Ngô Thanh Vân "máu lửa" chỉ đạo diễn xuất trong vai trò đạo diễn phim Tấm Cám - chuyện chưa kể
Sau Tấm Cám - chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang đậm văn hóa Việt, nhìn vào kế hoạch sản xuất phim những năm tiếp theo của nhà sản xuất tài sắc Ngô Thanh Vân với những phim lấy chất liệu từ cổ tích Việt Nam, người xem hiểu cô đang đi trên con đường mà không nhiều người chọn.
Nếu không có ai đứng lên...
* Ngô Thanh Vân vốn nổi tiếng là một người làm kinh doanh giỏi. Tại sao chị lại chọn con đường làm phim khó khăn như thế trong khi dư sức làm những bộ phim hợp gu đại chúng, dễ xin đầu tư lại dễ có lời?
- Câu hỏi này làm tôi nhớ đến thời điểm đầu năm 2018, khi công ty của tôi giới thiệu kế hoạch phát triển mới trong năm năm tới hầu hết đều là những đề tài đi sâu vào văn hóa Việt, lấy gốc gác, câu chuyện từ truyền thống Việt làm chất liệu để phát triển thành phim.
Lúc đó mọi người kiểu: "Wow!" rất thích thú với những dự án này, nhưng mặt khác cũng... ái ngại giùm tôi (cười)!
Khao khát của bản thân tôi khi làm phim là phải làm được những bộ phim mang đến giá trị nhất định cho giới trẻ Việt.
Với trào lưu phim ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam như hiện tại, nếu như không có ai đứng lên, cố gắng hết sức để làm một điều gì đó cho điện ảnh Việt thì tôi không hiểu người Việt trẻ sẽ xem gì, biết gì về văn hóa của chính mình trong tương lai?
Rõ ràng đây là một việc rất khó, cần nhiều bản lĩnh lội ngược dòng mà một mình tôi không thể cáng đáng.
* Chị có thể kể thêm những câu chuyện hậu trường về việc "lội ngược dòng" với từng phim cụ thể mà chị đã trải qua khi theo đuổi con đường này?
- Nhiều khi không phải do tôi chọn được làm phim này hay được làm phim kia đâu, mà là có một cái duyên nào đó mà chúng tôi gặp được nhau. Ví dụ như sau khi làm Cô Ba Sài Gòn, tôi có duyên gặp Leon Lê - đạo diễn của phim Song Lang.
Anh đưa kịch bản cho tôi đọc, tôi thích. Nhưng không phải kịch bản nào mình nói "Yes!" là sẽ được làm phim vì còn có một quá trình rất dài tìm kiếm nhà đầu tư, thuyết phục họ và nhiều chuyện khác nữa.
Cũng có người nói là tôi tìm con đường này vì tôi "nhạy" thị trường, nhưng thực lòng trước mỗi phim như Cô Ba Sài Gòn hay Song Lang, tôi rất khổ sở tìm lời giải cho bài toán thị trường.
Mỗi sản phẩm quyết định làm là quyết định dấn thân vào một nỗi lo không có điểm dừng, cho sự tính toán chi li cùng êkip để bộ phim của mình đến đúng được đối tượng khán giả muốn xem phim, để phim có thể thu hồi vốn, đảm bảo doanh số cho nhà đầu tư thì mình mới có cơ sở làm tiếp những dự án sau.
Như Song Lang, đối tượng của bộ phim này chắc chắn không phải những cô bé mến phim Hàn rồi, vậy phải làm sao? Không có kinh nghiệm cho một phim nào cả, nhưng tôi luôn có niềm tin là mình sẽ làm được.
Teaser phim Song Lang
Mạnh mẽ hơn cho những "trận chiến" lớn hơn
* Phim hay nhưng việc ra rạp cũng không đơn giản. Khán giả vẫn chưa quên những giọt nước mắt của chị khi Tấm Cám - Chuyện chưa kể không được phát hành trong hệ thống rạp chiếu của cụm rạp lớn nhất hiện nay. Lúc đó tại sao chị lại khóc? Và sau hai năm, câu chuyện phát hành - sản xuất này đã có sự thay đổi nào chăng?
- Tức chứ! Phải đến cực điểm của thất vọng thì mọi thứ mới tuôn trào như hai năm trước. Tôi cùng êkip đã cố công quá nhiều cho Tấm Cám - Chuyện chưa kể để làm nên một bộ phim cổ tích với góc nhìn mới mẻ của một êkip hoàn toàn trẻ, cùng nhau "chinh chiến" với hi vọng vững chắc, vậy mà tôi gặp phải sự cố quá lớn đó.
Nhưng quá khứ là câu chuyện của quá khứ, là kinh nghiệm để tôi và êkip của mình mạnh mẽ hơn cho những "trận chiến" lớn hơn.
Cho đến hiện tại, nếu phải rạch ròi thì câu chuyện này không có quá nhiều thay đổi, mỗi sản phẩm mình làm ra phải phù hợp với định hướng của nhà phát hành trước tiên, sau đó mới bàn tiếp đến những việc khác, nên quá trình này không dễ để thay đổi được.
Ưu tư lớn nhất của tôi mỗi khi bắt tay thực hiện một phim mới chính xác là đầu ra của sản phẩm đó sẽ ra sao. Tuy nhiên, tôi quan niệm mình chỉ cần kiên định, làm đủ, làm đúng với đứa con của mình thì thể nào cũng sẽ tìm được người đồng chí hướng.
* Có phải vì điều này mà trong những phim của mình, chị liên tục chọn người trẻ để hợp tác và không ngại trao cho họ những cơ hội lớn, dù họ chưa tạo được tiếng tăm trước đó?
- Người trẻ hiện đại cần cơ hội để thể hiện mình. Mình trao cho họ cơ hội lớn và chính mình cũng có dịp được trải nghiệm và học hỏi.
Tôi không dám nhận mình giỏi hết tất cả các lĩnh vực, nên chính là nhờ các ý tưởng mới mẻ của êkip gồm những người trẻ luôn bên cạnh mình.
* Cũng có lúc chị tuyên bố sẽ không làm phim nữa! Đó có phải là lúc chị chán nản với câu chuyện làm phim ở Việt Nam không?
- Không dưới một lần! Đó là sự thật. Nhưng chính êkip của tôi đã giúp tôi "tỉnh" ra. Nếu mình bỏ cuộc thì mình sung sướng thật đó, nhưng ai sẽ thay mình làm tiếp những mong muốn, ai sẽ giúp mình thực hiện ước mơ của mình chuẩn xác nhất ngoài mình? Nên tôi lại tiếp tục.
Giờ thì không còn nghề nào trong số những nghề người mẫu, diễn viên, bà bầu (Ngô Thanh Vân là bà bầu mát tay của nhóm nhạc trẻ đình đám 365 - PV), đạo diễn... có thể thu hút tôi hơn chuyện sản xuất phim.
Tôi nhận ra mình phải tập trung và làm một thứ cho tới, không thể ôm đồm quá nhiều việc.
Ngô Thanh Vân bị thương trên phim trường Hai Phượng
Mục tiêu sắp tới: vũ trụ cổ tích
* Chị có nhắc đến kế hoạch những năm tới là các phim cổ tích, đó sẽ là những phim gì? Và khó khăn lớn nhất khi "mang" những phim này đến các rạp chiếu là gì?
- Nổi bật nhất là bộ phim điện ảnh hướng đến thiếu nhi có tên Trạng Tí, được chúng tôi mua bản quyền chuyển thể từ bộ truyện tranh thuần Việt - Thần đồng đất Việt.
Rất ít nhà sản xuất quan tâm đến việc sản xuất những bộ phim thú vị, đáng xem dành cho trẻ nhỏ mà chứa đựng trong đó sự lém lỉnh, thông minh nhưng cũng hài hước của chúng.
Cậu bé Tí trong Thần đồng đất Việt với những câu đố hóc búa, với hội bạn thân Sửu, Dần, Mẹo nghịch ngợm sẽ vừa gần gũi vừa gây ngạc nhiên cho khán giả nhí. Dự kiến bộ phim này được chúng tôi phát triển thành một phim điện ảnh nhiều phần.
Ngoài ra, câu chuyện cổ tích về Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thạch Sanh, Thánh Gióng, Ông Kẹ... cũng sẽ lần lượt có một diện mạo mới khi chúng tôi đã đọc kịch bản và chuẩn bị đưa vào sản xuất. Món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam là phở cũng là một dự án tôi rất chờ đợi.
* Tôi vẫn nhớ chị từng chia sẻ: Tham vọng của Ngô Thanh Vân trong những năm tới với điện ảnh Việt là xây dựng được một vũ trụ cổ tích Việt Nam, giống như cách các vũ trụ điện ảnh của Marvel hay DC của Hollywood đã vận hành. Giấc mơ ấy đến giờ có thay đổi gì không?
- Nếu giấc mơ mà dễ thay đổi theo thời gian như thế thì đó chắc chắn là giấc mơ chưa đủ lớn!
Tuy nhiên, phương hướng để mình đạt được điều đó thì có thể thay đổi theo thời gian, bản thân tôi cũng luôn tự nhắc mình phải tỉnh táo để ước mơ không chỉ là ước mơ, không viển vông, tham vọng, mà vũ trụ điện ảnh cổ tích sẽ thành hiện thực.
Nhiều người sẽ biết đến cổ tích Việt Nam, sẽ hiểu thêm văn hóa của người Việt mình.
Càng học, càng đi, càng muốn làm nhiều hơn
Ngô Thanh Vân trong phim Star Wars - The Last Jedi
* Nhiều năm sống ở nước ngoài, chị đã học và thấm thía được điều gì về câu chuyện bản sắc?
- Ở nước ngoài người ta thích thú với những sản phẩm thuần Việt lắm! Chính vì nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài tôi mới thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa nước nhà, vì những điều đó đâu tìm được ở đâu khác ngoài quê hương của mình!
Tôi cũng hay lân la đến các chợ phim quốc tế, các chợ phim trong những liên hoan phim lớn ở Cannes (Pháp), Busan (Hàn Quốc)... để lắng nghe họ chia sẻ, ngồi xuống xem họ làm và tận mắt chứng kiến hệ thống vận hành của họ đến khi ra được một sản phẩm chỉn chu để biết mình còn thiếu gì, cần gì.
Bấy nhiêu đó không thể học trong ngày một ngày hai. Mà lạ là càng học, càng đi thì càng muốn làm nhiều hơn!
Nỗ lực
Lặng lẽ với một tô mì ở phim trường là hình ảnh thường thấy của nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân - Ảnh: NVCC
* Vì sao chị không ngần ngại nhận một vai "nhỏ xinh" trong Star Wars - The Last Jedi vào năm ngoái tại Hollywood?
- Star Wars là một thương hiệu điện ảnh toàn cầu mà bất cứ diễn viên nào cũng tự hào nếu được là một phần của nó. Cơ hội cho những diễn viên châu Á ở Hollywood là cực kỳ nhỏ nhoi.
Nếu có một vai diễn nào đó cần một gương mặt châu Á thì danh sách ưu tiên sẽ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... là những nước có nền kinh tế chi phối phòng vé.
Việt Nam không có được những lợi thế đó, nên diễn viên Việt Nam ra nước ngoài phải cố gắng hơn gấp trăm lần.
Tôi không có sự ảo tưởng nào ngoài nỗ lực, dù tham gia vai phi công chiến đấu Paige Tico khi xuất hiện trên phim có hơn một phút.
Để có được vai diễn này, tôi mất ba tháng đến Anh để ghi hình, ăn ở, sinh hoạt với đoàn phim. Đó tất nhiên là những trải nghiệm vô cùng quý giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận