22/04/2017 21:09 GMT+7

Ngáo đá, lộ hàng, chảnh chó... sáng tạo hay méo mó tiếng Việt?

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Những từ mới do giới trẻ nghĩ ra và dùng phổ biến hiện nay như nổ, chảnh, quậy, phượt, ngáo đá, diễn sâu, chém gió, ném đá, soái ca, sửu nhi... nên được coi là sự sáng tạo hay làm méo mó tiếng Việt?

Các đại biểu chủ chỉ phiên toàn thể Hội thảo ngôn ngữ học quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội- Ảnh: V.V.TUÂN
Các đại biểu chủ trì phiên toàn thể Hội thảo ngôn ngữ học quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội- Ảnh: V.V.TUÂN

Tham luận Hiện tượng sáng tạo từ mới của giới trẻ với sự phát triển của từ vựng tiếng Việt của ThS Đỗ Thành Dương (trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang) gửi đến Hội thảo ngôn ngữ học quốc tế lần thứ 3, năm 2017 tại Hà Nội đã gợi mở nhiều suy ngẫm về vấn đề này.

Ghi nhận sự sáng tạo của giới trẻ

Một số từ ngữ mới của giới trẻ được ThS Đỗ Thành Dương dẫn ra:  Chảnh là tự phụ, kênh kiệu, kiêu căng, cho mình là hơn người, coi thường người khác. Đi kèm với nó còn có chảnh chó hoặc sang chảnh.

Ngáo đá là hiện tượng mất kiểm soát bản thân, ảo giác, mất nhận thức tạm thời, suy nhược lí trí, hoang tưởng, ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị giết hại... thường gặp ở những người dùng ma túy đá.

Sửu nhi (trẻ trâu) là người có tính cách trẻ con, thiếu chín chắn, thích thể hiện ra vẻ người lớn, hành động thái quá, đôi khi là lố bịch… trước một hoàn cảnh, sự vật, hiện tượng nào đó.

Phượt là hình thức du lịch bụi với những cuộc hành trình bụi bặm không có lịch trình, kế hoạch cụ thể, không có người dẫn đường, cũng không có dịch vụ rườm rà, chỉ đi bằng sự tò mò, niềm đam mê khám phá.

Bên cạnh đó, nhiều từ cũ được giới trẻ dùng với nét nghĩa mới như:

Nổ là nói khoác, khoe khoang dối trá, thậm xưng về những điều mình không có.

Chém gió để chỉ cách nói chuyện huyên thuyên, phét lác, nói không có cơ sở, mục đích mua vui cho mọi người hoặc nhằm cường điệu một sự việc nào đó.

Bá đạo là không có đối thủ, không ai sánh bằng.

Ngoài ra còn nhiều từ ngữ khác được dùng với nghĩa mới, có liên quan hoặc hoàn toàn thoát ly nghĩa gốc như: sống ảo là khoe khoang thái quá trên mạng internet trong khi thực tế hoàn toàn không phải như vậy; ném đá là hành động phản đối một người, một vấn đề, một hành động nào đó với thái độ bất bình, bức xúc cao độ, hoặc đả kích tập thể vào một đối tượng nào đó có những hành động trái ý mình bằng cách nói miệt thị, chửi bới...

Nhiều từ dù đã có thêm những nghĩa mới nhưng chưa được đưa vào từ điển từ mới như gấu (người yêu); bèo (giá quá rẻ); cháy chợ (chợ hết sạch một loại hàng nào đó trong khi còn nhiều người muốn mua); thả thính (cố tình lôi cuốn, hấp dẫn ai đó, làm cho người khác thích mình)...

ThS Đỗ Thành Dương cho rằng, hiện nay có tình trạng dùng tiếng Việt một cách tùy tiện trong một bộ phận giới trẻ là không thể chối cãi. Có hiện tượng dùng tiếng Việt tùy tiện, phản cảm, làm méo mó, lệch chuẩn tiếng Việt như: máu, sung, vãi, lộ hàng, tự sướng...

Nhưng với nhiều từ đã và đang được giới trẻ dùng với nét nghĩa mới thú vị, độc đáo... thì cần ghi nhận và xem xét bổ sung vào từ vựng tiếng Việt.

Vì vậy, ThS Đỗ Thành Dương đề nghị xã hội và giới chuyên môn, bên cạnh việc phê phán, cảnh báo những từ ngữ hoặc cách dùng theo nghĩa dung tục, phản cảm, làm méo mó tiếng Việt thì nên nhìn nhận giới trẻ dưới góc độ là một trong những nhân tố đang góp phần làm giàu đẹp thêm cho tiếng Việt.

Dựa vào đâu để chuẩn hoá tiếng Việt?

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất tiếng Việt cần được chuẩn hoá để hướng đến xây dựng và ban hành Luật ngôn ngữ ở Việt Nam.

Nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần (Viện Từ điển học và Bách khoa thư) lại băn khoăn rằng, các phương tiện truyền thông hiện nay biết dựa vào đâu để chuẩn hoá nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Theo bà, muốn làm cho ngôn ngữ truyền thông được chuẩn hóa thì điều kiện tiên quyết là phải có tiếng Việt chuẩn.

“Hiện phổ biến quan điểm cho là vì ta chưa xác định được tiếng nào là tiếng chuẩn của tiếng Việt, nên coi tiếng Việt là ngôn ngữ “đa phương ngữ”, cần phải “đa dạng hóa”.

Những người chủ trương quan điểm này hiện đang chiếm đa số và cho rằng nên đặt ra “tiếng Việt phổ thông” (tiếng Việt văn học) thay cho “tiếng Việt chuẩn”. Có thể thấy, cách làm này không ổn và dễ dẫn đến bế tắc.

Khi chưa xác định được tiếng Việt chuẩn, coi tiếng Việt là ngôn ngữ “đa phương ngữ”, cần phải “đa dạng hóa”, thì sẽ xác định ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam bằng cách nào?”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần đặt vấn đề.

Bà trăn trở: “Muốn làm cho ngôn ngữ truyền thông được chuẩn thì phải có các bộ công cụ hỗ trợ cho những người làm công tác truyền thông dựa vào. Đó là các bộ công cụ về chuẩn chính tả, chuẩn tên riêng (cả tên tiếng Việt và tên nước ngoài), chuẩn thuật ngữ khoa học, chuẩn viết hoa...

Hiện nay, mới chỉ có chỗ dựa về chuẩn từ ngữ với bộ Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, còn các loại chuẩn nói trên chưa có. Khi việc xác định tiếng Việt chuẩn còn chưa ngã ngũ thì các bộ công cụ trên sẽ dựa vào đâu để biên soạn?

Những người làm truyền thông biết dựa vào đâu để tham khảo, các nhà quản lí biết dựa vào đâu mà phán đúng sai?”

GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, Hội thảo khoa học quốc tế Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam diễn ra ngày 22-4, tại Hà Nội, đã nhận được 256 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu, trong đó có 20 tác giả nước ngoài.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau như: ngôn ngữ học lý thuyết; ngôn ngữ học liên ngành; nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu sổ, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ; ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu; ngôn ngữ học ứng dụng. 

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên