11/05/2017 16:00 GMT+7

​Loãng xương và những điều cần biết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu nên rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên.

Loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới sau mãn kinh và là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.

Vì sao loãng xương?

Loãng xương thường gặp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh (50-55 tuổi) do buồng trứng ngừng hoạt động làm cho lượng estrogen của buồng trứng sụt giảm nhanh chóng và đột ngột.

Estrogen có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển, kéo dài tuổi thọ của tế bào tạo xương, cản trở quá trình sinh sản tế bào hủy xương, đổng thời tác động lên ruột làm tăng sự hấp thu canxi, tăng vận chuyển canxi từ máu vào xương để cho xương vững chắc. Mất đi sự bảo vệ estrogen, quá trình hủy xương theo tuổi tác càng gia tăng, quá trình tạo xương giảm, hấp thu và chuyển hóa canxi giảm là lý do chính gây bệnh loãng xương ở phụ nữ tuổi mãn kinh, làm quá trình loãng xương xảy ra sớm hơn, và hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới.

Loãng xương tiên phát có 2 tuýp (tuýp 1 và tuýp 2):

- Loãng xương tiên phát tuýp 1: xuất hiện từ trên 5 năm sau tuổi mãn kinh, còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. Đặc trưng của loãng xương này là sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay.

- Loãng xương tiên phát tuýp 2: liên quan đến tuổi, xuất hiện ở nữ nhiều gấp 2 lần nam, là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm, biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc (vỏ xương) cũng như xương xốp (bè xương). Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố quan trọng là giảm hấp thu canxi, giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường cận giáp trạng thứ phát.

Loãng xương thứ phát: Được phát hiện ở cả hai giới và thường là hậu quả của một số bệnh ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương.

Biểu hiện khi bị loãng xương

- Đau cột sống: đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp xảy ra sau 1 tuần và tương ứng với việc nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, ngã hoặc thực hiện một động tác sai. Tiếng kêu rắc khi vận động thường đi kèm với đau, có khi buộc phải nằm nghỉ.

- Biến dạng cột sống: thường nặng và sau nhiều năm mới xảy ra, lưng còng, xẹp đốt sống, chiểu cao giảm dần theo tuổi (sự giảm này có thể bằng hoặc giảm quá 12cm). Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm mào chậu. Đến giai đoạn này thì sự giảm chiều cao sẽ ngừng lại.

- Gãy xương: thường ở phần thấp cẳng tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống. Người bệnh cảm thấy đau cột sống và cảm giác mất đi sau nghỉ ngơi 4-6 tuần, không gây ra ép tủy; gãy xương đùi có thể nguy hiểm cho người bệnh vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới vận động trong tương lai; nén đốt sống thường xảy ra ở tuổi 55-70, còn gãy cổ xương đùi thường xảy ra muộn hơn; gãy xương chậu cũng thường xảy ra ở người lớn tuổi.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Chế độ ăn: chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. Nên chú ý thức ăn giàu canxi như: hải sản, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nhỏ nguyên vỏ, rau có màu xanh đậm, uống sữa giàu canxi, ăn chế phẩm từ sữa như yaourt, phomai,...

- Chế độ vận động: nên vận động, tập thể dục thường xuyên giúp vỏ xương dày lên. Vận động và dinh dưỡng phù hợp để giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả.

Đối với bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương trong các đợt đầu cấp nên cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Tuy nhiên, tránh để bệnh nhân bất động hoàn toàn. Cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng nằm lâu.

Phương pháp giữ gìn sức khỏe tốt nhất là phòng ngừa loãng xương từ khi còn rất trẻ. Nếu đã bị loãng xương thì nên điều trị tích cực, tăng cường vận động và thực hiện chế độ ăn uống bổ sung canxi để ngăn ngừa bệnh nặng thêm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên