TT - Chuyển thể thành công tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kazuo Ishiguro, với những hoài niệm đậm chất phương Ðông và cách đặt vấn đề rất hiện đại từ xã hội phương Tây, có thể nói Never let me go - Mãi đừng xa tôi (*) là bộ phim đáng tiếc nhất không có mặt trong đêm trao giải Oscar 2011 vừa qua.
Phóng to |
Nhan đề phim êm dịu ấy, vốn là lời bài hát trong cuốn băng cassette cũ, khoảng cuối thập niên 1970, lại rất trái ngược với những gì diễn ra trong sách cũng như phim. Nhưng Mãi đừng xa tôi cần thiết để chúng ta cất lên mỗi khi muốn cứu chuộc yêu thương ở lại, mỗi khi nhận thấy nỗi mất mát và nước mắt đang dần hiện hữu, xám xịt, hiu quạnh đến tê buốt.
Xúc động, ngạt thở bởi những chi tiết được sắp xếp chặt chẽ, bộ phim đủ sức ôm chứa những dữ dội từ bên trong, nơi khung cảnh luôn bị phủ đầy bởi màu xám lạnh, bởi những tiết tấu âm nhạc da diết. Nhạc phim làm cho nhịp điệu tự sự được dẫn dắt bởi Kathy trở nên chậm hơn, kéo dài những diễn biến nội tâm trong các nhân vật, mà phần lớn chúng đều truyền tải một thân phận lạc loài. Nhập vai Kathy tội nghiệp, cô gái xinh đẹp Carey Mulligan khiến ta tin vào bản năng sống, lòng ham sống bất diệt của mỗi người. |
Kathy (Carey Mulligan thủ vai), Tommy (Andrew Garfield) và Ruth (Keira Knightley) là ba học sinh trong ngôi trường Hailsam rất đặc biệt: nuôi dưỡng những đứa trẻ sinh sản vô tính để biến chúng thành người hiến tạng, dần cho đi những bộ phận của cơ thể, cho đến lúc chúng "hoàn tất" bằng cái chết.
Cả ba, cũng như hàng trăm đứa trẻ khác, dù bị quản giáo ngặt nghèo thì cảm giác sống - thứ duy nhất không có hàng rào nào ngăn cản nổi - vẫn không ngừng quẫy đạp trong những tâm hồn non trẻ này.
Vì thế, cả ba từ lúc ấu thơ đến khi bước vào tuổi đôi mươi là cuộc rượt đuổi những cung bậc sâu lắng nhất của tình bạn, tình yêu mà không một ai trong thiết chế Hailsam có thể hiểu đó là dấu chỉ con người nhất.
Một Kathy dịu dàng, tinh tế; một Ruth mạnh mẽ, ưa nổi bật; và Tommy bao giờ cũng là chàng trai khờ khạo. Quả là họ đã đi thấu tâm hồn, tính cách mình để hoàn tất một đời sống ngắn ngủi, một đời sống nhiều nước mắt thương nhớ và nỗi đau chia lìa liên tiếp.
Hailsam và chương trình hiến tạng có thể tước đoạt thời gian sống của họ, nhưng dĩ nhiên chẳng thể tiêu diệt ngọn lửa xuân thì cháy trong ký ức và trái tim họ, nơi sự gắn kết và sẻ chia đã thành điểm tựa tinh thần để họ chấp nhận định mệnh.
Khi Ruth chết sau lần hiến tạng thứ hai, cả Kathy, Tommy đều cố chứng minh họ có tình yêu, có tâm hồn thật sự thì người lãnh đạo Hailsam già nua vẫn lắc đầu. Ðiều đó không chỉ dồn Tommy vào cái chết mà có lẽ, đáng nói hơn, thể hiện một sự vô cảm tuyệt đối của cộng đồng đối với những cá thể đơn độc, nhỏ bé.
Không ai trong chúng ta tin câu chuyện là có thật. Song chất giả tưởng ấy đủ chân thực đến mức chúng ta muốn chống lại sự không tưởng, chống lại những gì vô nhân nếu lỡ phải xảy ra trong cõi nhân gian mỏng manh này.
Câu chuyện của Never let me go đầy tính dự báo, trước cái gọi là tiến bộ kỹ thuật y học hiện nay, rằng rất cần một cái nhìn tỉnh táo để việc bù đắp sự sống của người này không thể là nỗi đau của người khác. Ðã đến lúc sự thật không tưởng cũng làm người xem giật mình!
NAM PHÚ
(*) Sách do Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành năm 2008, lọt vào top 10 tiểu thuyết của thập kỷ 2000-2009 do tạp chí Times bình chọn. Phim do Mark Romanek đạo diễn, được sản xuất năm 2010, có DVD tại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận