22/11/2005 17:02 GMT+7

Nguyễn Vĩnh Nguyên: Trang viết đã là một dự báo!

Theo Văn Nghệ Trẻ
Theo Văn Nghệ Trẻ

TTO - Gây xôn xao từ khi còn là một bản thảo, cuối cùng tập truyện ngắn Năm mười mười lăm hai mươi cũng có được một số phận đàng hoàng. Độc lập tư duy, đổi mới quyết liệt, cây bút trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên với tác phẩm mới này đã xới lên những cuộc trò chuyện về cái gọi lại là sự dũng cảm trong thái độ cầm bút.

zEqr68PR.jpgPhóng to
Nguyễn Vĩnh Nguyên
TTO - Gây xôn xao từ khi còn là một bản thảo, cuối cùng tập truyện ngắn Năm mười mười lăm hai mươi cũng có được một số phận đàng hoàng. Độc lập tư duy, đổi mới quyết liệt, cây bút trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên với tác phẩm mới này đã xới lên những cuộc trò chuyện về cái gọi lại là sự dũng cảm trong thái độ cầm bút.

Tuổi Trẻ Online trích giới thiệu cuộc trò chuyện thú vị giữa hai cây bút trẻ - tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên và Phong Điệp - PV Văn Nghệ Trẻ.

Tôi đổi mới quyết liệt

* Năm mười mười lăm hai mươi (NXB Hội Nhà văn 2005) có thể ghi nhận một cuộc vượt thác (tôi thích từ này hơn chữ lột xác) thành công của bạn được chưa nhỉ?

- Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi chưa bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong. Vì vậy, xin nhường câu trả lời này cho độc giả và bạn bè, những người viết đã đọc và chia sẻ với tôi.

* Mỗi người viết đều có khát vọng làm mới mình. Nhưng không thể nói miệng rằng tôi đổi mới đây là xong. Tôi nhớ không lầm thì nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lần tâm sự rằng: tôi thèm ai đó quất cho mình một roi. Còn bạn, nguyên do nào đã khiến bạn đổi mới được mình một cách quyết liệt đến vậy?

- Ngày nhỏ, tôi là đứa ngớ ngẩn, làm gì cũng chậm chạp. Mẹ tôi quở: “Để mẹ thả kiến vào trong ống quần cho con nhanh nhẹn hơn nhé!”. Đấy là một chuyện vui tuổi thơ có thật mà tôi được người lớn nhắc lại.

Tôi không biết chị Nguyễn Ngọc Tư nói câu đó trong tình huống nào. Nhưng tôi hoàn toàn có suy nghĩ ngược lại. Người cầm bút chẳng phải là trẻ con để chờ ai đó quất vào đít mình một roi hay cột lửa vào đít thì mới khá lên được. Trẻ con sau khi ăn roi thì có thể sẽ ngoan hơn đấy, nhưng vì chúng sợ…roi. Thử hỏi, người viết ăn roi xong, sẽ thế nào? Nếu anh ta ngoan hơn trong mắt người lớn thì cũng chẳng hay ho chút nào cho văn chương của anh ta.

Tôi hiểu chị Tư cũng vô tư, nên nói vậy thôi, bởi vì chị ấy có cảm giác sao văn chương của mình viết ra dễ được chấp nhận quá, được các chú các bác nâng niu nhiều quá, chẳng có ai cho mình một lời chê để tiến bộ. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, ý thức đổi mới nếu không trở thành một dằn vặt, thôi thúc thường trực của người viết thì chẳng hay ho gì mà cứ tiếp tục cầm bút cả.

Tôi đổi mới quyết liệt để chống lại sự nhàm chán, đơn điệu và vô vị trong chính con người mình.

* Có một điều tôi thấy khá thú vị, đó là những minh hoạ trong sách đều do bạn tự biên tự diễn. Bạn không lo cứ đà này, cánh hoạ sĩ sẽ thất nghiệp ư? Sao bạn không nhờ hoạ sĩ để những minh hoạ này có tính chuyên nghiệp hơn?

- Tôi thích khái niệm amateur với nghĩa là tay chơi tài tử. Ngày trước, tôi đọc sách hội hoạ nhiều, xem tranh nhiều, nhưng chưa từng thử vẽ cái gì cả. Vậy thì đây cũng là cách để thử nghiệm theo kiểu của mình. Có thể sẽ ngớ ngẩn, nhưng tôi nghĩ nó lại có cái ngẫu hứng và thú vị rất amateurish. Còn ai muốn thất nghiệp thì tự họ thất nghiệp. Đâu có vì một thằng vớ vẩn như tôi.

Khi nghĩ đến chuyện minh hoạ, tôi đã bảo anh Trần Đại Thắng rằng, tôi khó tin có ai đó vẽ diễn tả hết không khí cuốn sách mình. Thôi thì để tôi vẽ! Rất may là anh Thắng tin tôi. Vậy là chiều ấy tôi chạy qua nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung, mượn cọ và một hộp màu a-ri-lic về, thức liền 3 đêm để vẽ. Thật tội nghiệp cho hộp màu của ông hoạ sĩ già. Nó quá đắt tiền nhưng lại khá hào phóng với một tay nguệch ngoạc!

Vẽ xong, đẹp xấu chưa nói nhưng ít ra, đó là những bức tranh minh hoạ hợp với không khí những truyện ngắn của tôi. Và có gì đó không giống cái cách mà tôi vẫn thấy người ta minh hoạ trong các cuốn sách văn học hiện nay. Hình như tôi cũng ảo tưởng về chuyện vẽ vời, nhỉ?!

* À, chuyện này thì tôi tin thiên hạ còn bình luận nhiều (cười). Đọc tập truyện mới này, tôi thấy tốc độ viết của bạn thật đáng nể. Cả tập có 19 truyện thì 12 truyện được hoàn thành trong năm 2005, trong đó tháng năm viết được 3 truyện, tháng 7-8 đều viết được 2 truyện. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong cuộc đổi mới này của mình, bạn hơi nóng vội?

- Đó là những thời gian hoàn thành. Thực ra, năm 2004 với tôi là chẳng làm được gì cả. Tôi gần như sụp đổ sau những sự cố về tình cảm, đời sống và đặc biệt là cuốn sách đầu tiên ra đã rơi vào im lặng. Tôi có những chuyến đi dài ngày để đọc, nghiền ngẫm và mạnh dạn viết với một tâm thế hoàn toàn tự do, không tự kiểm duyệt hay nghĩ tới chuyện đăng báo gì cả và y như rằng, khi viết ra thì có nhiều báo từ chối in truyện tôi, một cuộc thi đã đẩy tôi ra rìa sau khi dán cho cuốn sách một cái nhãn chẳng lấy gì tử tế… Dù sao, tôi cũng thấy mình không hối hận khi bỏ rất nhiều để xây dựng lại hình ảnh của mình.

Còn nóng vội? Tôi rất bình tĩnh để thấy những lúc mình… thiếu bình tĩnh!

Sự bất lực của những kinh nghiệm sống

* Bạn có nghĩ rằng tập truyện của bạn có phần đánh đố với những độc giả thích sự rõ ràng của câu chữ và ý tưởng?

- Tôi thật sự không thích chữ đánh đố dù nó đã được đặt trong ngoặc kép. Vì đó là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi có một món ăn mà chủ quan chị không hợp khẩu vị, không có nghĩa là tôi đánh đố chị. Đây là một bữa tiệc buffet, có đông thực khách và nhiều món ăn. Chị có thể chọn lựa món ăn mà! Dĩ nhiên, tôi nghĩ món ăn mà tôi chế biến sẽ không hợp lắm với những người vừa bơi vừa ăn theo kiểu thường thấy ở các hồ bơi trong khách sạn 5 sao!

* Bạn quả là một người đầy tự ái (và có phần cực đoan?)! Nhưng người ta viết không thể không suy tính tới độc giả của mình sẽ là ai. Quá kén chọn để rồi chẳng may rơi vào im lặng như bạn đã từng gặp phải liệu có phải là một điều nên tránh?

- Tôi chỉ sợ tác phẩm của mình rơi vào im lặng vì nó… quá tệ. Khi in cuốn sách ra, tôi nghĩ rằng nó là một thứ hàng hoá, sản phẩm đặc biệt. Và tôi rạch ròi chọn lựa, ký thác cho mình cách viết ngay lúc đầu cũng có nghĩa là đã ngầm chọn cho mình một đối tượng khách hàng nào đó hợp lý. Vì chúng ta không thể cứ nghĩ rằng bạn đọc là một lớp người chung chung, cần dạy bảo và khuyên nhủ, tư duy giúp. Tôi không tin tưởng vào giá trị tức thời và đầy cảm tính của những cuốn sách văn chương phổ biến gần với kiểu sách dạy nấu ăn và nghệ thuật sống!

* Ở đây, cũng xin lưu ý bạn một điều, không ít người cho rằng độc giả của chúng ta ngày nay giỏi hơn chúng ta rất nhiều. Họ bỏ tiền ra mua sách và họ hoàn toàn có quyền lựa chọn. Và bạn phải “đương đầu” với điều này đấy?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hiện nay ở ta dân trí đọc thấp hơn dân-trí-viết. Nhưng tôi thấy ở đây có sự trật chìa giữa người đọc và người viết. Nhà văn tự hạ thấp giá trị của văn chương mình bằng sự mặc cảm kém cỏi trước người đọc uyên bác vô hình. Nhưng anh ta cũng dễ dàng cao ngạo vênh váo và bằng sự ảo tưởng nghĩ rằng mình cao hơn bạn đọc một cái đầu.

Tôi xin cam đoan rằng, mình không thuộc hai tâm thế này. Tôi viết bằng một sự độc lập tư duy và nghĩ rằng cũng tìm thấy một đối tượng bạn đọc độc lập tư duy tìm đọc nó! Chị cũng chia sẻ điều này chứ?

* Tôi thì thấy rằng: khi người cầm bút ngồi trước trang giấy của mình, điều choán hết tâm trí họ là cái mà họ mong muốn chuyển tải qua những con chữ. Còn những vấn đề khác thường đến trước và sau khi quá trình sáng tạo hoàn thành. Và tôi muốn đặt lại một câu hỏi ở đây, bạn thích đối tượng bạn đọc của mình là 10 người hay 1000 người?

- Tôi nghĩ rằng, dù muốn dù không thì người viết cũng đã ngầm chọn lựa độc giả thông qua cách xử lý trang viết và thái độ của anh ta đối với những vấn đề đang đề cập. Nếu chọn giữa số 10 và 1.000 thì đến một đứa bé cũng thích con số nhiều hơn, thậm chí, có thể nó sẽ thích 10.000 cơ.

Nhưng tôi sẵn sàng hy sinh con số 1.000 để chọn lại con số 10 kia, nếu nó thực sự đòi hỏi và kích thích tôi rơi vào một cuộc mạo hiểm và tự đổi mới mình chứ không buông theo thị hiếu và số đông kia để tự huyễn hoặc và rơi vào đơn điệu, nhàm chán. Thậm chí nếu đủ sức để làm nên giá trị mới, tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ tiền phong sẽ sẵn sàng viết cho một lớp độc giả tiềm năng hoặc mở ra một lối khai phá mà anh ta chỉ là viên đá lót đường không được lịch sử nhắc tới.

Nói thì nói đến cùng. Nhưng tiếc thay, tôi thì chưa đủ tự tin về khả năng để nghĩ đến việc đó. Tôi chỉ đang tự chống lại “cơn buồn ngủ tự thân” khi cầm bút bằng vài việc phá bĩnh tự coi là mạo hiểm vớ vẩn mà thôi!

* Sau khi đã bình tĩnh nhìn lại tác phẩm lần này của mình, tôi hỏi thật nhé, bạn có cảm thấy hài lòng? Thường sau khi làm xong một việc gì đó (ví như việc ra sách vừa rồi của bạn cũng có thể coi là xong một việc), người ta tự cho mình nghỉ ngơi. Còn bạn?

- Tôi cũng nói thật nhé, tôi chưa bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong!Tôi chỉ thấy nó có giá trị khi mình đang… vật lộn với nó. Mà hiện tại, tôi đang vật lộn với cuốn tiểu thuyết mới đầy hứng thú. Đến khi trả lời chị thì tôi đi được 50 trang rồi!

* Và bạn có thể hé lộ chút thông tin?

- Đó là một cuốn tiểu thuyết viết về sự bất lực của những kinh nghiệm sống. Vì mọi thứ sẽ không diễn ra theo lẽ thường hay quy luật nữa mà toàn những trục trặc lạ đời. Tất cả nằm ngoài khả năng nhận thức và xử lý của con người.

* Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về không khí văn trẻ hiện nay: một cho rằng những sáng tác của người viết trẻ đang có phần chững lại, một lại cho rằng không khí văn trẻ đang hết sức sôi động và hứa hẹn những sự bùng nổ. Tôi rất muốn nghe ý kiến của bạn?

- Tôi thấy cả hai ý kiến ấy đều đúng với hai xu thế của văn học tạm gọi là đương đại. Có một xu hướng viết để thoả hiệp với chính mình, với môi trường văn học mà mình đang sống. Cón có một hướng khác là viết để giải toả cơn dằn vặt dữ dội của ý thức, viết trong khát vọng hội nhập thế giới đang ngày càng bức thiết. Họ muốn tìm kiếm những giá trị mới cho văn học.

Mặc dù biết, những nỗ lực hiện tại của họ chưa hẳn đã được môi trường chính thống công nhận hay ủng hộ ngay. Thậm chí, họ còn dễ gặp những tai bay vạ gió ngoài văn chương. Nhưng tôi rất tin tưởng, họ sẽ là những người làm nên chuyện. Vì bản thân trang viết đã là một dự báo!

* Vâng, khả năng dự báo của văn chương là một điều vô cùng có ý nghĩa. Và tôi tin rằng, trong dòng chảy văn học hiện nay, những mạch chảy dầu lạng lẽ âm thầm hay cuồn cuộn, bão tố thì mỗi người viết chân chính đều mong muốn cống hiến những tác phẩm có giá trị tới độc giả. Cám ơn bạn đã nhiệt tình với cuộc trò chuyện này. Tôi chờ cuốn sách mới của bạn.

Theo Văn Nghệ Trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên