14/09/2017 15:28 GMT+7

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ

VIỄN SỰ - NGỌC ẨN
VIỄN SỰ - NGỌC ẨN

TTO - Không được rót vốn đúng cam kết, nhiều nhà thầu của dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đang rút chuyên gia, thiết bị, giãn tiến độ, ngưng thi công, thậm chí chuẩn bị khởi kiện chủ đầu tư.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đang bị đình trệ do thiếu vốn - Video: THUẬN THẮNG - NAM TRẦN

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông LÊ NGUYỄN MINH QUANG - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - xung quanh sự việc này. 

Ông Quang cho biết:

- Tháng 4-2017, Bộ KH-ĐT mới phân bổ vốn năm 2017 cho dự án metro số 1 với 2.119 tỉ đồng, trong khi nhu cầu cả năm là 5.422 tỉ đồng. Số tiền này chỉ mới đủ trả nợ cho nhà thầu và trả tiền vay 600 tỉ của UBND TP.HCM (trả cho các nhà thầu).

Số tiền được cấp ban quản lý dự án đã tiêu hết ngay khi vừa nhận và phải tạm ứng thêm 500 tỉ để thanh toán. Nhưng tạm ứng chỉ đủ một phần nhỏ vì phần thiếu hụt năm 2017 lên đến 3.300 tỉ, chúng tôi đang phải "giật gấu vá vai", vay tiền để trả cho các nhà thầu nhưng không đủ.

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 2.

"Quy trình nội bộ" làm ảnh hưởng

* Tình trạng của dự án hiện nay thế nào, thưa ông?

- Nếu trước đây chỉ có một hai nhà thầu giãn tiến độ vì thiếu vốn thì hiện tại đồng loạt các nhà thầu đều gửi thư thông báo chính thức việc giãn tiến độ, có nhà thầu đã thông báo ngừng thi công. Thậm chí có nhà thầu đề cập việc sẽ chấm dứt hợp đồng và kiện chủ đầu tư.

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 3.

* Dự án metro số 1 sẽ tiếp tục chậm tiến độ?

- Cho đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu hoàn thành dự án metro số 1 vào năm 2020 bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Vì khi các nhà thầu giãn tiến độ họ sẽ trả máy móc thiết bị, trả chuyên gia và cho công nhân nghỉ. Bởi họ không thể giữ nhân lực để trả lương trong khi công trình giãn tiến độ, đây là nguyên tắc trong hợp đồng. 

Chưa hết, sau này khi nhà thầu muốn thi công trở lại họ sẽ lại yêu cầu chủ đầu tư trả chi phí huy động nhân lực, thiết bị thi công, kinh phí phát sinh này không nhỏ và làm đội vốn dự án.

Như vậy không những mất tiền mà còn có hệ lụy là kéo dài thời gian và sự căng thẳng để giải quyết những sự việc đó.

Ngân sách TP.HCM và ngân sách dự án hoàn toàn không có khoản chi nào cho việc này và chắc chắn sẽ phải giải trình rất mệt mỏi. Nhưng thiệt hại lớn nhất là uy tín, là hình ảnh môi trường đầu tư.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã từng than phiền vấn đề chậm rót vốn cho dự án metro số 1 nhiều lần.

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 4.

* Như vậy nguyên nhân hoàn toàn chỉ là "chuyện trong nhà" từ phía Việt Nam?

- Các nhà thầu thắc mắc rằng tại sao họ chuẩn bị nhân lực, thiết bị, nguồn vốn để thực hiện dự án metro số 1 rất chu đáo rõ ràng, nhà tài trợ là Chính phủ Nhật đã chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng nhưng chỉ vì "quy trình nội bộ" của phía Việt Nam lại làm ảnh hưởng quá lớn đến dự án?

Niềm tin từ các nhà thầu Nhật đang bị sút giảm, ngay cả khi nhận được tiền chi trả do TP.HCM tạm ứng, họ vẫn đặt câu hỏi "sắp tới chủ đầu tư sẽ trả tiền cho chúng tôi thế nào để còn biết điều động lực lượng?". 

Câu hỏi này rất đáng được chia sẻ, các nhà thầu không chỉ tham gia mỗi dự án metro số 1 mà họ đang thực hiện nhiều dự án ở nhiều quốc gia. Họ không thể đưa chuyên gia, thiết bị sang Việt Nam làm một hai tháng rồi ngưng vì không được rót vốn.

Dự án metro số 1 được thực hiện đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho TP.HCM và cả nước. Do đó việc chậm giải ngân cho dự án sẽ ảnh hưởng đến cả tăng trưởng chung.

Hai lối ra căn cơ

* Có ý kiến cho rằng khâu lập dự án không kỹ càng đã dẫn đến đội vốn dự án metro số 1 thêm khoảng 1,4 tỉ USD (từ 1,091 tỉ USD lên 2,491 tỉ USD năm 2011)?

- Dự toán ban đầu được lập năm 2006 do tư vấn trong nước thực hiện. Lúc này, tư vấn trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm về metro, ngoài ra đây chỉ là dự toán bước đầu, chưa tính rõ số lượng đoàn tàu và một số hạng mục. 

Dự toán này vào thời điểm đó cũng đã được các bộ ngành trung ương thẩm định và đồng ý. Sau đó năm 2008 tư vấn Nhật Bản mới chính thức tính toán lại con số cụ thể.

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 5.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Ảnh: TỰ TRUNG

Về lý do tăng vốn, UBND TP.HCM đã báo cáo và xin ý kiến của các bộ: GTVT, Tài chính, KH-ĐT và đều nhận được ý kiến đồng thuận. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị cho UBND TP.HCM phê duyệt tổng mức đầu tư 2,491 tỉ USD (tương đương 47.325 tỉ đồng) vào năm 2011.

Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh đã có sự đồng ý của các bộ ngành Chính phủ sau khi có cơ quan thẩm định độc lập được ủy quyền cho UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2011 và cho đến nay không có sự đội vốn nào.

* Cho đến nay việc điều chỉnh vốn của dự án metro số 1 vẫn chưa được trình ra Quốc hội, trong khi Bộ KH-ĐT cho biết không có nghị quyết của Quốc hội thì không thể điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn. Việc này là lỗi của ai?

- Việc báo cáo điều chỉnh vốn dự án metro số 1 đã được UBND TP.HCM thực hiện theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ở văn bản 1108 về việc rà soát các dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ngày 8-7-2011.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ GTVT phải báo cáo về dự án Bến Thành - Suối Tiên lên Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ ngành địa phương chuẩn bị đầy đủ các nội dung để báo cáo Quốc hội theo quy định.

Như vậy, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011 đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ ngành về việc báo cáo nội dung điều chỉnh vốn dự án metro số 1 lên Quốc hội. Việc kiến nghị trực tiếp lên Quốc hội vượt quá thẩm quyền của TP.HCM và thuộc về trách nhiệm của các bộ ngành đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 6.

* Ông có đề xuất gì về hướng tháo gỡ cho dự án metro số 1?

- Trước mắt là đề nghị Bộ KH-ĐT thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng ý về chủ trương cho TP.HCM ứng trước vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để giải ngân cho dự án. 

Đây là chỉ thị của Thủ tướng tại cuộc làm việc với TP.HCM vào ngày 5-7 và giao Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-7.

Để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có phương án căn cơ, chúng tôi đề xuất hai cách. Cách thứ nhất, nếu vẫn trình ra Quốc hội thì thẩm quyền thuộc về Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành phải chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Cách thứ hai như phía Nhật Bản đề nghị và UBND TP.HCM, ban quản lý dự án cũng thống nhất đó là dự án đã được ký hiệp định vay vốn ODA, đã có cam kết về giải ngân với các nhà tài trợ nên phải giải ngân theo tiến độ cần vốn của công trình. 

Đó mới là bài toán căn cơ, mới thể hiện được uy tín.

Chúng ta không thể đem chuyện vướng mắc "trong nhà" để không thực hiện đúng cam kết với đối tác quốc tế.

Ông Shigeki Ihara (giám đốc dự án liên danh Sumitomo - Cienco 6):

"Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp đã quy định"

* Việc chậm giải ngân vốn cho dự án metro đang ảnh hưởng đến các gói thầu do liên danh Sumitomo - Cienco thực hiện thế nào, thưa ông?

- Việc không thanh toán kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền dùng cho xây dựng của chúng tôi.

* Liên danh Sumitomo - Cienco 6 sẽ phản ứng ra sao trước sự chậm trễ này?

- Chúng tôi sẽ không rút chuyên gia và máy móc về Nhật vì chuyện chậm thanh toán. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp đã quy định trong hợp đồng.

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Tắc vốn do quy trình nội bộ, metro số 1 chậm tiến độ - Ảnh 8.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đoạn đi qua quận Bình Thạnh hướng về trung tâm TP) - Ảnh: Hữu Khoa

Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN:
Sẽ ảnh hưởng uy tín quốc gia

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công cả nước đang rất chậm, trong khi tuyến metro số 1 là một dự án quan trọng đang được triển khai rất tốt nhưng lại khát vốn thì Bộ
KH-ĐT cùng UBND TP.HCM cần đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tạm thời nguồn vốn ở các dự án đang chậm triển khai, các dự án giải ngân không hết, hoặc nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để ưu tiên đưa dự án đi vào hoạt động.

Trong khi chờ có cơ chế đặc thù về phân cấp, phân quyền, tài chính, đầu tư cho TP.HCM thì trước mắt trung ương nên hỗ trợ TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ dự án này.

TP.HCM là bộ mặt quốc gia, các nhà đầu tư, khách quốc tế đều nhìn vào đây để đánh giá. 

Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản, đang rất tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam, nếu chỉ vì dự án này mà để ảnh hưởng niềm tin đó thì sẽ thiệt hại rất lớn. Bởi lúc đó sẽ có hiệu ứng dây chuyền, không chỉ các nhà đầu tư mà cả Ngân hàng Thế giới, các nhà tài trợ ODA... cũng sẽ mất niềm tin.

Chúng ta cần coi những vướng mắc hiện nay ở dự án metro số 1 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội, là minh chứng cho thấy Chính phủ đang lắng nghe, kiến tạo, hành động. 

Việc thúc đẩy dự án metro số 1 còn là sự động viên cho nhân dân TP.HCM, như các lãnh đạo trung ương đã nói là TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM. 

Dự án metro số 1 không chỉ là bộ mặt quốc gia mà còn thúc đẩy các dự án khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển, có độ liên thông rất cao với các tỉnh trong vùng kinh tế này.


Chuẩn bị các tình huống pháp lý khi thanh toán không đúng cam kết

Đây là một trong các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong liên quan đến dự án metro số 1, trong công văn khẩn được Văn phòng UBND TP.HCM gửi đi ngày 9-9.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu hệ thống hóa lại toàn bộ hồ sơ thủ tục và tình hình triển khai thực hiện dự án. Chuẩn bị nội dung để UBND TP.HCM báo cáo Bí thư Thành ủy và Thủ tướng Chính phủ về quá trình triển khai dự án đến thời điểm hiện tại.

Trong đó, cần tập trung phân tích cơ sở pháp lý, các khó khăn, vướng mắc, hệ lụy có thể xảy ra nếu việc thanh toán không theo đúng cam kết, dự án không đảm bảo tiến độ.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các cơ quan của TP.HCM tích cực, chủ động liên hệ và theo dõi các hướng dẫn của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính để ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời thường xuyên cập nhật, báo cáo UBND TP về các vướng mắc, khó khăn phát sinh của dự án metro số 1 để giải quyết kịp thời.


VIỄN SỰ - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên