14/04/2018 16:30 GMT+7

Nếu con được 9 thì bố mẹ sẽ bắt con cố để được 10

VŨ THU HÀ - CHU HỒNG VÂN
VŨ THU HÀ - CHU HỒNG VÂN

TTO - 'Để học giỏi rất mệt. Con sẽ phải học thêm ngoài giờ học, bị bố mẹ ngồi kèm, nhắc nhở. Con cũng biết bố mẹ sẽ không bao giờ hài lòng..."

Nếu con được 9 thì bố mẹ sẽ bắt con cố để được 10 - Ảnh 1.

Học sinh một trường nội trú tại TPHCM trong giờ ôn tập, tự học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chia sẻ của cậu con trai khiến bà mẹ ở Hà Nội giật mình...

Học giỏi rất mệt!

Quá căng thẳng vì những bài kiểm tra liên tiếp vào những tháng đầu tiên của lớp 6 của con chỉ đạt điểm 4-5, chị Hạnh - một phụ huynh có con học lớp 6 ở trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội, đã cho con học thêm nhiều nơi. Chưa hết, buổi tối chị ngồi kè kè để kèm cậu con trai học. 

Bá Anh, con trai chị Hạnh cảm thấy căng thẳng. Ban đầu cậu bé lầm lì không nói, phản ứng lại mẹ bằng sự im lặng. Cho đến lúc bà mẹ phát cáu, bắt cậu "đối chất" về những yếu kém thì cậu bé bất ngờ bật lại.

Và đây là cuộc đối thoại mà chị Hạnh đã cho phép tôi viết lại, một câu chuyện mà theo tôi rất có giá trị để nhiều phụ huynh cùng suy nghĩ.

- Con: Bố mẹ có thể cho con nghỉ học thêm và đừng kèm con vào các buổi tối không?

- Mẹ: Con liên tục bị điểm kém, lại không chăm chỉ, con khiến bố mẹ không yên tâm. Con còn bị điểm kém thì bố mẹ còn phải giám sát, phải tìm thêm thầy để rèn thêm thì mới giỏi được.

- Con: Con không thích học giỏi.

- Mẹ: Con không được tỏ thái độ chống đối như thế!

- Con: Con không chống đối mẹ mà con nói thật. Con thấy học giỏi chẳng có gì vui, học dốt vui hơn nhiều.

- Mẹ: Tại sao con lại có suy nghĩ sai như thế?

- Con: Mẹ thấy sai vì mẹ thích con học giỏi. Nhưng con thì không thích, vì để học giỏi rất mệt. Con sẽ phải học thêm ngoài giờ học, bị bố mẹ ngồi kèm, nhắc nhở, con không được làm điều con thích. Con cũng biết bố mẹ sẽ không bao giờ hài lòng, vì nếu con được 9 bố mẹ sẽ bắt con cố để được 10.

Chia sẻ câu chuyện này với tôi, chị Hạnh thú nhận sau những phút bất ngờ khiến chị lặng đi, chị chợt nhận thấy sự nghiêm túc trong những phản ứng của con trai. 

Chương trình học ở cấp học mới có nhiều thay đổi, cách dạy, cách kiểm tra ở cấp học mới quá khác biệt với cấp học cũ là những yếu tố khiến trẻ bối rối, áp lực. 

Trong khi đó, nhiều thầy, cô giáo lại chỉ quan tâm tới rèn kiến thức, nâng điểm số cho học sinh mà không tính đến những tác động xấu đến tâm lý. 

"Điểm kém" là nỗi ám ảnh, khiến trẻ thiếu tự tin, áp lực. Vì thế mà nhiều trẻ muốn tránh né "nỗi buồn khổ" này và tránh né cả sự kiểm soát của cha mẹ.

Việc quan tâm, kèm cặp của cha mẹ sẽ tỉ lệ thuận với mức tăng dần tình trạng sợ học, chán học. Nếu các cha, mẹ hiểu được điều đó thì sẽ không thấy bất ngờ trước kiểu đối đáp như của cậu bé Bá Anh.

Trong những việc như thế này, bình tĩnh để tìm hiểu căn nguyên và điều chỉnh ứng xử đối với con là việc nên làm.

"Cứ thế này, con chết mất cô ạ"

"Mình không muốn học nữa. Có quá nhiều bài tập. Chỉ nghĩ đến là cơn buồn ngủ đã ập đến. Chữ nghĩa chẳng vào đầu, bài thì không làm được, nó càng khiến mình thấy bức bối, mệt mỏi. Nhưng bố mẹ thì luôn kèm sát, nhắc nhở. 

Bố con bảo "có học thì mới đỡ khổ". Còn mẹ thì không nói gì nhưng lúc nào cũng nhìn mình với ánh mắt lo âu. Mẹ cầm bài kiểm tra bị điểm kém của mình lên xem, không nói gì, chỉ thở dài. Điều đó còn khiến mình bức bối hơn cả ngàn lời nói.

Mình sợ tỉnh dậy mỗi sáng. Sợ tiếng chuông đồng hồ báo thức. Sợ cả tiếng rao của người bán bánh mì mỗi sáng, vì nó báo hiệu một ngày mới. Có nghĩa mình phải đến trường, phải đối diện với việc mình chưa làm xong bài tập sẽ bị cô phạt, hoặc sổ liên lạc điện tử báo về cho mẹ. 

Rồi buổi chiều khi trở về nhà, lại nghe bố nói "Phải cố học, nếu không sau này sẽ không có nghề nghiệp", mẹ thì vừa nấu ăn vừa lén nhìn mình âu lo. Ánh mắt âu lo của mẹ làm mình phát bệnh. Mình biết nghĩ như thế là sai trái, là bất hiếu. Nhưng mình không sao thoát ra được cảm giác đó, vì ánh mắt mẹ tố giác mình, biểu thị lỗi lầm của mình".

Cô bé Hương đã viết về cảm giác của mình như thế. Áp lực thái quá từ học tập luôn là tác động tiêu cực đến trẻ ở mọi lứa tuổi. Nhưng ở tuổi dậy thì, việc gây áp lực học tập cho trẻ còn gây nên những phản ứng tiêu cực hơn. 

Vì vốn dĩ khi có những thay đổi về nội tiết dẫn tới những thay đổi về tâm lý, trẻ đã dễ gặp các áp lực từ nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống như áp lực từ bạn bè, từ quan hệ với cha mẹ, áp lực từ chính nhu cầu cần khẳng định bản thân… 

Vì thế, nếu gặp môi trường giúp trẻ giải tỏa, dung hòa được các áp lực thì sẽ tốt nhưng nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ đúng cách mà người lớn chỉ dồn thêm cho trẻ một áp lực nữa là học tập, là điểm số, là phải đạt danh hiệu khá, giỏi ở trường… thì đứa trẻ sẽ quá tải.

Những biểu hiện dẫn tới sự quá tải này của trẻ là mệt mỏi, lúc nào cũng muốn ngủ, muốn trốn tránh mọi người, không thích tiếp xúc với người khác. Thậm chí có triệu chứng buồn nôn.

Hương, cô bé viết những dòng trên từng tìm tới tôi trong tình trạng bị buồn nôn. Hễ ngồi trước đống bài tập dày đặc, hễ cha, mẹ nói những lời quen thuộc là phải học đi, học thì mới đỡ khổ… thì cô bé lại bị xây xẩm mặt mày, buồn nôn.

"Con chỉ muốn nằm yên mà không muốn ai động đến con nữa, như thể con chỉ muốn chết mà không tồn tại nữa", Hương nói với tôi điều ấy với ánh mắt cầu cứu.

Hương kể cô bé đã cố để thay đổi trạng thái của mình. Hương cùng một nhóm bạn lập hội thích vẽ phù thủy. Chuyện này làm cô bé vui được một thời gian ngắn vì theo Hương "Con có thể sống trong thế giới phù thủy đó, nó làm con thấy nhẹ nhàng, vui vẻ hơn". 

Nhưng ngoài lúc sống trong "thế giới phù thủy" Hương lại rơi vào trạng thái căng thẳng như cũ khi chạm nghĩ đến chữ "học".

Hốt hoảng vì con 'hư đột xuất'

Đã có nhiều đứa trẻ thực sự thông minh, nhưng lại liên tiếp bị điểm kém, đột ngột trở nên lười học, sợ học và bắt đầu nói dối bố mẹ khi bị điểm kém, khi bị trách phạt.

Một số ông bố, bà mẹ đã tới phòng tư vấn tâm lý của tôi với sự hốt hoảng vì con mình "hư đột xuất" khi không làm bài tập, không nộp phiếu bài kiểm tra, quên sách vở...

Tình trạng ‘hư đột xuất" đó là những dấu hiệu khá điển hình của tuổi dậy thì khi trẻ chưa được quan tâm đúng cách nhưng lại chịu nhiều áp lực.

Một điều tưởng như mâu thuẫn nhưng lại khá phổ biến ở những đứa trẻ dậy thì là chúng rất cần người lớn, nhưng nhiều khi lại tỏ ra bất cần, trốn tránh, thu mình.

Thực chất, chúng cần người lớn với những chia sẻ, giúp đỡ đúng cách. Còn nếu bố mẹ lại can thiệp bằng một sự áp đặt mới thì chúng sẽ phản kháng bằng cách trốn tránh, thu mình.

Và nếu để sự tồn tại của căng thẳng quá lâu sẽ làm cho các con héo hon về mặt tinh thần và suy nhược về cơ thể, rất khó cho sự phát triển cân bằng và tự tin sau này.

Bài viết trích từ cuốn sách "Tuổi Teen yêu dấu" của tác giả Chu Hồng Vân (bút danh Vĩnh Hà) và Vũ Thu Hà. Sách viết về lứa tuổi dậy thì từ 12-15 do Nhã Nam xuất bản, dự kiến phát hành giữa năm 2018.

Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả hi vọng mang lại những hiểu biết nhất định về lứa tuổi 12-15 để người lớn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ teen, cũng như để teen hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của bậc làm cha mẹ...

Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả... Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...

TTO - Sự việc nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành không phải trường hợp đầu tiên xảy ra. Những 'người lớn' nghĩ gì về chuyện này?

VŨ THU HÀ - CHU HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên