13/01/2018 14:12 GMT+7

Môn văn mới: thay nội dung, đổi luôn cách thi

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi

TTO - Theo dự thảo chương trình môn học mới, môn ngữ văn sẽ chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình mang tính bắt buộc, các tác phẩm khác đưa vào phụ lục.

Môn văn mới: thay nội dung, đổi luôn cách thi - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM trong giờ học môn ngữ văn - Ảnh: Như Hùng

Thầy cô và học sinh nói gì về điều này? 

Cô Trần Thị Thúy (giáo viên dạy văn Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

Phải thay đổi cả thi cử, đánh giá

Chương trình ngữ văn hiện nay rất nặng, không chỉ vì số lượng văn bản mà khối lượng nội dung phải học quá nhiều. Nhưng vì áp lực thi cử mà thầy cô, học sinh vẫn phải cố gắng, không dám bỏ qua bất cứ văn bản nào nằm trong phạm vi chương trình có thể ra đề thi. 

Môn ngữ văn có nhiều điều thú vị, thiết thực có thể dạy cho học sinh, nhưng chỉ vì thi mà thầy trò phải vật vã học, và môn văn trở thành điều khiến học sinh căng thẳng.

Nếu chương trình mới điều chỉnh theo hướng mở, số tác phẩm bắt buộc phải học ít đi, dành phần lựa chọn cho thầy trò với nhiều tác phẩm, văn bản khác, tôi thấy hợp lý. 

Giáo viên sẽ không cần phải chạy đua với số lượng tác phẩm, văn bản mà dành thời gian rèn năng lực, kỹ năng cho học sinh trên cơ sở lựa chọn những văn bản hợp lý.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu thi cử, đánh giá thay đổi. Vì nếu vẫn thi căng thẳng như hiện nay, tôi chắc chắn càng giảm số lượng nội dung kiến thức trong chương trình thì càng nảy sinh việc dạy thêm bên ngoài nhà trường nhiều hơn.

Ngoài ra, việc chọn tác phẩm, văn bản nào làm ngữ liệu dạy học, theo tôi, thứ nhất phải phù hợp với thể loại cần dạy, cần giúp học sinh nhận biết, nắm được đặc điểm của thể loại. Thứ hai, qua đó giúp học sinh biết vận dụng để tạo lập văn bản, hoặc qua tác phẩm cảm nhận được các giá trị khác nhau.

Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng (giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM):

Giáo viên cần được tập huấn kỹ

Theo tôi, chương trình mới chỉ nên đưa ra những quy định chung về yêu cầu cần đạt được trong mỗi thể loại văn học (thể loại kịch, truyện ngắn...). Sau đó, căn cứ vào quy định này, tự giáo viên sẽ chọn tác phẩm phù hợp để giảng dạy cho học sinh của mình.

Nếu thực hiện như vậy, giáo viên ngữ văn cần được tập huấn một cách kỹ càng về cách chọn lựa tác phẩm, cách ra đề kiểm tra định kỳ theo hướng kiểm tra năng lực cảm thụ văn học và kỹ năng diễn đạt của học sinh, chứ không phải kiểm tra theo kiểu "đếm ý chấm điểm", xem học sinh có được bao nhiêu kiến thức như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cách ra đề thi, đặc biệt là đáp án mở cũng cần thực hiện đồng bộ với chương trình mới, có như vậy giáo viên, học sinh mới có thể thực hiện được thành công chương trình mở.

Đỗ Thế Thùy Trang (học sinh lớp 12CV1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Chú trọng hơn văn học nước ngoài

Chương trình mới của môn ngữ văn được thiết kế theo hướng mở sẽ là tin vui đối với nhiều học sinh phổ thông. Bởi chúng em đã từng mong muốn trong từng giai đoạn văn học, các thầy cô sẽ giới thiệu tổng quan về đặc điểm của giai đoạn đó, những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. 

Sau đó, học sinh sẽ được chọn lựa những tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích để tìm hiểu sâu hơn, làm nổi bật điểm đặc trưng của giai đoạn đó.

Hiện tại chúng em bắt buộc phải học những tác phẩm theo quy định, trong đó có nhiều tác phẩm rất khó thấu cảm, nên học hơi chán.

Ngoài ra, em rất mong chương trình mới sẽ chú trọng hơn đến nội dung văn học nước ngoài, vì đây là một "mảnh đất màu mỡ" mà nhiều học sinh muốn tìm hiểu và khai thác. 

Chương trình hiện tại có rất ít tác phẩm văn học nước ngoài, lại không hấp dẫn. Em được biết nhiều trường THPT chỉ dạy qua loa nội dung này mà thôi.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên