16/09/2018 09:23 GMT+7

Nghệ sĩ Trịnh Bách phục hồi đèn trung thu xưa

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Một năm sau khi khôi phục loại lồng đèn được sản xuất trước năm 1975, nghệ sĩ Trịnh Bách tiếp tục làm loại đèn khó hơn: lồng đèn do dân làng Báo Đáp làm trước năm 1954.

Nghệ sĩ Trịnh Bách phục hồi đèn trung thu xưa - Ảnh 1.

Ông Trịnh Bách làm lồng đèn trung thu trước năm 1975 - Ảnh: NVCC

Các nghề truyền thống trong nước cứ mất dần đi trước mắt mình. Không làm gì đó thì sẽ mất hết.

Nghệ sĩ TRỊNH BÁCH

Trong ký ức của nghệ sĩ Trịnh Bách, trung thu của những ngày thơ bé quá đỗi tươi đẹp, đẹp đến mức ông cứ nhớ mãi khôn nguôi. Thuở nhỏ, cứ tới trung thu, cậu bé Trịnh Bách lại được cha mẹ mua cho một chiếc đèn con thỏ. Cậu bé cứ vuốt ve những dải lông thỏ gắn trên chiếc đèn, rồi tỉ mẩn vẽ lại từng chi tiết chiếc đèn.

Khoảng mười năm trước, lang thang ở phố bán lồng đèn trung thu Lương Nhữ Học tại quận 5, Sài Gòn, ông Trịnh Bách cảm thấy thất vọng vì mẫu mã và chất lượng đèn rất hạn chế, thua xa sản phẩm cách đây 40 năm. Ông mất nhiều công tìm kiếm, nhưng không tìm được thợ thủ công biết cách làm đèn Báo Đáp.

Giấy nhiễu và làng Báo Đáp giữa Sài Gòn

Làng Báo Đáp từ hơn một thế kỷ trước đây từng là một làng nghề làm đèn lồng nổi tiếng ở Nam Định. Sản phẩm do dân làng làm ra được biết đến khắp từ Bắc vào Nam và cả ở bên Pháp.

Năm 1954, nhiều người làng Báo Đáp di cư vào Nam, rồi tụ lại định cư ở khu Phú Bình (phường 5, quận 11, TP. HCM), tiếp tục làm nghề cha ông truyền lại.

Cách đây hai năm, ông Trịnh Bách mới tìm thấy "làng" Báo Đáp ở xã Phú Bình. Ông cũng tìm được gia đình bà Nguyễn Trọng Văn - nguyên là người làng Báo Đáp, có 60 năm kinh nghiệm làm đèn trung thu.

Do tuổi già sức yếu, bị tai biến phải ngồi xe lăn, bà gần như không còn nhớ gì. Những người con của bà giờ vẫn theo nghiệp gia đình nhưng lại không biết kỹ thuật làm đèn Báo Đáp xưa. Dẫu vậy, họ vẫn nhiệt tình cùng ông Trịnh Bách bắt tay vào việc phục dựng.

"Khi cố gắng làm lại loại đèn Báo Đáp cũ, chúng tôi không thể hình dung ra được phải dùng loại giấy gì để dán đèn. Khi chúng tôi đang bí, bỗng nhiên bà Văn bật nói "giấy nhiễu" làm chúng tôi giật mình. Rồi bà chỉ chỗ cho chúng tôi đi mua loại giấy này.

Người bán cũng ngạc nhiên, vì đã hơn nửa thế kỷ rồi không còn ai hỏi đến loại giấy này nữa. Chỉ giấy nhiễu (loại giấy trộn với vụn tơ) mới chịu được lối vẽ với sự bôi nước của thủy mặc. Sau tết năm ngoái, họ mới nhập được giấy nhiễu về cho chúng tôi.

Chúng tôi bắt tay vào làm, từ đèn quả đào, quả lựu, rồi đến con cá chép, con cua. Ngoài ra cũng còn một số đèn Báo Đáp tiêu biểu khác chúng tôi sẽ cố phục hồi sau" - ông Trịnh Bách kể.

Đánh thức một tình yêu

Đèn Báo Đáp trước năm 1954 có kỹ thuật phức tạp hơn loại trước năm 1975. Đèn được làm bằng giấy nhiễu, với các bộ phận của chiếc đèn có thể chuyển động được như con rối. Hoa văn trên đèn được vẽ theo một lối giống như thủy mặc, nhìn đẹp và sinh động khác thường.

Để khôi phục được đúng mẫu mã đèn ngày xưa, ông Bách đã nghiên cứu hình ảnh những chiếc đèn trung thu của Việt Nam thời đầu thế kỷ 20 qua ảnh chụp của Leon Busy, Albert Kahn, hình vẽ trong sách của Henri Oger và quan trọng là hàng bao tháng trời ngồi cùng những nghệ nhân.

Trực tiếp làm việc với nghệ nhân, đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, tự tay chỉ vẽ và huấn luyện cho họ, ông Bách đã lay động được lòng yêu nghề và sự say mê của thợ thủ công các làng nghề. Khi được tiếp xúc với những sản phẩm thủ công đẹp, tinh xảo của cha ông, nhiều người muốn học hỏi. Dù thật ít ỏi, ông Bách đã tìm được những cộng sự thực sự khéo tay, say nghề và tâm huyết.

Hành trình làm sống lại các sản phẩm truyền thống và gieo tình yêu không mệt mỏi vào các ngành nghề thủ công tưởng như đã thất truyền của ông có lẽ còn thắp sáng nhiều nét đẹp Việt...

Ông Trịnh Bách sinh ra trong một gia đình dòng dõi ở Việt Nam. Ông ra nước ngoài từ năm 1972, học guitar với những người thầy nổi tiếng và sau này trở thành nghệ sĩ guitar tại Mỹ.

Nhiều năm sau, ông đã bỏ công việc tại Mỹ về Việt Nam sinh sống. Ở quê hương, ông từng dành rất nhiều công sức, tiền của để khôi phục vải vóc và trang phục cung đình.

Trung thu năm nay, ông Bách còn in một quyển sách với nhan đề Cổ tích trung thu cho trẻ em.

Trong đó ông tự vẽ 6 nhân vật trong Cổ tích trung thu Việt như Hằng Nga, Thỏ Ngọc, Chú Cuội, Thiềm Thừ, Trâu Xanh, Cây Đa theo phong cách dân gian. Các nhân vật này đều mặc trang phục cổ Việt Nam. Mỗi một nhân vật được ông viết riêng một bài thơ lục bát dễ thương.

Lồng đèn Ông Thọ Lồng đèn Ông Thọ

TTCT- Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy cái lồng đèn làm bằng vỏ hộp sữa Ông Thọ. Hỏi ra mới biết, đó là chiếc đèn chú Câm làm cho thằng Nhái.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên