24/01/2019 07:29 GMT+7

Macedonia phải đổi tên nước để vào EU

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Macedonia là một nước thuộc CH Nam Tư cũ, nhưng với nhiều người Hy Lạp đó là tên của tỉnh phía bắc gắn liền với những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế. Vì thế Athens luôn phủ quyết Macedonia gia nhập EU.

Macedonia phải đổi tên nước để vào EU - Ảnh 1.

Bức tượng Alexander Đại đế nặng 30 tấn ở thủ đô Skopje của Macedonia - Ảnh: AFP

Khi một bức tượng khổng lồ của Alexander Đại đế được dựng lên ở thủ đô Skopje của Macedonia năm 2011, người Hy Lạp khi đó tin rằng những người láng giềng phía bắc đang cố gắng "ăn cắp" một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Hy Lạp. Mối quan hệ giữa hai nước nhanh chóng trượt dốc không phanh sau đó.

Đó không phải là tranh cãi duy nhất và cuối cùng giữa hai nước.

Các nhà ngoại giao, lãnh đạo châu Âu thường tỏ ra bối rối khi nhắc đến mối quan hệ giữa Hy Lạp và quốc gia láng giềng phía bắc. Chẳng hạn, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dùng cụm từ "chính quyền Athens và Skopje" thay vì gọi đầy đủ và chính xác tên của hai nước.

Những khoảnh khắc lúng túng hay chữa cháy như thế sẽ sớm không còn nữa sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hy Lạp vào ngày hôm nay 24-1. 

Theo "thỏa thuận giữa chính quyền Athens và Skopje", CH Macedonia hiện nay sẽ đổi tên thành CH Bắc Macedonia nếu được quốc hội cả hai nước thông qua.

Cách đây 10 ngày, quốc hội Macedonia đã chính thức gật đầu và đẩy tiến trình thông qua tên gọi mới đến Athens. 

Thời khắc lịch sử đang đến gần trên bán đảo Balkan, chấm dứt 27 năm tranh cãi liên tục giữa hai nước song cái giá phải trả cũng không hề rẻ. 

Bị khước từ ngay từ lúc "sinh ra"

Macedonia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư vào năm 1991 nhưng ngay lập tức bị dội gáo nước lạnh bởi Hy Lạp khi nước này tuyên bố không công nhận cái-gọi-là CH Macedonia.

Quốc kỳ CH Macedonia giai đoạn 1991-1995 và từ 1995 đến nay - Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh việc tuyên bố tên gọi Macedonia là một phần của di sản và bản sắc Hy Lạp, chính quyền Athens lo ngại Skopje có thể nuôi dưỡng tham vọng lãnh thổ đối với khu vực Macedonia của Hy Lạp, theo hãng thông tấn AFP.

Năm 1993, với tên gọi tạm thời Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (FYROM), Macedonia được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc (LHQ). 

Hầu hết các quốc gia, trong đó có Mỹ và Nga đều công nhận tính chính danh của chính quyền Skopje cũng như tên gọi được đưa vào hiến pháp của Macedonia là Cộng hòa Macedonia, ngoại trừ Hy Lạp.

Năm 1994, Hy Lạp đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Macedonia và cấm nước láng giềng sử dụng cảng Thessaloniki của Hy Lạp, trung tâm của các hoạt động ngoại thương của chính quyền Skopje. Hy Lạp cũng yêu cầu Macedonia từ bỏ quốc kỳ có hình Mặt trời Vergina, tuyên bố đây là biểu tượng của Hy Lạp cổ đại.

Quan hệ giữa hai nước chỉ tan băng vào năm 1995 theo sau một thỏa thuận ở New York (Mỹ), mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ chính trị và thương mại. Một quốc kỳ mới của CH Macedonia không có Mặt trời Vergina được trình lên LHQ, các văn phòng liên lạc được mở tại thủ đô hai nước song những tranh cãi về tên gọi vẫn chưa chấm dứt. 

Năm 2005, Hy Lạp phản đối các cuộc đàm phán tư cách thành viên giữa EU và Macedonia, tuyên bố sẽ phủ quyết việc gia nhập của chính quyền Skopje. Tương tự, ba năm sau đó, dù được mời gia nhập dưới tên gọi tạm thời FYROM, Macedonia lại một lần nữa ngậm ngùi đứng ngoài NATO khi Athens tiếp tục nói không chỉ vì chuyện quốc hiệu.

Đụng độ ở Athens

Ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 5-2017, trong nỗ lực tái khởi động tiến trình gia nhập EU và NATO, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev cam kết sẽ giải quyết dứt điểm những tranh cãi về quốc hiệu với Hy Lạp.

Các cuộc đàm phán đã được bắt đầu lại vào tháng 1-2018 dưới sự bảo trợ của LHQ, đặt nền móng cho một thỏa thuận 5 tháng sau đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước.

Macedonia phải đổi tên nước để vào EU - Ảnh 3.

Những người phản đối thỏa thuận đổi tên Macedonia đụng độ với cảnh sát chống bạo động bên ngoài quốc hội Hy Lạp ngày 20-1 - Ảnh: AFP

Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chia sẻ một video trên Twitter nhằm thuyết phục những người hoài nghi về lợi ích của Thỏa thuận Prespes mà ông đã đàm phán với người đồng cấp Macedonia Zoran Zaev.

"Thỏa thuận Prespes là một bước tiến lịch sử không chỉ đối với hai nước chúng ta, mà còn cho cả khu vực, cho tất cả châu Âu" - ông Tsipras viết trong dòng trạng thái (tweet) kèm theo.

Hàng chục ngàn người đeo mặt nạ đã xuống đường ở Athens một ngày trước đó. Đám đông giận dữ trước thỏa thuận đổi tên đã đối đầu với cảnh sát và tấn công các nhà báo, những người đưa tin về sự kiện lịch sử sắp sửa diễn ra. Đó chỉ mới là một phần của bức tranh.

Một loạt các đảng chính trị Hy Lạp, từ Golden Dawn cực hữu đến Xã hội chủ nghĩa, phản đối thỏa thuận đổi tên giữa Hy Lạp và Macedonia. Thanassis Theoharopoulos, một nghị sĩ thuộc "Phong trào vì sự thay đổi", bị trục xuất khỏi đảng này sau khi thể hiện sự ủng hộ với Thỏa thuận Prespes.

Một số nghị sĩ khác, chẳng hạn như Giorgos Amyras thuộc đảng ủng hộ EU Potami, chọn cách rời bỏ đảng và bắt tay với những đảng chống việc đổi tên Macedonia.

Liên minh cầm quyền của thủ tướng Tsipras đã sụp đổ sau thỏa thuận một tuần trước, buộc nhà lãnh đạo Hy Lạp phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để lấy lại sự tự tin trong nội các và sự ủng hộ của các nhà lập pháp.

Để Thỏa thuận Prespes được thông qua tại Quốc hội Hy Lạp phải cần sự tán thành của ít nhất 151/300 nghị sĩ. 

Dù đảng Syriza cánh tả của ông Tsipras chỉ có 145 ghế nhưng họ tin rằng đã có đủ lá phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ độc lập, phi đảng phái cho cuộc bỏ phiếu quan trọng vào ngày 24-1.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên