19/01/2018 10:46 GMT+7

Lo ngại nguyên liệu trà sữa

L.ANH - MẠNH KHANG - XUÂN MAI
L.ANH - MẠNH KHANG - XUÂN MAI

TTO - Nhiều nguyên liệu trà sữa là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, bản thân trà sữa "xịn" cũng đã có thể gây già hóa, vô sinh...

Lo ngại nguyên liệu trà sữa - Ảnh 1.

Một bạn nữ uống trà sữa ly khổng lồ được bán với giá 12.000 đồng tại khu vực hồ Con Rùa, TP.HCM - Ảnh: MẠNH KHANG

Trong khoảng 20 ngày vừa qua, Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hai lô nguyên liệu trà sữa rất lớn không rõ nguồn gốc.

Vụ mới nhất phát hiện ngày 15-1, khi hai đội 1 và 6 Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an quận Từ Liêm kiểm tra kho của Công ty TNHH Heekcaa VN ở quận Nam Từ Liêm.

Tại thời điểm kiểm tra, quản lý thị trường đã phát hiện trên 220 túi trà loại 250gr, 630 gói bán thành phẩm chưa dán nhãn, 1.200 gói nguyên bao bì nhãn hiệu "cjwx" của nước ngoài. Khoảng một nửa trong số này đã được xé bao bì để đóng gói lại và dán nhãn mác sản xuất ở Việt Nam, cùng với nhiều hộp sữa đặc loại 5kg mang nhãn hiệu nước ngoài. Chủ lô hàng này chưa xuất trình được hóa đơn giấy tờ của nhiều mặt hàng trong lô hàng.

Hàng giả, hàng không rõ gốc gác

Ông Hoàng Đại Nghĩa, đội trưởng đội quản lý thị trường số 6 Hà Nội, cho biết cơ sở được kiểm tra kinh doanh mặt hàng trà sữa trân châu và trong số các mặt hàng được kiểm tra có một số hàng có hóa đơn chứng từ, số hàng không có hóa đơn chứng từ đang bị tạm giữ.

"Hành vi của công ty này có dấu hiệu kinh doanh hàng giả và cơ quan chức năng đang tiến hành định giá lô hàng. Đối với hành vi kinh doanh lương thực thực phẩm giả thì giá trị lô hàng trên 30 triệu đồng là chuyển xem xét xử lý hình sự" - ông Nghĩa cho hay.

Theo đại diện Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, rất nên kiểm nghiệm số lượng lớn trà sữa để đánh giá vì đối tượng sử dụng trà sữa đa số là học sinh sinh viên. "Nếu sản phẩm có chứa hóa chất hoặc có vấn đề chất lượng thì e ngại ảnh hưởng đến giống nòi và sức khỏe các cháu" - ông Nghĩa đề nghị.

Tại đại bản doanh bán buôn bánh kẹo, phụ gia, nguyên liệu cho ngành thực phẩm và đồ uống là phố Hàng Buồm (Hà Nội), từ lâu nay hồng trà, sữa bột, trân châu - thành phần món trà sữa loại nhập khẩu tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán rất phổ biến.

Theo nhiều công thức được chia sẻ trên Internet và những "lời khuyên" từ các chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), muốn kinh doanh trà sữa có lợi nhuận cao thì đừng nên pha chế bằng sữa tươi hay sữa đặc mà phải dùng bột kem và các nguyên liệu giá rẻ khác. Tất cả các sản phẩm được giới thiệu đều không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Không nên uống mỗi ngày

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương cũng e ngại món trà sữa, do lượng đường khá lớn trong sản phẩm có thể làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì ở học sinh, sinh viên.

Hiện nay thị trường tràn lan dịch vụ bán trà sữa. Từ trà sữa có thương hiệu đến trà sữa xe đẩy, dù giá khác nhau từ mức sinh viên 12.000 - 15.000 đồng/ly hay đắt đỏ 50.000 - 60.000 đồng/ly, đều rất đông các bạn học sinh, sinh viên mua.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về thành phần dinh dưỡng trong trà sữa, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - nhấn mạnh ngay: "Trà sữa chỉ là thức uống ngon miệng chứ không nên xem là một loại "sữa" để uống hằng ngày".

BS Minh Hạnh phân tích trà sữa có thành phần chủ yếu là trà túi lọc, bột kem, đường hoặc sirô và có thể có thêm các thành phần khác như thạch, trân châu, bánh flan, phô mai... Mặc dù gọi là trà sữa nhưng thành phần hầu như không có sữa tươi nên không mang đến các dưỡng chất như sữa. Bột kem chứa chất béo là chính và ít chất đạm. Nếu dùng nhiều trà sữa sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì và dễ mệt mỏi.

BS Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM - cho biết mỗi ly trà sữa có mức năng lượng nạp vào cơ thể là 500 - 600 kilô calo, tương đương hơn một chén cơm đầy đủ rau thịt. Tuy nhiên, đủ về năng lượng nhưng lại thiếu hụt về dinh dưỡng, không cung cấp chất đạm, vitamin, chất khoáng, chất xơ...

"Hạt trân châu trong trà sữa có thành phần tinh bột, ăn vào sẽ vón cục khiến cơ thể xử lý, tiêu hóa chậm dẫn tới hiện tượng bụng lình xình, không cảm thấy đói. Uống trà sữa đã thiếu dinh dưỡng mà thêm bỏ bữa thì càng mất cân bằng dinh dưỡng" - BS Phương cho hay.

Nguy cơ già hóa, vô sinh

Theo BS Lưu Phương, "ghiền" trà sữa tức là đã nạp vào cơ thể một lượng lớn bột đường trong thời gian dài. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, làm các tế bào mau già hóa... Thành phần đường trong trà sữa thường là đường hóa học kết hợp với các hương liệu và chất phụ gia. Dù các chất này nằm trong danh sách cho phép sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu dùng một lượng quá nhiều mỗi ngày cũng không tốt.

BS Lưu Phương cho biết ở một số nước đã phát hiện trà sữa có chứa axit maleic gây suy thận, vô sinh. Hạt trân châu trong trà sữa làm từ chất polimer, cơ thể không hấp thụ và cũng không đào thải được. Uống nhiều trà sẽ làm hạn chế việc hấp thu chất sắt. Trà và sữa kết hợp sẽ làm kết tủa chất đạm trong sữa, cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng từ sữa.

Nguyên liệu trà sữa hết hạn

Ông Trần Trường Chinh, phó chánh thanh tra Sở Y tế Cần Thơ, cho biết qua kiểm tra an toàn thực phẩm các dịch vụ kinh doanh trà sữa trên địa bàn mới đây, vi phạm của các điểm kinh doanh trà sữa là điều kiện vệ sinh và dụng cụ pha chế chưa đảm bảo, buôn bán nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu trà sữa hết hạn, nguyên liệu pha chế không rõ nguồn gốc, không khám sức khỏe cho nhân viên...

Về quy trình chế biến trà sữa, với nhiều thành phần nguyên liệu đa dạng tự chế biến hoặc nhập (chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc), nên nếu không tuân thủ về an toàn thực phẩm rất dễ xảy ra ngộ độc...

T.LŨY

L.ANH - MẠNH KHANG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên