Chiều nay đón con gái năm tuổi ở trường mầm non về nhà, cháu thủ thỉ hỏi tôi: "Mẹ ơi, cô giáo bảo trường sắp tổ chức cho lớp con đi tham quan. Mẹ cho con đi không mẹ?".
Tôi bật cười nghĩ về kỳ tham quan Đại Nội của cháu vào năm ngoái, cháu mang về mấy cái vỏ kẹo trong ba lô.
Hỏi con, tôi nhận được câu trả lời: "Con và bạn ăn kẹo xong không có thùng rác nên cất vào cặp. Mẹ dặn con vậy mà…". Giọng cháu càng lúc càng nhỏ dần và xìu hẳn. Cháu tưởng mẹ mắng vì bỏ vỏ kẹo vào cặp. Tôi vội trấn an con và khen con đã biết đem rác về nhà.
Khen con biết đem rác về nhà, nghe có vẻ khác lạ nhưng thật ra lại là bài học ý nghĩa mà mỗi cha mẹ đều có thể dạy con cái mình.
Ở các nơi tham quan, công cộng, người ta bố trí khá nhiều thùng rác. Nhưng các cháu còn nhỏ, tham quan dưới sự điều khiển của giáo viên, phải tập hợp đúng nơi quy định.
Đôi khi ăn một cái kẹo, cái bánh, nếu không thể đem đến bỏ vào thùng rác thì tốt nhất vẫn là bỏ rác vào ba lô, cặp xách và đưa về nhà.
Tôi nghĩ rác thải sinh hoạt mỗi ngày của chúng ta nhiều vô kể. Nếu mỗi người đều có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định thì có lẽ thành phố đã sạch đẹp hơn rất nhiều. Chỉ tiếc là không ít người lớn lại hành xử không chuẩn mực, vô tình tạo ra tấm gương xấu cho trẻ.
Độc giả Thanh Nguyễn
Hôm trước mẹ con tôi đang chạy xe trên đường thì bỗng giật mình vì một chai nước lọc rỗng bị ném từ chiếc xe xích lô chở khách du lịch phía trước. Cái chai rỗng bị ném ra đằng sau, nằm chõng chơ trên mặt đường.
Con gái tôi lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý với hành động đó.
Còn tôi tự hỏi sao người lớn lại vô ý thức như thế, trong khi trên chiếc xe kia còn có một cậu bé tầm mười tuổi. Con sẽ học bài học bỏ rác đúng nơi quy định như thế nào?
Sáng nay, khi tôi dừng xe ở cổng và chuẩn bị đưa cháu vào trường thì bắt gặp cậu bé cùng lớp với cháu đang hút vội hộp sữa. Hai đứa trẻ vẫy tay chào nhau.
Người mẹ trẻ trạc tuổi tôi đưa tay vơ hộp sữa lắc lắc rồi tiện tay ném vào thùng rác. Vỏ hộp dội vào miệng thùng và bật ra ngoài.
Chị ấy vẫn thản nhiên đi cùng con vào lớp, chẳng hề có động thái nhặt lên bỏ gọn vào thùng.
Chúng ta không dám phê phán người khác nhưng đúng là chính sự xuề xòa ấy tạo thành thói quen xấu cho người lớn và cả con trẻ.
Nhìn cảnh tượng những tờ rơi quảng cáo vứt la liệt ở chốt đèn đỏ, hay giấy báo, hộp sữa, bánh kẹo vứt đầy ở công viên, bãi biển sau những cuộc vui, hội hè mới thấy rằng ý thức của người Việt chúng ta còn rất thấp.
Bài học bỏ rác đúng nơi quy định được học từ tấm bé, truyền thông lên tiếng kêu gọi hằng ngày, dường như vẫn chưa thể làm thay đổi ý thức, hành vi, thói quen xấu xí ấy.
Dạy con đưa rác về nhà, cha mẹ hãy mạnh dạn cất vào cặp xách, treo bên xe máy… nếu không tìm thấy thùng rác.
Đừng tiếc một lời khen khi thấy trẻ biết thực hành bài học bỏ rác vào thùng. Và cũng đừng dễ dãi cho qua mỗi khi bắt gặp trẻ vứt rác bừa bãi.
Đừng bao giờ nghĩ rằng "đợi con lớn thêm tí nữa rồi dạy cũng không muộn" vì thói quen, dù tốt hay xấu cũng đều hình thành thông qua một quá trình luyện tập, thực hành.
"Dạy con từ thuở còn thơ" để gieo trồng, vun xới hạt mầm tử tế trong lối sống, nhân cách con trẻ.
Nhớ về mấy cái vỏ kẹo trong ba lô, tôi rất vui với cách nghĩ, cách làm của cô con gái nhỏ của mình.
Năm nay, khi chuẩn bị ba lô cho chuyến tham quan mới của cháu, tôi cũng sẽ khéo léo nhắc nhở con bài học từ năm ngoái.
Còn bạn, bạn đã sẵn sàng dạy con đưa rác về nhà?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận