Máy sử dụng mùi để đánh giá khứu giác - Ảnh: spectrum.ieee.org
Mũi là một trong năm giác quan của con người có chức năng cảm nhận mùi. Về cấu tạo giải phẫu, vùng ngửi của mũi nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt.
Vùng ngửi của mũi có hình chữ nhật nhỏ, gần như con tem gửi thư, màu vàng, ẩm ướt và có nhiều dịch nhờn. Bình thường, mũi người có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1.000 gen khác nhau nằm trong các tế bào cảm thụ khứu giác này.
Mỗi thụ thể thần kinh chỉ phân tích, tiếp nhận một số mùi nhất định. Tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác sẽ được chuyển về não bộ để xác định được mùi hương của sự vật.
Hoạt động của khứu giác: Các phân tử mùi thâm nhập vào mũi nhờ sự vận chuyển của không khí, tại mũi nó sẽ tự phân tán vào dịch nhầy được tiết ra từ màng nhầy của mũi.
Tiếp theo, dịch nhầy sẽ tự liên kết với các dây thần kinh khứu giác để chuyển đổi các thông tin trở thành tín hiệu điện, dẫn truyền về não bộ, từ đó não bộ nhận ra mùi.
Vùng ngửi của mũi nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt. Như vậy, vai trò của khứu giác là nhận biết mùi của thực phẩm, nước uống mà con người ăn uống hàng ngày.
Mũi cũng nhận biết các mùi có tính chất độc hại nguy hiểm như mùi của thức ăn bị hư thối, mùi gas, mùi các chất khí độc hại ô nhiễm... Khứu giác còn hỗ trợ sự giao lưu và quan hệ xã hội giữa con người với con người...
Nguyên nhân gây rối loạn khứu giác
Mất khứu giác theo thuật ngữ khoa học là Anosmia, nghĩa là "mất khứu giác" hay "điếc ngửi". Khi bị mất khứu giác khiến con người không thể cảm nhận được mùi của hương hoa, thực phẩm, các mùi thơm hay thối, trong lành hay độc hại.
Có nhiều nguyên nhân gây ra mất khứu giác như: Hẹp hốc mũi bẩm sinh; biến dạng vách ngăn mũi; chít hẹp hốc mũi sau chấn thương; do chấn thương ở não; do tổn thương của thần kinh khứu giác ngoại biên hoặc trung ương; do các bệnh cúm, sổ mũi cấp tính, một số bệnh nhiễm khuẩn; viêm mũi phì đại cấp tính hoặc mạn tính kèm theo polip, bịt tắc cửa mũi sau; các bệnh gây ngạt tắc vùng khứu giác; do rối loạn thần kinh chẳng hạn viêm thần kinh khứu giác do độc tố hoặc virut; do các hoá chất, hơi độc, bụi, chất ma tuý...; do sử dụng một số loại thuốc; do sử dụng phương pháp trị liệu như tia X, liệu pháp hoá học, lọc máu; do những thương tổn về thần kinh trong một số bệnh: Alzheimer, đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng teo cơ, bệnh đái tháo đường...; do sự lão hoá của cơ thể.
Trong các nguyên nhân kể trên, chấn thương đầu là nguyên nhân thường gặp gây ra mất khứu giác ở trẻ em và thanh niên, còn đa số người lớn tuổi mất khứu giác là do nhiễm virut.
Các tác nhân gây rối loạn khứu giác như thế nào?
Mất khứu giác hay gặp hơn là giảm khứu giác. Có 15% trường hợp chấn thương sọ não gây ra suy khứu giác một bên hoặc hai bên. Nếu chấn thương có kèm với bất tỉnh, tổn thương đầu tương đối nặng, gãy xương sọ hay gây ra loạn chức năng khứu giác.
Các tổn thương: Gãy xương trán, vỡ lá sàng, đứt các sợi trục khứu giác xuyên qua lá sàng, chảy dịch não tủy ở mũi do rách phần màng cứng trên lá sàng và các xoang cạnh mũi, do va đập mạnh lên vùng chẩm... đều gây mất khứu giác. Mất khứu giác do chấn thương thường là vĩnh viễn, tuy nhiên có khoảng 10% bệnh nhân cải thiện hoặc hồi phục. Nhiễm virut á cúm týp 3 đặc biệt gây hại cho khứu giác người.
Bệnh nhân nhiễm HIV gây ra sai lệch khứu giác chủ quan. Trong hội chứng Kallmann có biểu hiện đặc trưng là mất khứu giác bẩm sinh và giảm năng tuyến sinh dục do thiếu gonadotropin. Người bạch tạng có thể bị mất khứu giác. Mất khứu giác có thể là dấu hiệu thần kinh duy nhất của u màng não ở vùng trán dưới.
Hiếm gặp mất khứu giác do u thần kinh đệm ở thùy trán. Các trường hợp u tuyến yên, u màng não trên hố yên và phình mạch ở phần trước vòng Willis kéo dài về phía trước có thể làm tổn thương các cấu trúc khứu giác, gây ra cơn động kinh kèm ảo khứu giác.
Rối loạn khứu giác, hay tri giác ngửi sai lệch, có thể xảy ra với bệnh trong sọ làm suy một phần khứu giác hoặc đó là biểu hiện hồi phục của mất khứu giác thần kinh. Đa số bệnh nhân bị loạn khứu giác nhận thấy có mùi khó chịu hoặc mùi hôi thối, và có thể kèm theo rối loạn vị giác.
Một số phương pháp đánh giá khứu giác
Định lượng khứu giác có thể dùng các phương pháp như sau: Thử nghiệm Odor Stix: dùng một dụng cụ phát mùi có dạng giống như bút lông để cách mũi bệnh nhân từ 8-15cm để kiểm tra tri giác chung với vật ngửi. Thử nghiệm rượu: dùng một túi rượu isopropyl mới mở để cách mũi bệnh nhân khoảng 30cm.
Dùng một miếng bìa cào và ngửi (có chứa 3 mùi) để thử nghiệm khứu giác chung. Thử nghiệm nhận dạng khứu giác bằng bảng câu hỏi để bệnh nhân phải trả lời, có mùi bọc trong nang nhỏ và cào, ngửi.
Xác định ngưỡng nhận ra mùi của vật ngửi là rượu phenyl ethyl, dùng kích thích có chia độ. Xác định độ nhạy của mỗi bên mũi bằng cách dùng ngưỡng nhận ra mùi của chất phenyl ethyl methyl carbinol.
Sức ngửi của mũi cũng có thể đo bằng khí áp kế mùi cho mỗi bên mũi. Chụp cắt lớp bằng máy tính CT là cách tốt nhất để thấy các bất thường ở xương. CT vòng để đánh giá lá xương sàng, hố sọ trước và giải phẫu xoang.
Chụp cộng hưởng từ MRI dùng để đánh giá hành khứu, não thất và những mô mềm khác của não. Kỹ thuật sinh thiết biểu mô thần kinh khứu giác, có gây thoái hóa rộng lớn biểu mô thần kinh khứu giác; hơn nữa biểu mô hô hấp đã xen vào vùng khứu giác mà không có loạn chức năng khứu giác đáng kể, cho nên phải rất cẩn thận khi phân tích kết quả sinh thiết.
Điều trị
Nguyên tắc cần thực hiện là điều trị các nguyên nhân gây rối loạn khứu giác. Trường hợp bệnh nhân bị mất khứu giác vận chuyển do viêm mũi dị ứng, viêm mũi và viêm xoang nhiễm khuẩn, polyp, u tân sinh và các bất thường cấu trúc của khoang mũi có thể tiến hành điều trị chuyên khoa các bệnh này.
Dùng các liệu pháp chống dị ứng, liệu pháp kháng sinh, liệu pháp glucocorticoid tại chỗ hoặc toàn thân; phẫu thuật polyp mũi, lệch vách mũi và viêm xoang tăng sản mạn tính thường mang lại kết quả tốt là tái phục hồi khứu giác. Những bệnh nhân mất khứu giác cảm giác thần kinh thường không có cách điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên các ca bệnh loại này thường tự hồi phục khứu giác. Dùng kẽm và vitamin (nhất là vitamin A) được nhiều thầy thuốc tán thành và có kết quả tốt. Vì thiếu hụt kẽm nặng có thể gây ra mất và sai lệch khứu giác và thiếu vitamin A có thể gây ra mất khứu giác.
Cắt nguồn gây hại như khói thuốc lá và các hóa chất độc khác trong không khí có thể hồi phục khứu giác cho bệnh nhân bị nhiễm loại này.
Phương pháp bảo vệ khứu giác
Tuy rối loạn khứu giác không gây giảm sút nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chẳng hạn có những trường hợp do điếc ngửi mà bệnh nhân mắc phải các tình huống: Ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm độc, ngồi trong phòng kín bị rò rỉ khí gas nhưng không biết... gây nên những hiểm họa khôn lường. Vì vậy, việc bảo vệ khứu giác rất quan trọng.
Cách tốt nhất để bảo vệ khứu giác là phòng và điều trị các nguyên nhân gây rối loạn khứu giác nói trên, như chữa các bệnh: Cảm, cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm xoang... một cách triệt để.
Trong sinh hoạt mọi người nên đeo khẩu trang bảo vệ tránh khói, bụi, không khí lạnh… mỗi khi ra đường. Nên có thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ 2-3 lần hàng ngày hoặc mỗi khi đi ra ngoài về nhà để làm sạch niêm mạc mũi.
Luyện tập khứu giác như ngửi mùi các loại hoa, thức ăn cho quen... để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường của khứu giác và điều trị khi bệnh mới phát triển...
Nếu có điều kiện, trong gia đình nên thay bếp gas bằng bếp điện; gắn thêm thiết bị báo động khói trong nhà.
Cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các loại thực phẩm để tránh ăn phải thức ăn hư thối. Chú ý để keo xịt tóc, thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu... ở nơi thoáng khí để tránh hít phải hơi hóa chất độc hại./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận