, cô tò mò tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, phong cảnh, văn hóa, thương mại của thời kỳ Ayutthaya. Quá trình ấy cũng đồng thời để những người xung quanh dần dần hiểu và yêu mến cô.
Đặc biệt là Por Dech (tức Khun Pee), anh không còn ghét cay ghét đắng cô như trước mà thay vào đó là yêu thương, sủng ái thậm chí là ghen tuông khi những người khác nhòm ngó vị hôn thê của mình. Karakate chuyển từ nữ phụ sang nữ chính, cuối cùng cô lựa chọn ở lại bên người đàn ông mình yêu thương.
"Trong sáng như phim Thái" - khi tình yêu chỉ thể hiện qua ánh mắt nhìn ấm áp, nụ cười ngọt ngào cũng đủ làm người xem rung động
Nhân duyên tiền định với những tình tiết vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng vẫn hấp dẫn người xem. Điểm nhấn đầu tiên đó chính là diễn xuất ăn ý giữa Pope và Bella.
Chỉ cần Khun Pee đứng đó nhìn Karakate bằng ánh mắt âu yếm rồi tủm tỉm cười thì cũng đủ làm khán giả rơi hết vào hũ đường lọ mật rồi. Phim Thái, mà nhất là của đài CH3 luôn đạt chuẩn về "tình yêu trong sáng".
Hơn 10 tập phim mà cặp đôi chính cũng chỉ loanh quanh thả thính với câu: "Nàng đang nghĩ đến ai đó". Trả lời: "Chàng về soi gương sẽ biết", rồi đứng sát bẽn lẽn nhìn nhau cười, có vậy thôi mà cũng đủ khiến trái tim của dân tình ấm áp hết cả lên.
Nếu ví Nhân duyên tiền định như là một tảng băng chìm, thì phần nổi của nó chính là tính giải trí mang lại cảm giác vui vẻ, nhẹ nhàng cho người xem, phần chìm còn lại là việc giới thiệu lịch sử và văn hóa truyền thống mà bộ phim gửi đến công chúng.
Sau một năm đi sứ trở về, quả là sang Pháp có khiến Khun Pee lãng mạn hẳn ra, chàng hỏi: "Nàng biết hôn kiểu Pháp à?" Rồi sau đó quay sang thực hiện với nụ hôn kiểu Pháp nhưng theo kiểu Thái chuẩn mực như chuồn chuồn chạm nước. Vậy thôi mà dân tình hỉ hả lắm rồi. Cảnh động phòng giường chiếu nóng bỏng mạnh bạo nhất phim thực chất chỉ là thế này
Bối cảnh và nhân vật lịch sử
Ở góc độ lịch sử, Nhân duyên tiền định được xây dựng trên bối cảnh có thật ở dưới triều đại Ayutthaya. Vào thế kỷ 17, kinh đô Ayutthaya đạt đến độ phồn thịnh làm ngạc nhiên nhiều du khách người Âu.
Thời gian Ketsurang xuyên không nhập vào thể xác Karakate được ước tính là năm 1682, nằm trong khoảng thời gian trị vì của vua Narai (năm 1656 - 1688). Ketsurang yêu thích ngành khảo cổ học và tò mò đã trở thành căn bệnh nghề nghiệp của cô. Sự tò mò của Kate là chìa khóa mở ra cánh cửa cho khán giả hiểu được về lịch sử và không gian văn hóa của thời Ayutthaya.
Nước Thái Lan dưới thời vua Narai được người Âu gọi là Xiêm La (Siam). Kinh đô Ayutthaya được so sánh đẹp như thành phố Venice của nước Ý và từng được ca tụng như là thành phố đẹp nhất của miền viễn đông.
Cảnh cưỡi ngựa đi chơi duy nhất của Karakate và Khun Pee
Hệ thống giao thông đường thủy khi ấy rất phát triển, đó cũng là lý do vì sao trong phim phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền, lễ hội đua thuyền được tổ chức hoành tráng. Việc thông thương với các nước châu Âu cũng được thực hiện chủ yếu bằng đường thủy.
Bên cạnh việc thông thương, sự xuất hiện của các giáo sĩ truyền giáo, sự lộng quyền của Constantine Phaulkon là nguyên nhân dẫn đến xung đột tôn giáo và kinh tế dưới thời vua Narai mà cuối cùng là dẫn đến cuộc đảo chính do Phra Phetracha, tư lệnh liên đoàn voi trận của hoàng gia cầm đầu.
Cái hay của Nhân duyên tiền định nằm ở chỗ các nhân vật trong phim đều có thật trong lịch sử. Nam chính là Okkhun Sriwisanwaja (tức Por Dech hay còn được gọi là Khun Pee) do Pope đóng, anh sinh trong một gia đình vương giả, cha là Okya Horathibodi tước hiệu Phra Horathibodi, là thầy dạy của vua và cũng là nhân vật quan trọng bậc nhất trong lịch sử văn học Thái Lan. Ngoài ra, ông còn có khả năng tiên đoán thần kỳ vì thế ông còn được phong là Tinh tượng Đại thần.
Anh trai của Por Dech (chưa xuất hiện trong phim) từ nhỏ đã bộc lộ tài năng thi phú, xuất khẩu thành thơ, được coi như Lý Bạch của Thái Lan, chín tuổi được vào cung ở cùng nhà vua. Sau này ở độ tuổi trưởng thành thì bị tử hình do tội tư thông với phi tử của vua Narai.
Quang cảnh vua Louis XIV đón tiếp sứ thần Thái Lan tại Paris được lưu trong lịch sử
Theo lịch sử, Por Dech là một trong ba sứ thần của phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Thái Lan đến Pháp vào năm 1686 dưới triều vua Louis XIV.
Chuyến công du của đoàn ngoại giao Thái Lan đến Pháp khi ấy do Okphra Wisutsakorn (tức Kosa Pan) làm đại sứ. Đi cùng đoàn ngoài ba vị sứ thần còn có khoảng 20 người đi cùng, họ là tùy tùng, người hầu và một số ít còn lại là lưu học sinh.
Cuộc đời của Por Dech phụng sự ba triều vua là: vua Narai, tiếp sau đó là Phra Phetracha, cuối cùng là Okluang Sorasak - người bạn của Por Dech khi còn trẻ.
Bức tranh vẽ chân dung Por Dech còn lại đến ngày nay do họa sĩ Jean Hainzelman vẽ. Sự thật ngoài đời có tính chất dập lửa cho độ hot của Khun Pee trong phim
Quảng bá văn hóa truyền thống
Triều đại Ayutthaya (kéo dài từ năm 1350 - 1767) ở trong giai đoạn thịnh trị thông qua việc giao lưu và tiếp xúc với văn hóa của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các nước Châu Âu… đã đưa văn hóa Thái đạt đến đỉnh cao bằng những công trình kiến trúc tiêu biểu như: Wat Yai Chaimongkhol, Wat Phra Si Sanphet, Wat Chai Wattana.
Chùa chiền ở Ayutthaya thường mang ba phong cách chính là phong cách Miến Điện, phong cách Trung Quốc và phong cách Gothic của Châu Âu.
Chùa Wat Chai Wattana hiện nay vẫn là một điểm du lịch ở Thái Lan
Đáng tiếc là năm 1767, sau cuộc chiến tranh với Miến Điện toàn bộ những công trình kiến trúc đó đã bị phá hủy.
Đây cũng là lý do vì sao nàng Karakate luôn cảm thấy phấn khích, sung sướng khi Khun Pee đồng ý đưa nàng đi thăm một ngôi chùa nào đó. Một người yêu khảo cổ như Karakate được nhìn thấy những công trình kiến trúc ấy tận mắt khi còn nguyên vẹn là một điều ngoài sức tưởng tượng.
Trang phục truyền thống Thái Lan mặc trong các dịp nghi lễ, đi chùa, đi chơi hay ở nhà đều được đầu tư kỹ lưỡng đã trở thành điểm nhấn trong phim:
Ngoài việc phục dựng bằng kỹ xảo đồ họa để giới thiệu với công chúng các công trình kiến trúc của triều đại Ayutthaya, bộ phim Nhân duyên tiền định còn thành công ở việc quảng bá trang phục truyền thống của người Thái, giới thiệu văn hóa ẩm thực Thái Lan, lễ hội truyền thống, quan niệm xã hội, những nghi lễ tôn giáo và cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của người dân ở nhiều tầng lớp trong thời kỳ này.
Nghi lễ tổ chức đám cưới truyền thống của Thái Lan trong phim
Điều khiến khán giả Việt Nam cảm thấy thú vị khi xem Nhân duyên tiền định đó là người Thái ngày xưa cũng có tục nhuộm răng giống người Việt.
Trong phong tục của người Thái thì nhuộm răng đen và tục ăn trầu có liên quan đến nhau. Người Thái ăn trầu là để làm sạch miệng, nhưng trầu lại làm biến màu răng trở nên ố đỏ. Sau đó họ tiếp tục nhuộm răng thành màu đen.
Theo quan niệm thẩm mỹ của quá khứ, răng đen là biểu tượng của cái đẹp. Nhuộm răng đen từng là nét văn hóa tương đồng ở một số nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Quốc (vùng Vân Nam).
Cô hầu trung thành của Karakate với hàm răng nhuộm đen
Có thể nói, sức hấp dẫn của Nhân duyên tiền định ngoài nội dung về tình yêu của cặp đôi chính thì phần lớn lại nằm ở tính giáo dục về văn hóa và lịch sử Thái Lan.
Sự lồng ghép tinh tế giữa yếu tố lịch sử, câu chuyện tình yêu và đề cao truyền thống văn hóa của dân tộc đem lại thành công của bộ phim.
Dùng một bộ phim để giảng giải về lịch sử và văn hóa của một thời kỳ, đó là điều tuyệt vời nhất mà Nhân duyên tiền định mang lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận