20/06/2019 10:40 GMT+7

Muốn đóng Vua bánh mì, cả đoàn phim đi học làm bánh

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Buổi sáng đầu tháng 6, một công ty bánh kẹo ồn ào náo nhiệt hơn hẳn bởi xuất hiện khá nhiều nghệ sĩ của đoàn phim Vua bánh mì. Họ không đến quay phim mà đến học làm bánh.

Muốn đóng Vua bánh mì, cả đoàn phim đi học làm bánh - Ảnh 1.

Các diễn viên học làm bánh để chuẩn bị quay phim Vua bánh mì - Ảnh: H.LÊ

"Các anh chị phải nhào bột, xắn từng miếng đều nhau. Rồi tay xoay xoay tròn bột như vậy mới đúng" - cô nhân viên miệng nói, tay làm thoăn thoắt. Các diễn viên Hữu Châu, Tấn Thi, Cao Minh Đạt, Quốc Huy, Bạch Công Khanh, Ngọc Thảo... chăm chú lắng nghe rồi thực hành.

Có rất nhiều ngành nghề trong xã hội, nhất là những nghề mới xuất hiện gần đây, tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống. Nếu các nhà biên kịch, sản xuất nhạy bén, nắm bắt và triển khai thành phim sẽ thu hút khán giả.

Đạo diễn Trần Mỹ Hà

Đóng phim không khó bằng... làm bánh

Đích thân chủ hãng bánh cũng đã thị phạm và cầm tay hướng dẫn cụ thể cho một số diễn viên. Ông cười động viên: "Mới học có mấy tiếng mà đã làm được vậy. Cỡ vài tháng là giỏi hơn tôi rồi".

Trong số các diễn viên, nghệ sĩ Hữu Châu là khéo tay hơn cả. Chỉ sau một tiếng thực tập, anh đã nắn được bột bánh tròn mịn và không bị dính.

Nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ: "Vua bánh mì không phải là phim làm bánh đầu tiên của tôi. Trước đây, bộ phim Cuộc chiến quý ông tôi tham gia cũng khai thác nghề làm bánh. Nhưng lúc đó là làm bánh xưa, nướng bằng than. Còn phim này là làm bánh có máy móc hiện đại.

Thật ra, cảnh quay tôi làm bánh ít thôi nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp để đến đây học. Một phần muốn thao tác làm bánh của mình lên phim đẹp, mặt khác tôi cũng muốn gặp gỡ, trò chuyện tạo bầu không khí thân thiện với các diễn viên khác. Có như vậy thì khi quay mới đạt được kết quả tốt nhất!".

Ở góc khác, diễn viên Quốc Huy tập trung cao độ nhưng chưa nắn ra được sản phẩm ưng ý nên làm đi làm lại. Anh cười bảo: "Đóng phim không thấy khó chứ học làm bánh khó quá à". Với diễn viên khác, việc học làm bánh quan trọng một thì Quốc Huy cảm thấy quan trọng gấp 10 vì anh đảm nhận vai vua bánh mì Hữu Nguyên.

Vai này trong bản gốc của Hàn Quốc được diễn viên trẻ Yoon Shi Yoon hóa thân rất thành công. Và một lý do quan trọng tạo nên sự thành công cho nhân vật này là Yoon Shi Yoon làm bánh đẹp, công phu, thuần thục và có hồn.

Đây là buổi tập làm bánh lần thứ hai của các diễn viên phim Vua bánh mì. Họ còn phải có thêm 4 buổi học khác để có thể nắm bắt một số động tác căn bản của việc làm bánh. "Cảnh làm bánh trong Vua bánh mì chiếm đến 30% các cảnh quay, rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng" - đạo diễn Phương Điền cho biết.

Phim về các ngành nghề chưa được khai thác tốt

Hiện nay, các nhà sản xuất phim truyền hình Việt khai thác chủ yếu về đề tài tâm lý - tình cảm gia đình, tình yêu.

Mảng đề tài được khai thác chính từ một số ngành nghề như luật sư, công an, nhà báo, nhà giáo, quân nhân, ca sĩ, bác sĩ, người giúp việc, thiết kế thời trang, công nhân may... cũng được khai thác nhưng một số phim làm khá hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí sai sót khiến người trong nghề bắt bẻ, người xem thì ngao ngán.

Nhưng cũng có nhiều phim đã "chạm" đến khán giả như Thuyền giấy (khai thác đời sống, công việc của công nhân ngành may), Mặn hơn muối (phim về nghề sản xuất muối), Mắt lụa (nói về làng lụa tơ tằm), hay mới đây nhất Những cô gái trong thành phố phần nào khắc họa được cuộc sống khó khăn và công việc của những công nhân làm việc trong xưởng may...

Nữ biên kịch Nguyễn Mỹ Hà, từng viết kịch bản Cuộc chiến quý ông khai thác nghề làm bánh, cho rằng: "Phim đi sâu vào từng ngành nghề tạo được sự chú ý vì có thông tin thú vị về chuyên môn của ngành nghề đó. Tuy nhiên, nếu kịch bản chỉ có thông tin mà không chú ý đến phần giải trí thì khán giả - nhất là khán giả trẻ - cũng không đón nhận".

Vì thế, theo chị, kịch bản phim không dễ viết sao cho vừa đúng vừa hấp dẫn. Chị cho biết thêm: "Tôi đã viết kịch bản Hương gốm sau thời gian đến làng gốm tại Đồng Tháp để tìm hiểu thực tế và tra cứu trên mạng... Nhưng đến nay, kịch bản chưa thể đưa vào sản xuất vì kinh phí cao".

Góp vào câu chuyện làm thế nào có phim về nghề hấp dẫn, đạo diễn Nhâm Minh Hiền - người thực hiện khá nhiều phim về ngành nghề - cho rằng khâu kịch bản vẫn quan trọng nhất. Muốn có kịch bản viết về ngành nghề tốt, người biên kịch phải nghiên cứu kỹ để tìm ra những chi tiết đắt giá nhất của nghề.

Ông chia sẻ thêm: "Ban đầu trong kịch bản Mặn hơn muối, tác giả chỉ xem nghề sản xuất muối là cái cớ cho diễn biến phim. Nhưng tôi nghĩ hẳn khán giả phải rất tò mò xem diêm dân đã sản xuất muối như thế nào, cuộc sống của họ ra sao... nên tôi đã về ở với bà con sản xuất muối mấy ngày liền để viết thêm".

Đạo diễn trẻ không có tiền mua cơm cho đoàn phim Đạo diễn trẻ không có tiền mua cơm cho đoàn phim

TTO - Đạo diễn không có tiền mua cơm cho cả đoàn làm phim, nhưng cả đoàn vẫn làm việc say mê và giành chiến thắng tại Búp sen vàng 2017.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên