Phóng to |
Một góc phố ở Lệ Giang - Ảnh: SGTT |
Nào, lên đường
Với dân du lịch bụi thích lê la và ngân sách luôn ở mức thấp nhất như chúng tôi thì máy bay không được lựa chọn làm phương tiện cho chuyến đi này. Để đến Lệ Giang, chúng tôi chọn đường Hà Khẩu, giáp ranh với Lào Cai làm hướng đi chính. Từ Hà Nội, đi tàu lên Lào Cai, làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, rồi bắt xe buýt thẳng tới Côn Minh với quãng đường 500 cây số. Ở Côn Minh, điều không thể bỏ qua chính là... đi ăn lẩu nấm. Hẳn bạn sẽ không hối tiếc khi đã nếm món lẩu gà ác với mười mấy loại nấm tươi đặc sản chỉ có ở Trung Quốc này.
Ngay trong đêm, chúng tôi bắt tàu từ Côn Minh đi Đại Lý, kinh đô cổ của nước Đại Lý thời xưa. Với 90 tệ (180.000đ) là có một vé nằm cho quãng đường dài 600 cây số. Một đêm trôi qua với giấc ngủ êm đềm nhờ tàu chạy êm và chăn rất ấm, mở mắt thức dậy chúng tôi đã thấy mình ở Đại Lý. Từ đây, mua vé xe buýt đi Lệ Giang không khó lắm, vì không có nhiều du khách lựa chọn phương tiện này. Trên xe toàn là nông dân cùng những bao tải nông sản. Sau 5 tiếng ngồi xe, chúng tôi là những người khách cuối cùng xuống bến.
“Venice của phương Đông”
Theo hướng dẫn trong cuốn guide book Lonely Planet, chúng tôi gọi điện đến một nhà nghỉ và nghe trả lời bằng một giọng tiếng Anh tốt đến ngạc nhiên. Chúng tôi quyết định vác balô đi bộ đến nhà nghỉ Dong Ba, nhưng không tài nào tìm ra đường trong cái mê cung của những con phố lát đá. Thế là đành phải nhờ ông già lái xe lôi dẫn đường.
Đô thị cổ Lệ Giang (tỉnh Vân Nam) thường được biết đến dưới tên gọi Đại Nghiên cổ trấn, nơi sinh sống của các dân tộc Bạch (Bai), Nạp Tây (Naxi) và Tạng, trong đó người Naxi chiếm đa số. Có lịch sử hơn 800 năm, Lệ Giang nổi tiếng về hệ thống đường thuỷ và cầu cống, nên còn được gọi là “Venice của phương Đông”. Đáng tiếc là 1/3 thành phố cổ đã bị phá huỷ bởi trận động đất vào tháng 2 năm 1996. Nhờ sự đầu tư khôi phục của chính phủ và các tổ chức quốc tế, Lệ Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đô thị cổ Lệ Giang đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1997.
Phóng to |
Người cho thuê ngựa - Ảnh: SGTT |
Nước chảy từ trên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn, ngọn núi quanh năm tuyết phủ trắng xoá ở cách đó chừng 20km. Đứng từ một vọng lâu ở Lệ Giang có thể nhìn rõ đỉnh núi tuyết phủ cao 6.000m này.
Điều đặc biệt ở Lệ Giang còn là những con đường lát đá phiến bóng loáng dưới ánh nắng sớm. Buổi sáng, khi sương vẫn còn giăng nhẹ không gian, khi những người bán hàng quà sáng lục tục dọn hàng, người dân nơi đây mở cửa, xách xô múc nước từ dưới suối lên rửa đường. Đều đặn như một thói quen từ hàng trăm năm nay. Có lẽ nhờ đó mà những phiến đá lát đường mới có độ sáng bóng đến kỳ lạ! Ở đây, cũng sẽ chẳng nhìn thấy một cọng rác nào, vì những thùng rác bằng gỗ sạch sẽ nằm ở khắp nơi, bao giờ cũng là một cặp - một đựng rác tái chế, một đựng rác không tái chế.
Cũng là một “kỳ quan” đáng trầm trồ là cái nhà vệ sinh công cộng. Chỉ mất một hào, bạn sẽ được sử dụng những nhà vệ sinh vừa sạch vừa đẹp. Hoa tươi, nhà gỗ, những cô thu tiền trẻ trung, tươi tắn... Nếu chỉ thoáng nhìn qua, bạn sẽ nghĩ đó là một cái nhà cổ nào đó trong toàn bộ quần thể này.
Phóng to |
Người dân Lệ Giang thật khéo biết cách làm du lịch. Mọi thứ đều sạch sẽ, dễ chịu, nhỏ nhắn, xinh xắn... Từ đồ lưu niệm đến những quán ăn ngoài vỉa hè, những chiếc cầu đá cong cong bắc qua những con kênh hay những giàn hồng leo lắt lẻo hoa, những quán cà phê đầy phong cách. Những bà cụ người Naxi đầu đội mũ Mao Trạch Đông, lưng đeo những tấm da cừu đủng đỉnh đi lại trên phố, ngồi đánh bài chăm chú ở khu quảng trường hay múa những điệu múa truyền thống vào các buổi sáng...
Những quán ăn bếp lửa xì xèo tiếng dầu mỡ lúc nào cũng có người ghé vào, những quầy hàng bán bánh bábá lúc nào cũng tấp nập du khách nội địa vào mua, những ly nước giải khát mát rượi của bà cụ ven đường. Những ông già trầm tư đánh cờ hay đọc sách sưởi nắng trên những chiếc ghế gỗ kê dọc bờ sông, những anh chàng hippy tóc dài bụi bặm ngồi uống trà trên những tấm lông thú hay những sinh viên mỹ thuật say sưa bên giá vẽ... Tất cả đều đem lại cảm giác cực kỳ thú vị và thực sự là rất Trung Hoa!
Ở đây, người ta cũng khéo biết cách huyền thoại hoá sự vật, sự việc. Từ những chiếc giếng cổ, những con đường, cây cầu, cho đến những chiếc chuông gió...
Năm 1995, một người Trung Quốc tên Bunong tìm cách buôn chè từ Dian (Vân Nam) đi Tây Tạng. Trên con đường thiên lý dễ khiến người ta bỏ cuộc, người lái buôn độc mã ấy luôn giữ mình tỉnh táo trước tiếng kêu đều đều của chiếc chuông treo trên cổ ngựa. Một ngày kia, ông nhặt được hai miếng gỗ và quyết định vẽ hình sông Mekong và núi tuyết Meili lên đó. Một chiếc ông treo vào chiếc chuông, chiếc còn lại đeo vào cổ.
Chi phí ước tính cho chuyến đi Lệ Giang bằng máy bay: - Vé máy bay HAN - KMG - HAN: 175 USD (đã bao gồm thuế và phụ thu xăng dầu) - Lệ phí sân bay Nội Bài: 14 USD/người - Taxi từ sân bay Côn Minh về trung tâm: 8 nhân dân tệ (NDT)/người - Tàu Côn Minh - Đại Lý: 90NDT/người - Xe buýt đi trong thành phố Đại Lý: 3NDT/người - Xe buýt Đại Lý - Lệ Giang: 40NDT/người - Tiền phòng trọ: ít nhất 80NDT/phòng 2 người |
Từ câu chuyện này, một cửa hàng chuyên bán chuông gió Bunong đã được dựng lên ở Lệ Giang. Cửa hàng được trang trí khá đẹp, toàn bộ không gian tầng 1 được dành hẳn cho việc xếp đặt và kinh doanh chuông gió, có cả một thư viện nho nhỏ ở trên tầng 2 để du khách tham khảo, thư giãn. Điều đặc biệt là ở ngoài cửa ra vào, lúc nào cũng có một người đàn ông ngồi gõ chuông để thu hút sự chú ý. Dù giá một chiếc chuông loại này không hề rẻ - 80 đến 120 tệ (160.000 - 240.000đ), khách du lịch vẫn mua nườm nượp vì ai cũng mong mình gặp may mắn và vì thái độ bán hàng cực kỳ hiếu khách của người chủ.
Đêm của niềm vui bất tận
Nhiều người khẳng định đến Lệ Giang mà không đi ra phố vào ban đêm thì coi như... chưa đến Lệ Giang! Và quả thật, khi cả đô thị cùng thắp đèn lồng thì bạn mới cảm nhận được hết ý nghĩa của nhận xét trên.
Khắp quảng trường Sifang ở trung tâm phố cổ, người người đi lại, mua bán như mắc cửi. Ở hai bên dòng kênh chính, trên phố Xinhua, các quán bar đông nghịt người ăn uống, nói cười và hát đối vui như trẩy hội.
Hãy thử tưởng tượng thế này: bạn ngồi trong một quán bar A bên này kênh cùng với một vài người bạn, hoặc chỉ là những người cùng bar, bạn sẽ hát lên một bài, kết thúc ở một từ hay một câu nào đó. Mọi người ở bar của bạn sẽ nhao nhao lên và thách những người ở quán bar B bên kia bờ kênh hát tiếp hoặc hát đúng từ bạn đã kết thúc trước đó. Cứ mỗi lúc thách đấu như thế, cả bờ sông bên này lại nhao nhao lên "Yaso, yaso, yayaso". Cả 500m phố dọc bờ sông, rất nhiều đám hát đối nhao lên như thế. Bạn sẽ thấy mình thật tự nhiên hoà mình vào một đám nào đó, cũng thấy mình gào đến khản cổ “Yaso, yaso, yayaso”. Và bạn sẽ thấy thật là “vui dã man!”.
Còn nếu bạn không thích đám đông náo loạn ấy, chỉ cần chọn cho mình một đồ uống, vài món ăn địa phương như cá nướng kiểu Naxi hay thịt lợn hun khói Sanchuan, và yêu cầu một anh chàng hát rong đẹp trai hay một người thổi kèn trumpet nào đó chơi một bản gì đấy. Thế là đã quá đã cho một buổi tối lạnh tê tái ở vùng thung lũng nơi núi cao này...
Và từng ấy thứ đã đủ khiến chúng tôi mê mẩn, đã thấy quá xứng đáng cho quãng đường gần 2.000km mà mình đã đi qua và sẽ trở về...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận