Vở diễn Công chúa tóc mây kết hợp giữa rối cạn và rối nước được NSƯT Phương Nhi hoàn thành trong những tháng ngày chị hóa trị bệnh ung thư vú - Ảnh: Đ.TRIẾT
Phương Nhi là một nghệ sĩ đích thực, luôn chỉn chu từ nghệ thuật đến cách quản lý, luôn hết lòng vì nghệ thuật và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà hát. Khi mắc bệnh hiểm nghèo, chị vẫn lạc quan vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc vở diễn Công chúa tóc mây với một không gian lung linh mà kết hợp nhuần nhuyễn giữa rối cạn với rối nước
NSƯT CHU LƯỢNG (giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long)
Phát hiện mắc bệnh ung thư vú bắt đầu di căn đầu tháng 3 năm ngoái, NSƯT Phương Nhi nói lúc đó chị gần như ngã quỵ. Nhưng cảm giác hụt hẫng ấy đã nhanh chóng qua đi khi chị gặp biết bao bệnh nhân khác đồng cảnh ngộ.
Những khát khao tiếp tục được sáng tạo những trò rối, khát khao được nghe thật nhiều tiếng cười trẻ thơ nơi sàn diễn đã giúp chị dường như quên đi những đau đớn của phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...
Và suốt sáu tháng điều trị như thế, trong đầu chị chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Phải tiếp tục sống để còn tiếp tục được thăng hoa cùng những con rối ngây ngô...
Quay quắt với sàn diễn
Ngày thứ ba hằng tuần là ngày Phương Nhi phải đến bệnh viện hóa trị. Nhưng thay vì nghỉ ngơi thêm, hầu như 8h sáng hôm sau chị đã có mặt ở Nhà hát Múa rối Thăng Long, đã cười rất tươi, nói rất duyên và cùng đồng nghiệp sửa soạn chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch (chị là trưởng đoàn diễn viên).
Không chỉ thế, Phương Nhi còn nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ đặc biệt: dàn dựng tiết mục duy nhất của nhà hát tham dự Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 5.
Hằng ngày ngoài chuyện lo quản lý biểu diễn theo chương trình đặt hàng của các tour du lịch, Phương Nhi lại chăm chắm đến những trang kịch bản vở rối Công chúa tóc mây.
Dù tiết mục rối cạn này hơn chục năm trước đã được Đại sứ quán Đan Mạch đặt hàng biểu diễn ở các trường học khá thành công, Phương Nhi lại thử thách mình khi muốn thoát khỏi những khuôn mẫu cũ được đánh giá là khá ấn tượng.
Dành nửa năm chỉ để nghĩ cách làm mới mình, nghĩ trò độc đáo, đã có những đêm Phương Nhi mất ngủ. Và cả những ngày chị ngồi lặng giữa sân khấu thủy đình nhỏ nhắn tính tới, tính lui về một không gian biểu diễn vừa vặn cho câu chuyện cổ tích mang nhiều thông điệp hay về môi trường.
Cuối cùng, chị cũng tìm ra được chìa khóa để mở cánh cửa mạo hiểm: lần đầu đưa cả sân khấu rối cạn xuống thủy đình đồng thời tận dụng hai cánh gà làm sân khấu mở.
Vì là lần đầu vừa làm vừa... dò dẫm nên hai tháng tập vở là hai tháng chị gần như quay quắt với sàn diễn. Trừ lịch đến bệnh viện hóa trị, còn lại chị gần như ăn - ngủ với rối.
Trong giờ tập với nghệ sĩ, chị cần mẫn thị phạm từng động tác, từng lời thoại. Khi nghệ sĩ nghỉ, chị lại tính toán cách phối cảnh, thiết kế sân khấu sao cho gọn ghẽ nhất mà hiệu quả nhất trong không gian thủy đình chưa đầy 10m2.
Trở về nhà, sau thời gian lo toan cho gia đình, chị lại xoay ra với rối: cắt phân cảnh này, thêm lời thoại kia, kết nối giữa các tình tiết ra sao...
Gửi ước mong vào Công chúa tóc mây
Có một điều lạ là dù xoay như đèn cù như thế nhưng lúc nào cũng thấy chị cười thật tươi.
"Mắc bệnh hiểm nghèo là vậy nhưng lúc nào tôi cũng thấy cô Nhi say sưa với công việc như chưa từng ốm. Gương mặt cô luôn tươi như hoa, kể cả lúc cáu (cười). Phong cách làm việc đầy sức sống ấy của cô đã truyền cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng, đưa cảm giác lo ngại ban đầu của chúng tôi với cô trở thành niềm hưng phấn thăng hoa trong nghệ thuật..." - nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long đảm nhận vai rắn trong vở rối chia sẻ.
Chính Phương Nhi cũng tự ngạc nhiên với mình, hết bệnh viện lại đến sàn diễn như thế mà chẳng hiểu sao không hề mỏi mệt, không hề nản. Trái lại, lúc nào chị cũng như người sống giữa những giấc mơ lung linh sắc màu. Dường như chị đã gửi tất cả ước mong vào Công chúa tóc mây...
Cũng phải thôi, trong 53 năm tuổi đời, Phương Nhi đã có 32 năm tuổi nghề. Vốn là con nhà nòi (bố là đạo diễn Nguyễn Mạnh Hùng, là một trong những hạt nhân đầu tiên được đào tạo đạo diễn ở Tiệp Khắc và xây dựng nghệ thuật múa rối ở Việt Nam; mẹ ở tổ mỹ công của Nhà hát Múa rối Việt Nam) nên dẫu bắt đầu bước vào nghề giữa lúc múa rối khó khăn nhất (giữa những năm 1980), nhưng chị vẫn bám trụ chỉ với ý nghĩ được học nghề rồi mà bỏ thì thật uổng công thầy dạy.
Lúc rảnh, để kiếm sống Phương Nhi có thể làm thêm dệt len, thùa khuyết đơm khuy, móc len... rồi lại cùng đồng nghiệp dầm mình dưới nước hồ Gươm trong những suất diễn đầu tiên rối nước được giới thiệu đến du khách.
Chớp lấy từng giây phút để sống ý nghĩa
Lúc có con nhỏ, Phương Nhi vẫn cho con vào giỏ xe và đạp từ ngõ Chợ Khâm Thiên đến Đinh Tiên Hoàng để kịp xuống nước cùng những con rối. Những năm tháng là diễn viên, Phương Nhi vẫn luôn được nhiều đồng nghiệp nể phục vì chưa bao giờ chị lơ là với nghề, làm nghề không biết mệt.
Những động tác kỹ thuật điều khiển con rối của chị rất chính xác, nhịp nhàng, điêu luyện và luôn giàu tình cảm. Ai cũng thích chị biểu diễn vũ điệu chim công - một tiết mục rối nước được cho là khó có ai "qua mặt" được Phương Nhi.
Khi học đạo diễn, Phương Nhi lại say sưa với những tiết mục rối, vở diễn mới, trong đó có một tiết mục (Bí ẩn 3/4) và hai vở diễn (Thạch Sanh, Công chúa tóc mây) tham gia liên hoan múa rối quốc tế. Với chị, đấy là những dịp được học hỏi, giao lưu với bạn bè là chính. Vậy nên chưa khi nào chị vắng mặt kỳ liên hoan nào.
Đêm trao giải, Phương Nhi duyên dáng chụp hình bên panô Công chúa tóc mây, ánh mắt lấp lánh bao niềm vui để rồi sáng hôm sau lại vào bệnh viện hóa trị.
Chị bảo: "Niềm vui tôi nhận hôm nay được vun đắp từ niềm tin yêu của đồng nghiệp, từ sự truyền lửa của những người đồng cảnh. Được sống và sáng tạo trong những tình yêu ấy, có lẽ không riêng gì tôi mà nhiều người cũng sẽ chớp lấy từng giây từng phút để sống sao cho thật ý nghĩa phải không?".
Múa rối Việt truyền lửa đến Ai Cập
Năm 2008, May Mohab từ Ai Cập đã đến Việt Nam tìm hiểu nghệ thuật rối nước để thực hiện luận văn thạc sĩ.
NSƯT Phương Nhi đã cùng với đồng nghiệp hướng dẫn May Mohab làm quen với rối nước cũng như kể cho cô ấy nghe những câu chuyện về sự kỳ diệu của rối nước Việt Nam.
Từ khởi điểm ban đầu đó, bị rối nước Việt Nam quyến rũ, khoảng sáu năm sau May Mohab đã bước đầu xây dựng thành công đoàn múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Cairo ở Ai Cập.
Nghệ sĩ Việt giành 6/8 huy chương vàng
Nghệ sĩ Phương Nhi (thứ ba từ trái sang) cùng các diễn viên của vở rối Công chúa tóc mây - Ảnh: NVCC
Tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 5-2018 (bế mạc tối 15-10 tại Hà Nội), hai huy chương vàng cho chương trình biểu diễn xuất sắc nhất thuộc về vở rối nước Trê cóc của Nhà hát Múa rối Việt Nam và tiết mục Âm thanh của nhà tôi của Đoàn múa rối quốc gia Lào. Vở rối Công chúa tóc mây không chỉ mang về giải đạo diễn xuất sắc mà còn được giải bạc chương trình biểu diễn xuất sắc và 5 giải vàng, 2 giải bạc cá nhân.
Trong 8 huy chương vàng dành cho diễn viên, các nghệ sĩ Việt Nam giành được 6 giải, 2 huy chương vàng còn lại thuộc về các nghệ sĩ của Đoàn múa rối Une Tribu Collectif của Wallonie, Bruxelles (Vương quốc Bỉ) và Nhà hát múa rối Tarabates (Cộng hòa Pháp).
THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận