04/05/2005 14:47 GMT+7

Nhà văn Lê Minh Hà: "Tôi viết văn trong tinh thần lụy tiếng Việt"

Theo Thể thao & Văn hóa
Theo Thể thao & Văn hóa

Nhà văn Lê Minh Hà trò chuyện về văn học nhân dịp ra mắt hai tác phẩm Thương thế ngày xưa và Những giọt trầm. Quan niệm của chị về văn chương là, một tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định ở người đọc, ngay cả khi cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm.

O89QBnT5.jpgPhóng to
Nhà văn Lê Minh Hà
Nhà văn Lê Minh Hà trò chuyện về văn học nhân dịp ra mắt hai tác phẩm Thương thế ngày xưaNhững giọt trầm. Quan niệm của chị về văn chương là, một tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định ở người đọc, ngay cả khi cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm.

* Chị có thể cho biết con đường viết văn của mình đã bắt đầu như thế nào?

- Từ một bài thơ thẩn mà bây giờ nhớ lại tôi còn buồn cười. Có thể coi là sáng tác đầu tay của tôi đấy, năm 6 tuổi, vừa từ nơi sơ tán về vào học tiếp lớp hai ở trường Ngô Sĩ Liên. Thơ thế này: Sáng nay ăn cơm với cà – Chan canh rau muống đậm đà tình quê... Một ông bác họ tôi, cán bộ cao cấp, đọc được bình rằng ơ con bé này cũng biết làm thơ đấy nhỉ, và bảo giá cháu viết được rằng sáng nay ăn cơm thịt gà thì mới gọi là giỏi. ]Bài học sáng tạo đầu tiên tôi rút ra được sau đó là: vần đến thế này, thật đến thế này hóa ra vẫn chưa hay, và bịa khó quá, vì chả ai đã ăn cơm thịt gà lại còn chan canh rau muống. Từ đó đến nay, ba mươi mấy năm tôi hì hục với chữ rồi.

* Đọc văn chị thấy lại một Hà Nội mới xa mà như đã xưa, thấy lại một cuộc sống ngỡ như đã qua đi rồi. Chị viết thế có phải vì sống xa xứ không?

- Trong cuốn sách viết sau cùng, Gió tự thời khuất mặt, tôi nhận ra không phải mình đang dựng lại một quá khứ như đang xảy ra, mà là ý thức về nó, của tôi và bạn bè tôi thời đó. Đọc lại bản thảo, tôi kinh ngạc khi gặp lại nhiều ý nghĩ của mình từ hai mấy năm về trước. Nói chuyện với một người bạn viết hiện sống ở Pháp, Lê Ngọc Mai, tôi đã băn khoăn chẳng lẽ mình không lớn lên trong khi đang già đi. Nhưng không phải, khi mô tả tâm thế của một bộ phận thuộc thế hệ mình thời đó, tôi đã bắt đầu từ tôi bây giờ.

Nếu đời sống xa xứ có một ý nghĩa trong tác phẩm của tôi, thì chính là ở đó. Nó giúp cho tôi cố kết được với thời gian đang qua và có một cách nhìn khác đi, cần thiết.

* Khi viết văn chị coi trọng điều gì nhất: cốt truyện, nhân vật, hay mạch cảm xúc, mạch văn?

- Tất cả đều hết sức quan trọng. Nhưng có lẽ do thể tạng, tất cả những gì tôi viết ra đều màng màng, nhân vật có căn cước, nhưng phải do người đọc tự luận lấy, may lắm thì có tên, rõ ràng về giới tính, sống hết mình nhưng luôn như kẻ đứng ngoài sự kiện. Thế nên tôi sẽ lấy làm thất vọng những ai muốn tìm trong một trang văn sự bùng nổ của cốt truyện hay diện mạo của nhân vật với đời sống cụ thể. Không hiểu tại sao. Tôi vốn thích đọc trinh thám, nghĩa là rất coi trọng việc mô tả diện mạo nhân vật và xây dựng cốt truyện trong tác phẩm. Thế nhưng viết thì...

* Nếu cần một quan niệm văn chương, chị sẽ nói gì?

Lê Minh Hà tuổi Nhâm Dần, sinh trưởng ở Hà Nội, học văn Đại học Sư phạm, dạy văn Trường Hà Nội – Amsterdam, nhưng hiện sống ở Limburg (Đức).

Chị vừa ra mắt hai tác phẩm trong nước: Thương thế ngày xưa & Những giọt trầm (tản văn và truyện ngắn, NXB Văn hóa - Thông tin) và Gió tự thời khuất mặt (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn).

- Tác giả phải thật sự là mình, nhưng không phải như một thực thể ù lì. Tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định từ người đọc, bất luận là gì, ngay cả khi trạng thái cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm.

* Chị có thường đọc văn chương trong nước? Cảm tưởng của chị thế nào?

- Đọc chứ, hàng ngày. Không phải chỉ đọc một Bảo Ninh mê đắm, một Nguyễn Huy Thiệp sát phạt và đắng cay, một Nguyễn Quang Lập hài hước và khốc liệt, hay Phan Thị Vàng Anh chán chường, Đỗ Chu văn vẫn phù sa, Bùi Ngọc Tấn thật mà thơ lắm, Châu Diên trẻ trong tìm tòi tiếp cận...

Đấy mới nói về văn, còn thơ, Dương Tường, Hoàng Hưng, Vi Thùy Linh, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Huyền Thư, Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Hồng Minh... Tóm lại là đọc tất những gì tìm được.

Và tôi nhận ra điều đã nhận ra ở văn học hải ngoại: có những tác phẩm đọc xong chỉ có thể thở dài, vì đẹp quá; có những tác phẩm, tác giả mới toanh, cho ta cảm giác đang lội ngược lại thời Tự lực Văn đoàn, hay thời các nhà văn chiến sĩ của văn học miền bắc hay văn học Giải Phóng, hay văn học miền nam trước 1975. Lại có những tác phẩm đọc xong không biết liệu cái mới này có đúng là cái mới nghệ thuật thật sự cần không.

Dù sao, sự đa dạng, đôi khi còn có cảm giác lộn tùng phèo này vẫn là một chỉ dấu dương cho đời sống văn nghệ. Hiện tôi rất thích mấy giọng văn xuôi rất khác nhau: Thảo Hảo, Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Ngọc Tư.

* Hiện nay chị sống ở Đức, vậy thì chị coi tác phẩm của mình thuộc dòng ngoài hay dòng trong? Chị nghĩ gì về việc một số tác giả hải ngoại bắt đầu in sách ở trong nước?

- Tôi viết văn trong tinh thần lụy tiếng Việt, để mình được là mình. Vậy theo anh tôi thuộc dòng nào của văn học VN đương đại? Còn chuyện một số tác giả hải ngoại bắt đầu in sách ở trong nước? Lẽ ra cái sự bắt đầu này phải bắt đầu sớm hơn nữa và với quy mô hoành tráng hơn nữa ấy chứ, như là nhiều tác giả trong nước đã được bà con mình đọc ở ngoài từ lâu rồi.

Tôi tin là nhiều người viết ở ngoài nước sẽ có ngay độc giả cho riêng mình nếu sách họ in ở VN. Hãy nhìn một hiện tượng Phạm Hải Anh thôi... Hiện tôi đang đọc lại Truyện một người di cư nhức đầu vừa phải của Nguyễn Bá Trạc, ở Mỹ. Hay lắm. Này là núi, cũng núi. Này là sông cũng sông.

Theo Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên