30/03/2018 21:16 GMT+7

Nhà đầu tư, doanh nhân là động lực phát triển khu vực Mekong

DIỆU AN
DIỆU AN

TTO - Tiểu vùng Mekong mở rộng không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên mà có sự kết nối, hội nhập - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Nhà đầu tư, doanh nhân là động lực phát triển khu vực Mekong - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại phiên toàn thể đối thoại chính sách của Diễn đàn thượng đỉnh Kinh doanh GMS - Ảnh: TTXVN

Khoảng 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực đã tham dự Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tại Hà Nội tối nay 30-3. 

Diễn đàn với chủ đề "Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới" là sáng kiến của chủ nhà Việt Nam nhân Hội nghị thượng đỉnh GMS lần 6.

Phát biểu tại phiên toàn thể đối thoại chính sách của diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong.

Thủ tướng nhận định các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế nhưng liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, sẽ cùng tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung, mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022 là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

"Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; 

Tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhà đầu tư, doanh nhân là động lực phát triển khu vực Mekong - Ảnh 2.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp thảo luận tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng tại Hà Nội ngày 30-3 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS chính là nơi để thúc đẩy các sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ giữa Chính phủ, chính quyền các cấp với nhau mà còn với các doanh nghiệp.

Và điều quan trọng nhất là đề cao vai trò của kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực GMS và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng nhất trí rằng nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng Mekong có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. 

Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.

Ngày mai 31-3, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia tại Hà Nội.

Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, có quy mô kinh tế lên đến hơn 1.300 tỉ USD.
Thủ tướng 3 nước đến Hà Nội dự thượng đỉnh về sông Mekong Thủ tướng 3 nước đến Hà Nội dự thượng đỉnh về sông Mekong

TTO - Lãnh đạo 5 nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần 6 (GMS6) và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần 10 (CLV10) từ 29 đến 31-3 tại Hà Nội.

DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên