27/10/2018 17:57 GMT+7

Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ ra đầu thú nếu không bị dẫn độ về Mỹ

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Nhà sáng lập WikiLeaks đồng ý rời Đại sứ quán Ecuador ở London và ra đầu thú, ngồi tù ở Anh nếu được đảm bảo không phải chịu lệnh dẫn độ về Mỹ.

Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ ra đầu thú nếu không bị dẫn độ về Mỹ - Ảnh 1.

Ông Julian Assange trong lần xuất hiện tại ban-công căn phòng ông trú ngụ ở Đại sứ quán Ecuador ở London, ngày 19-5-2017 - Ảnh: REUTERS

Ngày 26-10, luật sư Carlos Poveda - đại diện cho quyền lợi của ông Julian Assange, cho biết thân chủ của ông sẽ ra đầu thú giới chức Anh và chịu mức phạt 3-6 tháng tù giam vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh.

Điều kiện cho cuộc đầu thú và lãnh án tù này là sẽ không bị dẫn độ sang Mỹ sau thời gian thụ án ở Anh. Luật sư Poveda cũng nêu rõ đây là điều kiện "tối quan trọng" từ phía ông Assange.

Tình trạng của Assange tại tòa nhà ĐSQ Ecuador ngày càng khó khăn và thậm chí ông bị cắt Internet đến mức ông đã khởi kiện chính quyền nước này về điều kiện sống dành cho ông.

Hôm 25-10, một tòa án ở Quito (Ecuador) đã mở phiên điều trần đầu tiên để xem xét đơn kiện này.

Trước đó, vào ngày 27-7, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno từng tuyên bố rằng Assange sẽ phải rời Đại sứ quán Ecuador tại Anh vì việc nhân vật này tị nạn tại đây trong gần 6 năm qua sẽ không thể kéo dài mãi.

Ông Moreno cũng khẳng định chưa bao giờ đồng tình với những hoạt động của nhà sáng lập WikiLeaks. Những hành động can thiệp để đánh cắp thông tin, cho dù có giá trị, để đưa ra ánh sáng hàng trăm hoạt động đáng lên án của các chính phủ hoặc cá nhân, vẫn là những hành động không thể chấp nhận được.

Ông Moreno nhấn mạnh đó không phải là cách phù hợp nhất bởi có nhiều phương thức khác đúng đắn và được luật pháp cho phép.

Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ ra đầu thú nếu không bị dẫn độ về Mỹ - Ảnh 2.

Ông Julian Assange trong lần xuất hiện tại ban-công căn phòng ông trú ngụ ở Đại sứ quán Ecuador ở London, ngày 19-5-2017 - Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 5, Tổng thống Ecuador cũng đã tuyên bố rằng ông Assange có thể tiếp tục hưởng quy chế tị nạn với điều kiện phải tuân thủ các nguyên tắc được đề ra, trong đó cấm ông này được đề cập tới các vấn đề chính trị, đưa ra những thông điệp mang tính can thiệp vào các vấn đề của các nước bạn bè gây ảnh hưởng tới quan hệ với Ecuador. Ông Assange cũng từng bị cắt thông tin liên lạc, quyền truy cập Internet vì đã vi phạm những cam kết với Chính phủ Ecuador.

Từ tháng 6-2012 đến nay, ông Assange, 47 tuổi, quốc tịch Úc, đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London để tránh bị Anh cho dẫn độ sang Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục trước đó.

Nhà sáng lập WikiLeaks luôn bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng vụ kiện này là nhằm bắt giữ và dẫn độ ông sang Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ rất nhiều bí mật quốc gia của Mỹ từ năm 2010.

Năm ngoái, Thụy Điển đã tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra cáo buộc xâm hại tình dục với ông này, nhưng giới chức Anh vẫn muốn bắt giữ Assange vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh.

Ông Julian Assange đang cân nhắc đề nghị của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ yêu cầu ra làm chứng trong cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong tuyên bố ngày 9-8, luật sư của ông Assange, bà Jennifer Robinson cho biết trang mạng WikiLeaks đang xem xét nghiêm túc lời đề nghị của Mỹ, song cần chắc chắn rằng sự an toàn của ông Assange được đảm bảo.

Trước đó, ngày 8-8, WikiLeaks cho biết, trong lá thư đề nghị được chuyển đến cho ông Assange thông qua Đại sứ quán Mỹ ở London, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ yêu cầu ông Assange ra làm chứng và tham gia vào cuộc phỏng vấn kín. Đơn vị phụ trách pháp lý của Wikileaks cho rằng buổi điều trần phải tuân thủ "tiêu chuẩn đạo đức cao".

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên