Phóng to |
Mạng Internet giờ đây đã trở thành bạn của không ít người lớn tuổi (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Tiến |
Nhưng điểm chung là hầu hết họ thường xuyên đối mặt với câu hỏi từ người thân: “Già rồi lên mạng làm gì?”.
Mỗi người một cảnh
Nhiều nhân viên ngân hàng V vô cùng ngạc nhiên khi ngày nọ tình cờ phát hiện trang Facebook của vị giám đốc chi nhánh nổi tiếng khắt khe của mình.
“Facebook của sếp rất trẻ trung, chăm chút khá kỹ và ngập tràn bài hát, hình ảnh cá nhân lẫn gia đình... Thậm chí sếp còn dùng cả ngôn ngữ tuổi teen để trò chuyện với mọi người” - anh T. (nhân viên) tủm tỉm cười khi nhớ lại.
Sự việc “động trời” này nhanh chóng được nhiều nhân viên bầu chọn là “sự kiện của năm” với nhiều đề cử: vị sếp “cưa sừng làm nghé” nhất, người gây sốc nhất...
Tương tự, anh H. (cán bộ xây dựng) từng khiến con trai đang độ tuổi mới lớn chết sững khi vô tình gặp nhau ở một buổi offline của một câu lạc bộ trên mạng.
“Tôi đã nhiều lần đọc các câu bình luận sâu sắc nhưng rất “xì tin” của bố trên diễn đàn, ấn tượng với cái nickname (tên sử dụng trên diễn đàn - người viết) của bố để rồi bối rối chẳng biết nói gì, làm gì ở buổi gặp mặt đó” - con trai anh H. cho biết.
Chị X. (giảng viên hưu trí) lại khiến người thân bất ngờ khi đưa về nhà một người đàn ông đứng tuổi xa lạ và giới thiệu “sẽ cùng nhau đi suốt quãng đời còn lại”. Không khí gia đình càng căng thẳng khi chị thừa nhận đây là người bạn mà chị quen qua mạng.
Chồng mất từ lâu, mọi người trước giờ vẫn xem chị là người phụ nữ thủ tiết thờ chồng.
Chính vì những áp đặt trong suy nghĩ đó của mọi người, chị phải trải qua khoảng thời gian không dễ thở khi đứng giữa tình riêng và gia đình. Chị thậm chí không đủ can đảm online, gặp gỡ những người bạn trên mạng như trước...
Sống với cảm xúc
Trò chuyện với chúng tôi, anh giám đốc chi nhánh ngân hàng nọ thở dài cho biết: “Cuộc sống của tôi vốn luôn áp lực. Ngày xưa tôi sống cho cha mẹ, vừa phải học thông tiếng Pháp lại phải thạo tiếng Anh. Khi đi du học về tôi phải phấn đấu hết mình để cha mẹ nở mày nở mặt. Lập gia đình thì cuộc sống và sự tự do càng bị xé nhỏ bởi phải chăm lo cho con cái, vợ và cha mẹ giờ đã già”.
Anh cho biết bây giờ tự thấy mình đã có mọi thứ trong tay, thiếu chăng là cảm giác tự do, được sống thoải mái, trẻ trung.
“Đôi khi tôi tiếc nuối thời tuổi trẻ của mình. Tôi nhìn sự trẻ trung, đầy nhiệt huyết và vô tư của các bạn trẻ mà lòng không giấu được sự ganh tị. Và tôi tìm đến mạng Internet. Tôi khẳng định mình không phải dạng người “cưa sừng làm nghé” bởi đây chính là một góc thật của tôi” - anh bộc bạch.
Chị X. lại rất kiệm lời khi chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Có lẽ sự đứng tuổi khiến chị rụt rè khi nói về hai thứ có thể gọi là xa xỉ với người già: tình yêu và mạng Internet. Chị chỉ buông tiếng thở dài: “Giờ tôi quay lại thói quen coi phim bộ Hong Kong mỗi lúc rỗi rảnh. Với lại có mấy đứa cháu chạy qua chạy lại trong nhà cũng bớt nghĩ ngợi vẩn vơ”.
Chị không nói nhưng trang blog của chị có một bài viết khá dài về hai nhân vật A. và B. đã không đến được với nhau bởi sự cản ngăn từ cả hai gia đình. Bài viết đó đã đăng cách đây hơn nửa năm, và trang blog giờ bụi đã phủ đầy...
Anh H. may mắn hơn bởi con trai anh khá thoáng trong chuyện này. “Tôi với thằng con sau đó trên diễn đàn lúc nào cũng có nhau. Trước đây tôi nhiều lần cau có, gay gắt với nó bởi hai cha con đều nóng tính. Giờ đây nhờ có những buổi đi offline, chat mà tôi hiểu rằng con đã trưởng thành. Nhưng dẫu sao tôi vẫn lo lắng nếu bị người quen “át” (add nick: mời kết bạn) trên Yahoo chat, Facebook hoặc trên các diễn đàn bởi tôi sợ mình lại không còn tự do”.
Vì thiếu sẻ chia
Nhu cầu và số lượng người lớn tuổi lên mạng ngày một cao, đây là một thực tế không thể chối cãi. Cụ thể tại Nhật Bản, số lượng người lớn tuổi sinh hoạt trong các cộng đồng mạng khá lớn. Họ tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia khi nhịp sống thực tại không thể cho họ những điều này.
Một lý do khác khiến đối tượng này thích Internet là họ có thể yêu cầu hầu hết các dịch vụ thông qua một cú nhấp chuột, từ mua hàng tại siêu thị đến trả tiền điện, nước...
Tuy nhiên, hầu hết người lớn tuổi khắp nơi đều gặp cái nhìn không mấy thiện cảm từ gia đình, xã hội khi họ gia nhập cộng đồng mạng.
Tờ Los Angeles Times ngày 27-8 đưa tin, gần 1/3 số lượng giới trẻ được hỏi sẽ không chấp nhận kết nối với cha mẹ trên Facebook, thậm chí 16% trong số này cho biết sẽ bỏ Facebook ngay khi phát hiện cha mẹ họ gia nhập mạng này.
Jeanne Leitenberg, một thanh niên 27 tuổi, thậm chí cùng Erika Brooks Adickman (28 tuổi) lập trang web phản đối việc các bậc phụ huynh tham gia Facebook với tên gọi “Trời đất ơi, họ (ở đây ám chỉ phụ huynh) đã lên Facebook”!
Bên cạnh thái độ phản đối, nhiều phụ huynh còn gặp sự bỏ mặc của người thân, con cái khi cho rằng thế giới mạng đem lại niềm vui cho họ. Hàng chục người già tại Nhật Bản đã được phát hiện qua đời trong nhà nhiều ngày trước mà chẳng ai hay biết. Chỉ biết khi phát hiện, không ít người trong số này đang gục đầu trên chiếc máy tính vẫn còn sáng màn hình...
Bà Trần Thị Hồng Hà (phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên VN): Con cái, người thân cần nhìn nhận khách quan hơn Trong tương lai, việc người lớn tuổi tham gia các mạng xã hội sẽ phổ biến hơn, vì lớp người già trong tương lai chính là thế hệ trẻ hiện tại. Người già có con cái lớn, gia đình ổn định thì nhu cầu dành thời gian, sự quan tâm cho bản thân là tất yếu. Việc tham gia hoạt động mạng (như Facebook, Yahoo chat...) phần nào thỏa mãn những điều này và cũng là hoạt động đáng khuyến khích. Có nhiều người dùng từ “teen hóa” để nói về xu hướng này, theo tôi là không nên, bởi dễ khiến người khác hiểu theo kiểu tiêu cực và lầm tưởng người lớn tuổi trong trường hợp này “cưa sừng làm nghé”. Quan điểm của tôi thì việc họ “lột xác” cũng là điểm tích cực bởi điều này khiến họ lạc quan, vui vẻ hơn. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt: nếu người lớn tuổi lên mạng dùng “nick chat” với tên gọi khác để làm những điều không hay hoặc do quá đam mê, nhí nhố với các bạn trên mạng mà bỏ bê gia đình, hay lợi dụng việc tham gia mạng để bồ bịch... thì chắc chắn là đáng lên án. Dẫu sao thì người thân, con cái nên nhìn nhận vấn đề với cái nhìn khách quan hơn để có những đánh giá, nhận xét công bằng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận