24/01/2011 06:43 GMT+7

Lằn ranh của quà tặng

PHAN BÁ(vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương)
PHAN BÁ(vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương)

TT - Trong giao tiếp hằng ngày, người ta thường trao cho nhau những tặng phẩm để lưu niệm, để giới thiệu sản phẩm, sáng kiến của mình và cũng có thể để trả ơn người khác vì một sự giúp đỡ nào đó. Tặng quà là một nét văn hóa lâu đời, nhất là ở các nước phương Đông. Người VN luôn tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây là đạo lý tri ân tốt đẹp và phải gìn giữ.

5JTRwLXy.jpgPhóng to
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Quà cáp với ý nghĩa trong sáng và chân tình là điều đáng duy trì. Tuy nhiên, nhiều khi thực tế cuộc sống khiến nét văn hóa tặng quà đã biến tướng thành tệ tham nhũng. Người đưa hối lộ núp dưới danh nghĩa “quà tặng tình cảm” để mua quyền mua lợi. Người có chức vụ quyền hạn nhận quà tặng, đổi lại sẽ có những hành vi ưu ái trái pháp luật cho người tặng quà. Việc mua quyền bán chức được che đậy khéo léo dưới danh nghĩa “quà tặng” và việc “tặng quà” chộn rộn nhất mỗi thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Để phòng ngừa tham nhũng đội lốt quà tặng, ngày 10-5-2007 Thủ tướng ban hành quyết định số 64/2007 về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Quy chế này quy định rất rõ các loại quà tặng, nghiêm cấm việc dùng công quỹ làm quà tặng và đặc biệt nghiêm cấm đơn vị, cá nhân nhận quà có liên quan đến hoạt động công vụ... Nếu nhận quà có giá trị đến 500.000 đồng phải báo cáo và nộp lại theo quy định.

Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức vi phạm quy chế sẽ không được xét thi đua, khen thưởng. Trước 15-11 hằng năm, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện quy chế này. Đến năm 2009, Thanh tra Chính phủ thống kê được trong năm có 265 người nộp lại quà tặng với giá trị 1,4 tỉ đồng. Năm 2010 chỉ có 20 người nộp lại quà tặng giá trị 123 triệu đồng. Có vẻ như việc biếu xén, tặng quà đã giảm bớt?

Đến nay chưa có khảo sát chính thống về kết quả và đánh giá hiệu quả việc thực hiện quy chế này. Chỉ biết rằng thực tế đời sống hằng ngày chúng ta thấy thói quen tặng quà, nhận quà tặng không trong sáng vẫn còn diễn ra khá bình thường. Nhiều người có trách nhiệm cho rằng rất khó phát hiện quà tặng nào là vi phạm, do đó không thể giám sát được ai nhận quà sai quy định mà không nộp lại để xử lý.

Điều đó có nghĩa là quy định của Nhà nước về phòng ngừa tham nhũng đã không được thực thi một cách nghiêm túc so với diễn biến của “nạn” tặng quà. Thủ đoạn và mưu mô của tham nhũng ngày càng tinh vi nhưng văn bản nhà nước chỉ phát huy hiệu lực một cách hạn chế là điều cần xem lại. Nhất là hiện nay, chuyện tặng quà là vấn đề nhạy cảm và khó mà phân biệt lằn ranh giữa quà tặng tình cảm, ơn nghĩa, đạo lý với việc mua bán.

Chúng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao về việc bài trừ tham nhũng, nhưng cần phải có hành động chính trị quyết liệt hơn. Cần có ngay biện pháp thực thi nghiêm túc quy định về cấm nhận quà có giá trị lớn. Chỉ có thực thi nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp đã đề ra mới có thể đạt được mục tiêu “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng” trong việc cụ thể và phổ biến hiện nay là quà tặng. Đối với việc chống tham nhũng, giải pháp đề ra mà thực thi không nghiêm thì tình hình có thể xấu hơn là không có giải pháp.

PHAN BÁ(vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên