Cầu Thia trên sông Thia ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị sập - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trong đó có một người là nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TTXVN tại Yên Bái. Anh Dư bị rơi xuống sông trong khi đang đứng trên cầu quay phim tình hình mưa lũ.
Một nhân chứng, cháu Phạm Duy Phương (SN 2002 ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ), người thoát nạn sau vụ sập cầu, cho biết lúc xảy ra sự cố trên cầu có 6 người. Thấy cầu rung, Phương đã bỏ chạy và kéo theo được 1 người. 4 người còn lại bị rơi xuống dòng nước lũ.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 16h chiều ngày 11-10, mưa lũ tại Yên Bái đã khiến 14 người chết và mất tích.
Việc xác minh và tìm kiếm những người bị mất tích đang được các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành.
Thị xã Nghĩa Lộ đang chìm trong biển nước vì mưa lũ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 8
Cùng lúc này, thủy điện Hòa Bình cho biết đã tiếp tục mở cửa xả đáy thứ 8 vào 11h30 ngày 11/10.
Trước đó, bắt đầu từ tối qua, thủy điện Hòa Bình đã phải mở 5 cửa xả đáy do mức nước trong hồ chứa đã đến mức nguy hiểm. Đến rạng sáng nay, cửa xả đáy số 6 được mở.
Tiếp đó, đến 9h30, thuỷ điện Hoà Bình thông báo tiếp tục mở cửa xả đáy thứ 7.
Cùng lúc này, thủy điện Sơn La được lệnh ngừng phát điện và xả nước để không gia tăng áp lực cho hồ thủy điện Hòa Bình.
Người dân xem hồ thủy điện Hòa Bình xả nước hôm nay 11-10 - Clip: VIỆT DŨNG
Một số hồ chứa gặp sự cố
Đầu giờ chiều 11-10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đã có một số sự cố ở các hồ chứa.
Tại Thanh Hóa, đập Ông Già có dung tích 384 nghìn m3 tại huyện Tĩnh Gia bị tràn qua đỉnh 10cm. Hiện nước đã rút về ngưỡng tràn tự do.
Cũng tại Thanh Hoá đã xảy ra sự cố vỡ đập Hồ Vương (Cẩm Thủy) chiều dài 12m, sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung) chiều dài 60m.
Tại Nghệ An, đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100 nghìn m3) bị mưa lớn tràn qua thân đập và đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập.
Tại Hà Tĩnh, đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3-3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810m3.
Tại Hòa Bình, đập hồ Cháu Mè (dung tích 400.000m3) bị sạt mái hạ lưu, hiện đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai đang phối hợp địa phương xử lý.
Hòa Bình mưa to
Tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hoà Bình lúc này, nước lũ đang từ trên núi dồn xuống đường quốc lộ 6 đoạn qua xã Lâm Sơn, khiến tuyến đường này ngập nặng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 14h ngày 11-10, ông Vũ Thành Nam - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hoà Bình - cho biết sau thông tin 3 người chết và 19 người mất tích được báo cáo đầu giờ sáng, hiện số người mất tích đều đã có thông tin liên lạc trở lại. Do vậy đến nay Hòa Bình không còn người mất tích.
Nhưng ở huyện Đà Bắc thì đã có 7 người chết do lũ, sập nhà.
Mưa lũ trên quốc lộ 6 - Clip: XUÂN LONG - VIỆT DŨNG
Tại địa phận xóm Máy, xã Hoà Bình, TP Hoà Bình, hàng trăm m3 đất đá đã đổ ập từ trên đồi xuống phủ kín lòng đường tình lộ 433. Ngành giao thông Hoà Bình đã điều 2 xe máy xúc tới san gạt nhưng dự kiến phải sang ngày 12-10 mới thông được điểm sạt lở này.
Trước mắt, các lực lượng mới mở tạm một đường nhỏ ven đồi để cho xe máy qua lại, nhưng mỗi xe máy qua đây cần sự trợ giúp của nhiều người. Theo tỉnh Hoà Bình, trên tỉnh lộ 433 dẫn vào huyện Đà Bắc còn hàng chục điểm sạt lở khác, nhiều điểm sạt lở lớn hàng ngàn m3 đất đá.
Đất đá sạt lở trên tỉnh lộ 433, chia cắt TP Hòa Bình với huyện Đà Bắc - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bị cô lập do mưa lũ
Trong khi đó, ở Phú Thọ, nhiều xã bị cô lập do mưa lũ kéo dài trên địa bàn huyện Tân Sơn. Mưa kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường chính của thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn ngập trong biển nước, khiến cho các hoạt động buôn bán, sinh hoạt của người dân trong hai ngày qua rất khó khăn.
Tại địa bàn huyện Tân Sơn, mặc dù mưa đã ngớt nhưng tại các đập tràn nước vẫn chảy xiết, khiến người và các phương tiện không thể lưu thông. Các vị trí ngầm tràn sông Bứa, sông Cả đều bị ngập sâu chia cắt, cô lập các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Lai Đồng, Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Tân Sơn...
Cùng với đó, 17 vị trí đường giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện đến xã bị sạt lở…
Đường vào khu Liên Minh, xã Thu Ngạc, Tân Sơn bị nước lũ chia cắt hai ngày nay - Ảnh: QUỐC HỘI
Các tuyến giao thông chính của TT Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chìm trong biển nước - Ảnh: QUỐC HỘI
Sơn La: Hơn 100 học sinh, giáo viên bị lũ cô lập
Lũ lên nhanh khiến nhiều xã xa trên địa bàn huyện Phù Yên bị cô lập, chính quyền địa phương chưa thể tiếp cận do đường sá bị chia cắt. Đặc biệt, trường THCS Mường Bang (xã Mường Bang) đang bị cô lập hoàn toàn do cầu bêtông sang trường bị lũ phá vỡ.
Hơn 100 học sinh và giáo viên chưa sơ tán đi đâu được vì bên kia bờ suối rất lớn, nước lũ lên nhanh. Việc tiếp tế đang được thực hiện bằng cách vắt dây qua suối để để đảm bảo giáo viên, học sinh có lương thực, thực phẩm.
Đến thời điểm này, địa bàn huyện Phù Yên xác nhận có 2 người chết bị đá lăn, đất vùi lấp, có 3 người bị thương nặng; hạ tầng, giao thông tắc nghẽn toàn bộ từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Toàn huyện bị mất điện và dự kiến mất đến ngày 18-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận