Bà Phạm Thị Giàu hướng dẫn cách làm hồ sơ cho người dân tại UBND quận 4 - Ảnh: TỰ TRUNG
Hơn 10h sáng, bà Bùi Thị Cẩm Hồng tới khu vực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND quận 4 (TP.HCM), đứng loay hoay ngơ ngác trước máy lấy số thứ tự, dù màn hình có ghi rất rõ các mục: nhà đất, hộ tịch, chứng thực, kinh doanh... để người dân cần làm thủ tục gì thì chỉ chạm tay vào màn hình...
"Em ơi, em làm gì đó?" - tiếng nói của người phụ nữ ở bàn hướng dẫn vang lên. Đó là một người đã đứng tuổi, mặc chiếc áo dài hoa tối màu đang nở một nụ cười thân thiện: bà Phạm Thị Giàu (66 tuổi).
Bà Cẩm Hồng rụt rè trình bày chị gái bà mất không có di chúc, để lại căn nhà mua giấy tay chưa có giấy chủ quyền nên bà lên hỏi cách làm giấy cho một người trong gia đình đứng tên.
Xem qua giấy tờ một lượt, nghe bà Cẩm Hồng trình bày xong, bà Giàu giải thích: "Các anh chị em trong nhà phải họp nhau lại, thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế. Anh em thống nhất với nhau xem để ai đứng tên, rồi mới làm được giấy tờ nhà".
Bà Hồng chưa kịp đi thì một thanh niên đã đứng chờ bên cạnh. Anh này kể vợ chồng anh đang muốn bán căn hộ chung cư, làm thủ tục sang tên, đăng bộ cho người chủ mới.
Bà Giàu hỏi cặn kẽ về người bán, người mua rồi rút trong những tập hồ sơ trên bàn bốn năm loại tờ khai, có cả tờ khai về thuế thu nhập khi bán căn nhà. Trong mỗi tờ khai, bà còn cẩn thận dùng cây viết chì đánh dấu vào đó những mục cần khai.
Tay đánh dấu, miệng giải thích không ngừng. Trong lúc hướng dẫn cặn kẽ từng người, bà vẫn thi thoảng ngước lên chiếc máy bấm số thứ tự trước mặt xem có ai cần giúp. Đôi khi chỉ là nhắc người ta bấm vào ô số mấy, đôi khi là chỉ đường cho người ta tới đúng nơi cần tới.
Khi bớt khách, bà Giàu kể mỗi ngày bà hướng dẫn làm hồ sơ cho hơn 30 người. "Hướng dẫn" trong từ điển của bà là phải giải thích từng li từng tí, rõ ràng mạch lạc, người ta hiểu mới thôi. Còn những người bà chỉ đường chỉ chỗ, nhắc nhở thôi thì có lẽ hơn 100.
Hỏi bà, sao thủ tục gì bà cũng rành, ngó qua hồ sơ cái là biết đường hướng dẫn ngay. Bà cười, "khoe" trước đây bà có hơn chục năm làm việc ở phường 15 (Q.4), làm từ thư ký cho tới chủ tịch, bí thư phường, rồi lên phó ban tuyên giáo Quận ủy nên các thủ tục bà biết rõ.
Trước khi bà về hưu, lãnh đạo quận hỏi bà có muốn làm công việc này không. Thấy mình có kinh nghiệm và vẫn muốn tiếp tục làm việc nên bà đồng ý.
"Mấy em gọi tui là tổng đài 1080" - bà Giàu kể. Công việc này đem lại cho bà niềm vui, thứ mà bà gọi là liều thuốc bổ: hằng ngày được gặp gỡ với anh em đồng nghiệp cũ, bà con lên làm thủ tục mấy lần, biết rồi thì lần sau lên cứ tíu tít "cô Giàu ơi" làm bà cũng vui.
Vậy có điều gì khiến bà không vui với công việc này? Bà trả lời đó là khi bà đã hướng dẫn nhiệt tình, rõ ràng đúng quy định, nhưng có người không hiểu lại nghĩ bà làm khó.
"Cũng may là trường hợp như vậy không nhiều" - bà Giàu bảo.
Theo bà Giàu, bây giờ người dân có thể tìm hiểu trên mạng hoặc nhiều kênh khác, nhưng tâm lý nhiều người vẫn muốn được tới tận nơi, được nghe cán bộ hướng dẫn trực tiếp. Có lẽ vì vậy mà 9 năm qua bà vẫn ngồi đây, đôi tay thoăn thoắt, miệng giải thích, hỏi han liên hồi...
Giảm được thời gian chờ đợi của dân
Lãnh đạo quận 4 cho biết nhờ có bà Giàu ngồi ở bàn hướng dẫn mà nhiều khi giảm được thời gian chờ đợi của người dân. Bởi có trường hợp lấy số thứ tự, ngồi chờ tới lượt mới biết đã bấm sai lĩnh vực. Hoặc có việc phải tới cơ quan khác nhưng nhiều người không biết nên cứ bấm số thứ tự rồi ngồi chờ.
Mỗi ngày, nơi đây đón trung bình hơn 300 lượt người tới làm thủ tục, được bà Giàu chỉ dẫn ban đầu nên giảm được nhiều áp lực cho các cán bộ ở quầy tiếp nhận hồ sơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận