TAND TP Hà Nội vừa có thông báo trả lại đơn khởi kiện của bà Phan Thị Hương Thủy (trước đây là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) đối với bị đơn là ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Vụ kiện xuất phát từ việc ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội ký quyết định kỷ luật bà Thủy với hình thức xóa tên ra khỏi danh sách của đoàn.
Bà Thủy khởi kiện đến tòa yêu cầu tòa hủy quyết định kỷ luật. Nhưng tòa khẳng định quyết định kỷ luật của ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội chỉ mang tính nội bộ, không phải là đối tượng của vụ án hành chính.
Lòng vòng
Phiên họp giải quyết khiếu nại của bà Thủy đối với thông báo trả lại đơn khởi kiện vừa diễn ra tại TAND TP Hà Nội.
Tại phiên họp, tòa hướng dẫn bà Thủy khiếu nại đến chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, đồng thời cho rằng tốt nhất là khiếu nại đến ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nếu không được giải quyết thỏa đáng thì tiếp tục khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Tư pháp. Khi có quyết định của bộ trưởng Bộ Tư pháp mà còn muốn khởi kiện thì quay về nộp đơn, tòa sẽ thụ lý ngay.
Thực tế cho thấy TAND TP Hà Nội vừa thụ lý đơn khởi kiện một vụ án hành chính bằng biện pháp như hướng dẫn đối với bà Thủy. Đó là vụ của ông Bùi Kiến Quốc (63 tuổi, trước đây là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) kéo dài gần 4 năm nay, với hàng chục lần bị tòa án từ chối thụ lý. Rốt cuộc ông Quốc phải khiếu nại lên Bộ Tư pháp và làm đơn khởi kiện bộ này khi không được giải quyết thỏa đáng.
Cụ thể, tháng 9-2014, ông Bùi Kiến Quốc bị ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư 12 tháng. Ông Quốc khiếu nại nhưng lại bị kỷ luật nặng hơn, xóa tên ông ra khỏi danh sách Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Ông Quốc tiếp tục khiếu nại đến Bộ Tư pháp. Tháng 3-2017, bộ trưởng Bộ Tư pháp ký quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với ông Bùi Kiến Quốc.
Đơn khởi kiện của ông Quốc từng bị tòa án từ chối thụ lý. Cho đến khi Bộ Tư pháp có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề, ông mới nộp đơn khởi kiện lại.
Tại đơn khởi kiện, ông Quốc cho rằng quyết định kỷ luật của ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông là hoàn toàn sai.
Ông đề nghị tòa hủy các quyết định kỷ luật, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Hiện tòa gửi thông báo đề nghị bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi ý kiến về vụ kiện kèm theo các chứng cứ, tài liệu liên quan.
Gây khó cho các luật sư
Luật sư Lưu Văn Tám (Ủy ban khen thưởng kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết theo quy định hiện nay, nếu luật sư bị đoàn luật sư kỷ luật thì có quyền khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Sau khi ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết khiếu nại, nếu luật sư không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyết định giải quyết khiếu nại của bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là quyết định cuối cùng, đây mới là quyết định hành chính.
Nếu không đồng ý với quyết định của bộ trưởng Bộ Tư pháp thì luật sư mới có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa.
Ông Tám cũng lưu ý các quyết định của ban chủ nhiệm đoàn luật sư và quyết định của ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam không phải là quyết định hành chính để có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Hương Thủy lại nói việc tòa án hướng dẫn khởi kiện theo như quy định hiện hành là bắt các luật sư phải đi đường vòng.
"Tại sao tòa không thụ lý luôn quyết định xóa tên của ban chủ nhiệm đoàn luật sư - là quyết định chính (gốc) vì các quyết định sau (nếu có) chỉ là "ngọn". Bởi sau này, nếu tòa án thụ lý vụ kiện bộ trưởng Bộ Tư pháp thì vẫn phải xem xét cả tính hợp pháp của quyết định xử lý kỷ luật mà ban chủ nhiệm đoàn luật sư đã ban hành" - bà Thủy đặt vấn đề.
Hiện các luật sư chỉ được khiếu nại quyết định kỷ luật của đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, không được quyền khởi kiện các quyết định này.
Nhiều luật sư cho rằng quy định đó gây khó khăn cho các luật sư trong quá trình khởi kiện, đẩy họ vào con đường phải khiếu nại và khởi kiện Bộ Tư pháp. Trong khi đó, kiện và thắng kiện bộ trưởng Bộ Tư pháp là điều không hề dễ dàng.
Lý giải thêm về vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Theo quy định của Luật luật sư, hễ có luật sư nào xóa tên ra khỏi danh sách của đoàn thì Bộ Tư pháp sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Việc thu hồi này là theo quy trình luật định chứ không bao gồm việc xem xét quyết định kỷ luật đúng hay sai. Nếu luật sư muốn khiếu nại quyết định kỷ luật của đoàn thì gửi đơn đến ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Do đó, nếu tòa án thụ lý vụ kiện bộ trưởng Bộ Tư pháp thì dễ đẩy luật sư vào thế "chưa kiện đã thua". Vì Bộ Tư pháp nói rằng chỉ thu hồi chứng chỉ theo quy trình".
Ít luật sư chọn con đường khởi kiện
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng quy định tòa chỉ thụ lý khởi kiện của luật sư khi có quyết định của Bộ Tư pháp là kẽ hở của Luật luật sư. Cho nên thời gian qua số luật sư bị kỷ luật khá nhiều nhưng ít luật sư lựa chọn con đường khởi kiện.
"Nếu luật sư bị kỷ luật đúng thì không sao. Còn như bị kỷ luật sai thì hầu như các luật sư không có cơ hội được minh oan. Nhất là khi ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam kết luận việc kỷ luật xóa tên luật sư là đúng thì các luật sư sẽ bị tước đi cơ hội hành nghề" - ông Ứng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận