Ngày 20-10, anh Phạm Thanh Tùng - bị đơn trong vụ tranh chấp tài sản thừa kế sáu anh chị em ruột ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết vẫn chưa được TAND huyện Châu Thành thông báo lịch xét xử dù đã anh đã mỏi mòn chờ đợi suốt nhiều tháng qua.
Theo anh Tùng, trước đó vào ngày 6-9 TAND huyện Châu Thành đã mời các bên đến hòa giải nhưng kết quả bất thành.
Gần đây nhất, ngày 9-10, anh Phạm Văn Sơn - anh ruột và cùng là bị đơn với Tùng - đã liên hệ với thẩm phán Lê Văn Tâm để hỏi tiến độ vụ án và có cần bổ sung hồ sơ gì không thì được ông Tâm trả lời là không cần bổ sung gì nhưng do ông bận học nên chưa xét xử được!
Phạm Thanh Tùng - bị đơn trong vụ kiện. Ảnh N.Triều
Em chưa biết mình có chờ đợi được đến khi vụ kiện được tòa đưa ra xét xử lại, hay kiệt sức chết giữa chừng. Em không muốn tranh giành gì cả. Em chỉ muốn tòa hiểu được sự chờ đợi của một kẻ tật nguyền mà tập trung thời gian xem xét chứng cứ, sớm xét xử để em có thể về lại căn nhà của mình.
Phạm Thanh Tùng
Chiều 19-10, phóng viên Tuổi Trẻ gọi điện đến TAND huyện Châu Thành đề nghị gặp thẩm phán Lê Văn Tâm, một nhân viên nam tiếp điện thoại cho biết thẩm phán đang bận đi học trung cấp chính trị và đề nghị phóng viên liên lạc trực tiếp với ông Tâm.
Phóng viên đề nghị cung cấp số điện thoại di động của ông Tâm để liên lạc thì nhân viên này từ chối rồi cúp máy.
Phóng viên đã liên lạc vào số điện thoại di động của thẩm phán Lê Văn Tâm. Ông Tâm cho hay đang đi học. Hỏi khi nào đưa vụ kiện của Phạm Thanh Tùng ra xét xử, ông Tâm trả lời "gần rồi" và khi hỏi lịch cụ thể thì ông Tâm nói đang ở lớp học rồi cúp máy.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chồng bà Hoàng Thị Huệ là ông Phạm Văn Tranh mất từ năm 1987. Năm 1991, bà Huệ được UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở do cá nhân bà Huệ đứng tên.
Trước khi qua đời, bà Huệ đã chia đất cho sáu trong tám người con của mình. Phần còn lại bà sang tên và di chúc cho con trai út bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam là Phạm Thanh Tùng và anh kế Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn sẽ trông nom, chăm sóc Tùng.
Tuy nhiên, sau khi bà Huệ mất đã xảy ra tranh chấp phần nhà đất còn lại này. Hai người anh trai lớn là Phạm Văn Truyền, Phạm Văn Luận cùng bốn chị em gái kiện Sơn và Tùng ra tòa đòi hủy di chúc, chia lại di sản thừa kế.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành ngày 6-5-2016 đã tuyên bác gần như toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn. Tòa chỉ chấp nhận chia đều cho tám anh chị em hai thửa đất ruộng không được người mẹ nhắc trong di chúc.
Không đồng ý với bản án tòa đã tuyên, phía nguyên đơn kháng cáo.
Ngày 19-9-2016, TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử nhận định việc bà Huệ chia đất cho sáu người con, trong đó năm người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp, riêng ông Truyền tuy chưa sang tên nhưng trên thực tế đã quản lý, sử dụng.
Phạm Thanh Tùng (ngồi dưới đất) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2016. Ảnh: N.Triều
Phần nhà đất bà Huệ di chúc và sang tên cho Tùng và Sơn với di nguyện để Sơn chăm sóc Tùng là người khuyết tật không có khả năng lao động thể thiện ý chí của bà. Theo hội đồng xét xử, điều này là đúng pháp luật và phù hợp với đạo lý.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng bản án sơ thẩm có vi phạm về tố tụng khi một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không được triệu tập tới tòa.
Mặt khác, ở cấp sơ thẩm phía nguyên đơn không yêu cầu nhưng tòa vẫn chia đều phần đất ngoài di chúc và phía bị đơn chưa có đơn yêu cầu trả lại nhà nhưng hội đồng xét xử buộc nguyên đơn trả nhà là vượt quá yêu cầu của các đương sự.
Do đó, cấp phúc thẩm tuyên hủy án, trả hồ sơ để TAND huyện Châu Thanh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tùng được anh trai bồng trên tay rời khỏi phiên tòa ngày 19-9-2016 - Clip: N.TRIỀU
Đến nay, đã hơn 1 năm, vụ án vẫn chưa được TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử lại.
Trong khi đó bị đơn Phạm Thanh Tùng đang sống trong tình trạng sức khỏe chỉ còn 15% và phải ở nhà thuê suốt mấy năm qua vì căn nhà do mẹ để lại đã bị người anh Phạm Văn Luận quản lý, sử dụng.
Mấy năm qua Tùng và anh Sơn phải đi ở nhà thuê và chờ đợi giải quyết vụ kiện - Ảnh: N.TRIỀU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận