24/03/2017 10:36 GMT+7

Nghệ sĩ Hoài Linh: 'Tôi ở ngoài cũng là người mít ướt lắm!'

MINH TRANG thực hiện
MINH TRANG thực hiện

TTO - 'Nhưng tôi biết có nhiều ông bà già sống lủi thủi một mình, buồn lắm vì con cái đi tiểu bang khác sống. Có người phải vào viện dưỡng lão ở, không thiếu gì cả, chỉ thiếu tình thân...' Hoài Linh đã tâm sự với PV Tuổi Trẻ như thế.

Ông Tư Lành - Hoài Linh trong phim Dạ cổ hoài lang - Ảnh: ĐPCC
Ông Tư Lành - Hoài Linh trong phim Dạ cổ hoài lang - Ảnh: ĐPCC

Bộ phim Dạ cổ hoài lang không chỉ gây chú ý bởi một câu chuyện từng lấy nước mắt của biết bao khán giả sân khấu, phim còn khiến người ta tò mò bởi vai diễn Tư Lành - vai chính bi kịch được trao cho một cây hài quá lành nghề: NSƯT Hoài Linh.

Hoài Linh đóng phim là chuyện chẳng có gì mới, bởi mỗi năm anh cũng phải đóng ít nhất vài ba phim, hầu hết đều là phim cười no rồi về.

Thế nên khi Dạ cổ hoài lang tung những hình ảnh đầu tiên với tạo hình của một Hoài Linh trơ trọi, khắc khổ, ngồi lặng lẽ giữa cơn bão tuyết căm căm nơi xứ người, người xem đã đặt nhiều câu hỏi.

Dành cho PV Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện, NSƯT Hoài Linh đội khăn đóng, mặc áo dài và tâm sự nhiều điều bên ngoài một vai diễn.

Hoài Linh co ro trong rừng tuyết - Ảnh: GALAXY
Hoài Linh co ro trong rừng tuyết - Ảnh: GALAXY

"Cái thân hình gầy gò, còm nhom này lúc nào cũng quê thiệt, quê rặt luôn"

* Một nghệ sĩ chuyên trị những vai hài, giờ nhận lời đóng một vai bi, thậm chí là rất bi thương. Với anh, có phải là một sự liều lĩnh hay không?

- Nghệ sĩ hài nào cũng mang trong mình nhiều tâm sự, họ càng cười nhiều nỗi buồn càng ẩn vào bên trong vì họ thường giấu cảm xúc rất giỏi.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đóng Dạ cổ hoài lang, trước đó tôi đã từng là ông Tư trong phiên bản sân khấu diễn tại sân khấu 5B hồi năm 2009 đóng cùng anh Việt Anh.

Tôi chưa bao giờ được học qua một trường lớp nào nên thực sự mà nói cảm xúc đóng phim là cảm xúc thật. Từng biểu hiện của cơ mặt, khi nước mắt chảy đều là thật.

* Có phải cảm xúc thật ấy bắt nguồn từ những năm tháng xa quê hương, từ chính nỗi lòng của một người xa xứ như anh?

- Tôi sang Mỹ năm 1993, vào một mùa đông. Cái tết đầu tiên xa quê hương là cái tết buồn không gì có thể nói hết được.

Lúc đó gia đình tôi cũng mua đồ về để gói bánh chưng, nhưng tìm quanh không tìm được cây mai vàng nào cho đỡ nhớ nhà. Mồ mả ông bà mình là ở quê, người thân thích, ruột thịt cũng ở xa. Ở xứ người, tết chẳng biết đi đâu.

Bố mẹ tôi có may mắn là con cháu rất đông nên cũng phần nào đỡ cô quạnh. Nhưng tôi biết có nhiều ông bà già sống lủi thủi một mình, buồn lắm vì con cái đi tiểu bang khác sống. Có người phải vào viện dưỡng lão ở, không thiếu gì cả, chỉ thiếu tình thân...

Tôi nhìn thấy ông Tư, ông Năm trong Dạ cổ hoài lang qua hình hài của những người già mà tôi đã gặp nơi xứ người, trong đó có bố mẹ tôi. Họ chấp nhận xa quê hương chỉ vì nghĩ đến tương lai của con cháu sau này.

Ngay cả sự hòa nhập rất nhanh của họ ở cái tuổi không trẻ trung gì với một cộng đồng mới cũng khiến tôi cảm thấy nể phục.

Đi càng xa mới càng thấy quý tình đồng bào, đồng hương với nhau. Cảnh ông Tư Lành bắt xe buýt về thăm con y hệt tôi những năm đầu mới sang Mỹ, sáng sáng cũng bắt xe buýt đi làm, rồi đi nhờ xe bạn bè... vì không biết lái xe.

Cảnh hai ông cháu gây lộn với nhau rất căng thẳng đầu phim cũng có thật! Nhưng tôi nghĩ, người ta mời tôi đóng vai ông Tư không chỉ bởi những năm tháng xa xứ mà tôi đã từng trải qua, mà còn bởi cái thân hình gầy gò, còm nhom này lúc nào cũng quê thiệt, quê rặt luôn, dù có ở đâu.

Hoài Linh đọc lại kịch bản trong trời tuyết lạnh - Ảnh: GALAXY
Hoài Linh đọc lại kịch bản trong trời tuyết lạnh - Ảnh: GALAXY

Tôi ít tham gia game show, vì ngồi đó tôi thấy mình không hợp lắm!

* Khi chuyển hướng sang một vai bi, anh có đặt ra mục tiêu phải lấy nước mắt người xem?

- Đừng nói tới khán giả, tôi ở ngoài cũng là người mít ướt lắm! Tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh của người xem, rồi tự hỏi: khi mình diễn một vai bi mà diễn như thế liệu có ổn không?

Với Dạ cổ hoài lang, tôi có hơi lo lắng và hồi hộp hơn bởi bối cảnh của phiên bản sân khấu chỉ vỏn vẹn có hai cảnh. Khi lên phim, cứ để cho hai ông già nói suốt như thế thì hóa ra nó là kịch có quay video chứ không phải phim nữa.

Rồi khán giả có cảm được không? Đến khi tôi được đạo diễn cho xem những cảnh quay hồi tưởng về quê hương mình, trời đất, nó đã đến mức mát con mắt luôn! Mình coi mình thấy sung sướng như tuổi thơ của mình hiện về.

Mình tự tin hẳn rằng khán giả coi phim cười được mà cũng khóc được vì có bao nhiêu gan ruột mình đã rút ra làm hết sức mình.

* Phải chăng anh đang dồn tâm sức, tình cảm để quyết tâm làm mới mình, rằng Hoài Linh không chỉ biết đóng hài?

- Đã là nghệ sĩ ai cũng mong có cơ hội được đóng những vai diễn đầy nội tâm, chỉ có điều mình chưa có cơ hội thể hiện nhiều những vai như thế. Cho nên tôi tâm niệm mỗi lần có một vai “khác mình” là một lần có cơ hội thể hiện cho bằng hết tình cảm, tâm tư.

Như với vai diễn lần này, tôi khổ ghê lắm mà sao vẫn thấy biết ơn đạo diễn và đoàn phim đã tin tưởng giao Tư Lành cho tôi. Mỗi sáng sớm tôi dậy từ tinh mơ để hóa trang, banh mặt ra để dán cao su vào cho mặt nó thật cằn cỗi vì nếp nhăn. Rồi quay trong thời tiết -20 độ của Canada.

Chúng tôi qua lần đầu tiên cách đây một năm để ghi hình nhưng lúc đó đợi mãi mà trời không cho tuyết rơi thế là lại về, rồi coi dự báo thời tiết để quay lại lần nữa.

Lúc trở lại, đạo diễn có nói với tôi: Anh ơi, về xem lại hình thấy mấy cái nếp nhăn nó xấu quá, lên hình nhìn giả quá, giờ phải làm sao?

Làm sao nữa, thì quay lại từ đầu, tôi trả lời. Vậy là thay vì chỉ quay thêm một vài cảnh có tuyết rơi là xong, chúng tôi quay toàn bộ, hóa trang lại, từ 6h sáng hôm trước đến 6h sáng hôm sau...

Hoài Linh trong vai một ông già lạc lõng nơi đất khách - Ảnh: GALAXY
Hoài Linh trong vai một ông già lạc lõng nơi đất khách - Ảnh: GALAXY

* Trong thời gian qua, khán giả thấy Hoài Linh không còn tất bật chạy sô nữa: anh ít xuất hiện trong các game show, đóng phim cũng vừa phải, và chọn những vai diễn có nhiều màu sắc khác nhau. Đó phải chăng là sự chọn lọc của anh?

- Trước đây tôi từng nói trên báo chí là tôi vắt kiệt sức làm việc để dành tiền xây nhà thờ tổ. Giờ nhà thờ tổ đã xây xong, rõ ràng đã đến lúc tôi được quyền chọn lựa nhiều hơn. Và thế là tôi chọn ít tham gia các game show, vì thú thật nhiều khi ngồi đó mà tôi thấy mình không phù hợp lắm!

Ngoại trừ một vài chương trình về cải lương thì tôi thích vì mình là người hoài cổ, rồi chọn tham gia những bộ phim mà mình được đóng những vai trước giờ tôi chưa từng thử qua...

Giờ tôi có một ước mơ khác. Mơ làm sao để sớm ra mắt một sân khấu kịch đúng nghĩa. Một nơi để diễn những vở kịch dài, có bi, có hài, một chỗ cho anh em tụi tôi làm nghề. Bởi tôi là dân sân khấu mà, nghĩ đến chuyện được tung tẩy trên sân khấu là tự nhiên thấy vui rần rần trong người!

Hoài Linh và Chí Tài trong Dạ cổ hoài lang - Ảnh: GALAXY
Hoài Linh và Chí Tài trong Dạ cổ hoài lang - Ảnh: GALAXY


“Chiếc áo” mới sau 22 năm

NSƯT Thanh Hoàng - tác giả kịch bản của Dạ cổ hoài lang, cũng là người chuyển thể kịch bản sân khấu sang điện ảnh cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - chia sẻ:

“Sau 22 năm, với hơn 1.000 suất diễn từ trong nước đến nước ngoài, tôi thực sự không muốn đóng khung và định dạng tác phẩm của mình, bởi nghệ thuật là không có giới hạn.

Tôi muốn nhìn thấy đứa con của mình trong một diện mạo mới với “chiếc áo” của điện ảnh. Và tôi đã khóc không chỉ một lần khi xem phim…”.

Dạ cổ hoài lang bám sát câu chuyện của hai ông già Tư Lành (Hoài Linh) và Năm Triều (Chí Tài), vốn là bạn từ thuở ấu thơ, cùng yêu một cô gái, và cùng rời xa quê hương trong những năm cuối đời chỉ bởi muốn ở cạnh con cái...

Sự khác biệt về văn hóa, cuộc sống nơi xứ lạ càng cứa sâu vào nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Ở đó, bản Dạ cổ hoài lang trong những năm tháng tuổi trẻ chính là sợi dây kết nối từng mảnh ký ức rời rạc trong quá khứ với hiện tại buồn tênh của một con người.

MINH TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên