TTO - Ngàn năm trôi qua, những cuộc tìm kiếm lăng mộ Tào Tháo luôn dẫn đến ngõ cụt.

... thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một ngày sau Tết nguyên đán 2006, một người nông dân trong lúc lấy nước vào đồng đã phát hiện ra điều kì lạ. Dòng nước cứ chảy đến một chổ khuất tầm nhìn rồi biến mất, chẳng tiến về phía trước.

Lấy làm lạ, người đàn ông quyết định đi sâu vào ruộng và phát hiện ra một hố sâu. Cái tin phát hiện một hố sâu kì lạ nhanh chóng đến tai Giả Chấn Lâm, Bí thư xã An Phong, người vừa được điều về trước đó không lâu.

Ông ta không biết rằng mình đang dấn thân vào một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử Trung Quốc: nơi an nghỉ thật sự của Tào Tháo!

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 1.
Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 2.

Thực ra nhắc tới manh mối đầu tiên về mộ Tào Tháo phải quay trở lại năm 1998 khi người dân thôn Tây Cao Huyệt trong một lần đào đất làm gạch phát hiện ra một tấm bia cổ thuộc về một vị quan tam phẩm có tên Lỗ Tiềm thời Hậu Triệu (319 - 352).

Đoạn quan trọng nhất nằm ở cuối tấm bia, mô tả đường đi tới mộ Lỗ Tiềm nhưng vô tình tiết lộ một chi tiết quan trọng khác.

"Từ phía tây cầu Cao Quyết bước về phía tây 1420 bước, rồi rẽ về hướng nam 170 bước là đến góc tây bắc lăng mộ Ngụy Vũ đế. Từ đây đi về tây 43 bước, rẽ sang hướng bắc đi thẳng 250 bước chính là mộ Lỗ Tiềm".

Ngụy Vũ đế được nhắc đến trong tấm bia không ai khác chính là Tào Tháo. Danh xưng này được sử dụng trong thời gian sau khi Tào Tháo mất (tháng 1-220) tới trước khi con trai ông, Tào Phi, xưng đế (tháng 12-220).

Việc phát hiện tấm bia Lỗ Tiềm ở thôn Tây Cao Huyệt cho thấy rất có khả năng lăng mộ của Tào Tháo cũng đâu đó gần đấy.

Lối vào và phía bên trong lăng mộ Tào Tháo - Ảnh: Reuters

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 4.

Khoảng năm 2005 khi Giả Chấn Lâm về An Phong, thường xuyên xảy ra các vụ đào trộm mộ cổ. Cái hố hút nước trong ruộng của người nông dân kia cũng giống nhiều cái bị bọn trộm bỏ lại mà ông đã cho bịt kín.

Nhưng chỉ sau 2 hôm, mọi chuyện trở lại như cũ. Chiếc hố vẫn sâu hoắm.

Giả Chấn Lâm vẫn tin rằng cái hố thông với một ngôi mộ cổ, nhưng tại sao lấp rồi mà nó vẫn sụt xuống?

Linh cảm và những tìm hiểu sử sách của ông dẫn tới một kết luận có thể khiến người khác nghĩ ông là kẻ điên, hố sâu đó là lối vào lăng mộ của Ngụy Vũ vương Tào Tháo!

"Sử sách chép rằng Đường Thái Tông khi dấy binh chinh phạt nước Cao Câu Ly năm 645 đã đến đây tế bái lăng mộ Tào Tháo. Lý Thế Dân là hoàng đế nhà Đường, sao có thể tế bái một ngôi mộ giả được?", bí thư Giả lập luận.

Không đợi Giả Chấn Lâm có câu trả lời cho riêng mình, tháng 5-2006, bọn trộm lại một lần nữa khoét ngôi mộ bí ẩn trên.

Sốt ruột, Giả đem chuyện kể với Phan Vĩ Bân khi ấy đang là Phó giám đốc Sở nghiên cứu văn vật khảo cổ Hà Nam. Chính Phan Vĩ Bân cũng không ngờ rằng lần nhận lời tới xem "ngôi mộ cổ Đông Hán" khi ấy lại biến ông ta trở thành người đầu tiên của chính quyền đặt chân vào lăng mộ Tào Tháo.

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 6.

Vấn đề cấp bách trước mắt khi ấy là khai quật ngôi mộ này như thế nào, đào thẳng xuống từ bên trên hay đi từ cửa chính của lăng mộ, men theo mộ đạo để vào mộ thất?

Các nhà khảo cổ đã chọn cách thứ hai để tránh làm tổn hại tới ngôi mộ cổ dù nó đã không còn nguyên vẹn sau nhiều lần bị đục khoét. Đường vào chỉ cách mặt đất chưa tới 2m nhưng phải đào sâu tới 15m mới tìm được cửa chính lăng mộ.

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 7.

Một thẻ bài bằng đá khắc chữ Ngụy Vũ Vương - Ảnh: Getty Images

Các nhà khảo cổ Trung Quốc tiếp tục công việc một cách bình thường trong suốt năm 2009. Hơn 250 hiện vật bằng vàng, bạc nhưng nhiều nhất là gốm sứ thô sơ được tìm thấy bên trong lăng mộ rộng 720m vuông cho thấy người nằm bên trong chắc chắn không phải người bình thường thời kỳ cuối Đông Hán.

Tuyệt nhiên không ai biết chính xác chủ nhân của ngôi mộ đó là ai cho đến một ngày gần cuối tháng 11-2009. Một thành viên trong nhóm khảo cổ đã phát hiện một thẻ bài bằng đá bên trong lăng mộ. Phủi lớp bụi bên trên, ông ta đọc được dòng chữ "Ngụy Vũ Vương thường dùng" trên thẻ bài và sung sướng hét to "Ngụy Vũ Vương, cuối cùng chúng tôi đã tìm được ngài".

Có hai hầm mộ riêng biệt được tìm thấy. Hầm mộ nhỏ hơn được cho là của Tào Ngang, con trai Tào Tháo. Hầm mộ lớn có hài cốt một người đàn ông trong độ tuổi 60 . Tra cứu tài liệu và phân tích ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ khẳng định nó hoàn toàn khớp với những gì sử sách viết về lăng mộ Tào Tháo.

Giới khoa học khẳng định người đàn ông 60 tuổi này chính là Ngụy Vũ Vương Tào Tháo nổi tiếng trong cả lịch sử và văn học Trung Quốc.

Nhưng trong dân gian lại lưu truyền rằng Tào Tháo vì lo sợ bị trả thù hay trộm mộ nên đã ra lệnh cho xây tới 72 lăng mộ.

Vài đối chiếu sử sách như vậy chưa thuyết phục được những người hoài nghi rằng ngôi mộ cổ ở Tây Cao Huyệt là mộ thật?

Khu lăng mộ Tào Tháo - Ảnh: SCMPK

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 9.

Ý kiến phân tích ADN của người đàn ông bên trong lăng mộ để xác định danh tánh được ủng hộ mạnh mẽ nhưng lại dẫn tới một câu hỏi khác: lấy gì để đối chiếu kết quả ADN?

Những mê cung câu hỏi lại một lần nữa dẫn dắt người ta đi vào ngõ cụt. Vài người chợt nhớ tới ngôi mộ được phát hiện ở Sơn Đông năm 1951 của Tào Thực, một trong những người con của Tào Tháo với đầy đủ hài cốt.

Đây chính là chuẩn so sánh. Nhưng…

Một thông tin chấn động được tung ra: hài cốt của Tào Thực đã bị thất lạc trong một lần… dọn dẹp kho lưu trữ. Không còn gì để đối chiếu với hài cốt ở Tây Cao Huyệt.

Và nếu còn thì cũng không thể dùng phương pháp ADN vì Vương Minh Huệ, chuyên gia giám định niên đại hài cốt của Trung Quốc nói với Hoàn Cầu thời báo vào tháng 1-2010: "Điều kiện thời tiết tại mộ cổ Tây Cao Huyệt khiến việc xét nghiệm ADN gần như không thể. Cho dù có tìm được hậu duệ của Tào Tháo, không gì có thể chứng minh hài cốt ở Tây Cao Huyệt chính là Tào Tháo".

Tuyên bố này gần như khép lại luồng ý kiến sử dụng công nghệ ADN hiện đại để chứng minh.

Ngụy Vũ Vương, rốt cuộc ngài có đang ở Tây Cao Huyệt hay không?

Hài cốt của một người đàn ông trong độ tuổi 60 được tìm thấy bên trong hầm mộ bề thế (ảnh trái) và một bảo tàng sẽ được xây dựng để khách tham quan chiêm ngưỡng lăng mộ Tào Tháo trong tương lai - Ảnh chụp màn hình SCMP

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 11.

Sử sách ghi lại rằng Tào Tháo trước khi chết đã căn dặn con trai không được xây lăng mộ cho ông.

Tuy nhiên, theo ông Chu Lí Cương, một nhà khảo cổ thuộc dự án tìm kiếm lăng mộ Tào Tháo, những gì khai quật được cho thấy con trai Tào Phi đã không nghe lời và xây dựng một khu lăng mộ vô cùng hoành tráng để tôn thờ và tỏ lòng hiếu kính với phụ vương.

Các chuyên gia suy đoán, do lo sợ khu lăng mộ có thể trở thành mục tiêu phá hoại của những kẻ bất kính hoặc cướp, sau đó Tào Phi đã cho san phẳng những công trình nổi trên mặt đất.

"San phẳng là hành động có trù tính trước vì nếu đó là hành động phá hoại, những mảnh vỡ lớn như thân cột, mảng tường phải được tìm thấy", ông Chu nói. Để không bất kính với cha, rất có thể Tào Phi đã ra lệnh dọn dẹp sạch sẽ sau khi phá dỡ, chuyên gia Chu suy đoán tiếp.

Đến ngày 27-3-2018, các nhà khảo cổ tỉnh Hà Nam tiếp tục khẳng định Ngụy Vũ Vương chỉ có duy nhất một lăng mộ ở Tây Cao Huyệt và người nằm trong đó không ai khác chính là Tào Tháo. Tuyên bố được đưa ra sau một đợt khai quật mới, bắt đầu vào năm 2016.

Nhưng kết luận này cũng dựa từ các đối chiếu và so sánh sử sách. Chưa có bằng chứng khoa học thật sự thuyết phục.

Rốt cuộc, hài cốt của người đàn ông nằm bên trong lăng mộ có phải Tào Tháo hay không cho đến giờ phút này không ai trả lời được.

Tào Tháo, ngài ở đó mà như không ở đó!

Ngàn năm, lăng mộ Tào Tháo vẫn ngạo nghễ bí ẩn - Ảnh 12.
BẢO DUY
CƠ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên