02/07/2019 11:46 GMT+7

Mời gọi Nhật đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Việc phải rời Nhật rồi quay lại thăm chính thức ngay trong ngày đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn làm câu chuyện về cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam.

Mời gọi Nhật đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 1.

Tập đoàn Nidec Việt Nam tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM. Sắp tới Nidec sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hà Nội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tổ chức ở Tokyo hôm qua 1-7, trước 1.200 đại biểu là doanh nghiệp Nhật và Việt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể câu chuyện ông phải bay từ Osaka (Nhật) về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), IPA và ngay trong chiều hôm ấy (30-6) ông bay trở lại Nhật Bản. 

Thủ tướng đã chia vui về lễ ký kết này trong hội nghị do Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đồng tổ chức.

Cơ hội đầu tư "có một không hai"

Câu chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã truyền cảm hứng cho phía Nhật. Chủ tịch JETRO Nobuhiko Sasaki cho biết trước chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G20 của Thủ tướng Việt Nam, ông cũng đã nhận nhiều cuộc điện thoại từ các doanh nghiệp Nhật Bản hỏi về việc có tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư hay không.

Và năm nay có rất đông doanh nghiệp Nhật Bản tham dự, mong muốn xúc tiến công tác chuẩn bị để có thể trao nhận, cấp giấy phép đầu tư với đối tác Việt Nam trong dịp này. Theo ông Nobuhiko Sasaki, đây là cơ hội "có một không hai" cho các doanh nghiệp. Ông cũng cho biết niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam ngày càng tăng.

Mời gọi Nhật đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 2.

Đồ họa: T.ĐẠT

Gần bốn tháng trước, JETRO đã công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, tại Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp trả lời "có lời" chiếm 65,3%; tỉ lệ có lời đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên 80%, điều đó cho thấy việc đầu tư lâu dài thì có lời.

JETRO cho biết khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh. Kể cả các doanh nghiệp thành lập trước năm 2010, cũng có 67,1% cho biết có phương án mở rộng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng. Lý do chính của việc mở rộng kinh doanh là để tăng doanh thu và kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cao, tiềm năng cao.

Về lợi thế môi trường đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất, tiếp đó là chi phí nhân công rẻ.

Điều đó thể hiện ở việc khán phòng hội nghị sáng 1-7 ở Tokyo chật kín chỗ ngồi. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều này cho thấy "không khí đầu tư hết sức hào hứng".

Mời gọi Nhật đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản - Ảnh: VGP

"Đến Nhật Bản lần này, so với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản", Thủ tướng mở đầu bài phát biểu, giới thiệu về tiềm năng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, quốc gia luôn duy trì môi trường chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định và là một quốc gia có lợi thế tự nhiên về thương mại toàn cầu.

Thủ tướng cho biết hiện tại Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỉ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

"Việt Nam đang là công xưởng của thế giới"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hội nghị diễn ra sau đúng hai tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công trong hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản, Nhật Bản - Việt Nam.

Thủ tướng chia vui về lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa xong trong chiều 30-6: "Có thể nói các bạn Nhật là những người mở hàng đầu tiên". Nếu EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có hiệp định. 

32

Đó là số giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản ký kết và trao tại hội nghị xúc tiến đầu tư sáng 1-7.

Các văn bản liên quan nhiều lĩnh vực như: bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỉ USD.

"Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

"Tôi vẫn nhắc lại một lần nữa, Việt Nam có nhiều ngành có tiềm năng phát triển mà các bạn quan tâm, trước hết là ngành sản xuất chế biến chế tạo. Việt Nam giờ đã là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày...", Thủ tướng nói.

Ngay trong buổi sáng 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc tọa đàm bàn tròn với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như Toyota, Canon, TEPCON, Yusen Logistics, Sojitz, JXTG... về các chủ đề công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Sau đó là buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Tập đoàn Mitsui, Tập đoàn Maruhan, Tập đoàn Toray Industry, Tập đoàn Sumitomo.

Tại đây, Thủ tướng kêu gọi: "Với tầm nhìn Nhật Bản tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất trong hợp tác đầu tư của Việt Nam, đối với các tập đoàn lớn của Nhật, tôi khuyến khích các bạn đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam, với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, hạ tầng chất lượng cao, áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa hàng hóa của Việt Nam tham gia các kênh phân phối khu vực, toàn cầu".

Môi trường đầu tư ở Việt Nam

3 ưu điểm

- Nền chính trị - an ninh tốt.

- Chính sách ổn định, ít thay đổi.

- Giá nhân công vẫn còn rẻ (lương nhân công ở Việt Nam chỉ gần bằng 1/2 Thái Lan; trong khu vực Đông Nam Á, lương của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 6, Thái Lan đứng đầu bảng - số liệu năm 2017).

3 nhược điểm

- Người Nhật thấy khó học tiếng Việt nên khó giao tiếp trong công việc.

- Quan niệm về công việc của người Việt Nam và người Nhật khác nhau.

- Thu nhập của người Việt vẫn còn thấp nên ít người dân Việt Nam đủ khả năng mua sản phẩm chất lượng cao của Nhật.

(Theo nhận định của JETRO TP.HCM)

Ông Phan Hữu Thắng (nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT): Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Nhật

phan_huu_thang

Ông Phan Hữu Thắng

Về góc độ giải ngân vốn đầu tư, những năm gần đây, Nhật Bản bao giờ cũng đứng top 5 trong số các dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Đặc biệt, vốn giải ngân của Nhật Bản bao giờ cũng có tỉ lệ giải ngân cao nhất so với các nhà đầu tư đến từ các thị trường khác.

Ngoài việc chất lượng công nghệ cao, Nhật Bản còn có tinh thần rất nghiêm túc, chặt chẽ từ khi tìm hiểu các dự án, thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Nhật Bản là hai nước ở châu Á có văn hóa gần gũi với nhau.

Vì thành công trong dự án đầu tư không chỉ là góc độ kinh tế mà còn phải có những giá trị tinh thần khác như bảo tồn văn hóa.

Những dự án, công trình mà nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện trong những năm qua ở Việt Nam, số vốn ODA, FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, phù hợp với nhà đầu tư Nhật Bản.

Với sự cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tốt lên, chắc chắn Việt Nam luôn hấp dẫn đối với nguồn vốn đến từ Nhật Bản.

Ông Hirai Shinji (trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM): Nhà đầu tư Nhật ưu tiên lựa chọn Việt Nam

ong jetro

Ông Hirai Shinji

Mỗi năm chúng tôi đều có cuộc khảo sát về các vấn đề liên quan đến việc triển khai kinh doanh ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Dựa vào khảo sát gần đây nhất, trả lời cho câu hỏi "Hiện tại các doanh nghiệp có cơ sở tại hải ngoại, có kế hoạch mở rộng hơn nữa trong tương lai?" thì Việt Nam là đất nước đứng vị trí thứ 2 được các doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm điểm đến mở rộng trong tương lai.

Đối với kế hoạch mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản cũng ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, đặc biệt lĩnh vực phi sản xuất chiếm đến vị trí thứ 2.

Điều này cho thấy mối quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản sẽ được mở rộng không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực phi sản xuất cũng có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam trong tương lai.

Sau những làn sóng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, dòng vốn FDI Nhật Bản hướng đến các dự án hạ tầng cơ sở, công nghệ cao..., đó là sự chuyển dịch tất yếu trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia đang hết sức tốt đẹp và nhà đầu tư Nhật Bản nhìn thấy cơ hội tăng trưởng ở đây.

L.THANH - N.BÌNH ghi

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Tôi khuyến khích các bạn đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam'

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi đầu tư tại cuộc Tọa đàm bàn tròn với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản về các chủ đề công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên