Phóng to |
Cảnh trong vở Đám cưới không chú rể - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ |
Chương trình “du Nam” lần này của Nhà hát Tuổi Trẻ kéo dài đến ngày 21-3-2010 với hai vở kịch dài (Đám cưới không chú rể, Tôi đi tìm tôi) và một chùm gần mười vở hài kịch ngắn.
Nghệ sĩ ưu tú Anh Tú, trưởng đoàn, đồng thời là người dàn dựng hai vở kịch dài nói trên, đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi ngắn trước giờ mở màn.
* Đã bốn năm rồi, đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ mới trở lại với khán giả TP, nhưng vì sao anh lại chọn thời điểm này?
- Mỗi lần rời “bản doanh” là chúng tôi phải đứng trước rất nhiều khó khăn. Đó là lý do vì sao phải mất bốn năm chúng tôi mới tái ngộ được với khán giả TP.HCM. Biết là khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định đi vì muốn rèn quân và rèn cả bản thân mình, tái tạo sự năng động.
Ở những chuyến đi như vậy, một người phải làm thêm nhiều việc, khai thác được tối đa năng lực tiềm tàng trong từng con người. Thử đem hương vị kịch Bắc vào đây trong dịp đầu xuân, tôi nghĩ cũng là một cách tự thử thách mình.
* Nhưng hình như kịch mục đoàn mang vào lần này không phải là những vở mới?
- Trong bốn năm qua, chúng tôi đã dựng thêm nhiều vở nhưng chưa được trình làng với khán giả TP. Chúng tôi đã chọn lựa trong số đó để mang vào hai vở kịch dài mà tôi tin người xem ở đây sẽ thích. Trong chùm kịch ngắn, chỉ có vài tiết mục cũ như Karaoke, Hai người điên, số còn lại đều mới dàn dựng.
* Người xem có thể chờ đợi điều gì ở vở kịch Đám cưới không chú rể?
- Đây là kịch bản Trung Quốc nằm trong chùm bốn vở do NSƯT Tú Mai mang về từ Trung Quốc.
Ba vở đã được Nhà hát Kịch VN dựng khá thành công, gồm: Trăng soi sân nhỏ, Ca sĩ đười ươi và Hàng xóm chung cư. Vở thứ tư Đám cưới không chú rể (có tên gốc là Phòng đen, phòng đỏ), chị Tú Mai giao cho tôi. Đọc xong, tôi “mê mệt”, thức trắng cả đêm để nghĩ về nó.
Truyện kịch là một câu chuyện rất đời thường nhưng ẩn chứa nhiều tính nhân văn. Các nhân vật toàn là những người trẻ. Họ có nhiều ước mơ, đặt niềm tin vào cuộc sống nhưng cuộc sống lại có nhiều nghiệt ngã, làm họ tổn thương.
Tôi nghĩ đôi khi đau khổ cũng là một hạnh phúc, vì sự nghiệt ngã sẽ làm con người ta mạnh mẽ hơn. Con người nếu không trải qua sự nghiệt ngã thì sẽ khó có thể lớn lên.
Vở kịch khiến tôi nhớ đến một ý tưởng của Lưu Quang Vũ: sống ở trên đời, ước mơ là có thực. Cái gì cũng tan biến rất nhanh nhưng ước mơ và hi vọng thì tồn tại mãi mãi. Hãy để ước mơ được cất cánh bay lên. Đây là vở kịch tâm lý với đầy đủ bi, hài của cuộc sống.
Tôi trang trí sân khấu bằng những bức tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, lồng ghép với tranh cắt giấy của Trung Quốc.
* Còn với Tôi đi tìm tôi của tác giả Sĩ Hanh - một vở kịch từng được nhiều đoàn trong Nam ngoài Bắc biểu diễn, bản dựng lần này của đạo diễn Anh Tú có gì mới?
- Tác giả Sĩ Hanh viết hai tập Tôi đi tìm tôi. Tất cả các vở dựng trước đây đều là tập 1. Tập 2 chỉ mới có đạo diễn Xuân Huyền dựng lần đầu cho Nhà hát Tuổi Trẻ cách đây hơn mười năm. Bản dựng có tính luận đề, phê phán gay gắt.
Lần này, các nhân vật mềm mại hơn, khán giả dễ thấy mình trong đó. Không khí cũng lãng mạn hơn khi tôi đưa ca khúc Yesterday (Beatles) với nhiều cách phối khác nhau, khi piano, lúc dàn dây, khi a cappella...
Câu chuyện trong vở muốn nhắn với mọi người rằng cuộc sống luôn thay đổi và con người cũng buộc phải thích nghi để tồn tại nhưng đừng làm biến dạng nhân cách.
NSƯT Anh Tú đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008 dành cho hai vở Sang sông (Câu lạc bộ Hội Nghệ sĩ sân khấu VN) và Trấn Cổ Loa thành (Nhà hát rối Thăng Long), giải đặc biệt cho vở kịch thơ Kiều Loan trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Hiện anh đang chuẩn bị viết và dựng vở kịch Cây khế cho Nhà hát Tuổi Trẻ để tháng 7-2010 đem vở sang Ulanbato (Mông Cổ) dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi cùng với 45 quốc gia khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận