TP Cần Thơ là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế,... của vùng ĐBSCL - Ảnh: LÊ DÂN
Ngày 23-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo qui hoạch điều chỉnh xây dựng này, vùng ĐBSCL có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á, được đầu tư phát triển trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.
Năm 2030, vùng ĐBSCL có 7 đô thị loại 1 (Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc liêu). Trong đó, TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu đào tạo, văn hóa, du lịch… của toàn vùng và tiểu vùng giữa đồng bằng.
Về cầu trúc không gian vùng, ĐBSCL có 3 tiểu vùng: tiểu vùng ngập sâu (15% diện tích), tiểu vùng đồng bằng (38% diện tích), tiểu vùng ven biển và hải đảo (47% diện tích).
Tổng diện tích toàn vùng hơn 40.604km2, dân số 18-19 triệu người.
Đại biểu tìm hiểu thông tin điều chỉnh qui họach xây dựng vùng ĐBSCL - Ảnh: LÊ DÂN
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án qui hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020.
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện qui hoạch đã bộc lộ những tồn tại như: chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, hạn chế trong liên kết vùng, hạ tầng không đồng bộ…
Vì thế Bộ Xây dựng đã rà soát, đánh giá và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh qui hoạch xây dựng vùng ĐBSCL phù hợp với điều kiện phát triển và điều kiện thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận