26/02/2019 10:27 GMT+7

Lại loạn liên kết đào tạo

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng (CĐ), kể cả các công ty liên kết với các trường ĐH tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, liên thông ĐH trái quy định. Chuyện xảy ra không chỉ ở địa bàn TP.HCM mà còn tại các tỉnh, thành khác.

Lại loạn liên kết đào tạo - Ảnh 1.

Phòng tuyển sinh chương trình liên thông ĐH, ĐH chính quy tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM - Ảnh: M.G.

Tràn lan liên kết đào tạo

Sáng 22-2, chúng tôi đến phòng tuyển sinh tại nhà G, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM, nơi nhận hồ sơ tuyển sinh, tổ chức đào tạo các chương trình liên thông ĐH chính quy, văn bằng 2 chính quy của Trường ĐH Thành Đông và Trường ĐH quốc tế Bắc Hà tại TP.HCM... Trên bàn làm việc của nhân viên có danh sách lớp của nhiều chương trình khác nhau.

Chúng tôi hỏi về chương trình văn bằng 2 chính quy ngành kinh tế xây dựng, nhân viên này khuyên: nên học ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp bởi số lượng người đăng ký học nhiều, đầu tháng 3 sẽ mở lớp, ngành kinh tế xây dựng mới chỉ có vài người đăng ký chưa biết khi nào khai giảng.

Ngoài hai ngành này, nơi đây còn tuyển sinh nhiều ngành khác như kỹ thuật xây dựng, xây dựng cầu đường. Những ngành này được tuyển sinh và đào tạo ở Đồng Nai (tại Trường CĐ Thống kê 2) và Bình Phước (KCN Đồng Xoài 1).

Theo tìm hiểu, văn phòng tuyển sinh này tự giới thiệu là "tổ hợp công nghệ giáo dục" với sứ mệnh hỗ trợ tuyển sinh cho 25 trường trung cấp, CĐ, ĐH tại khu vực phía Nam và Tây Nguyên, có hàng loạt trang web chuyên biệt cho từng nhóm ngành với tên miền dễ gây nhầm lẫn như truongxaydunghcm.edu.vn, truongsuphamtphcm.edu.vn, truongluathcm.edu.vn...

Không chỉ tổ chức tuyển sinh, đào tạo ĐH, liên thông ĐH, đơn vị này còn liên kết tổ chức tuyển sinh đào tạo trung cấp mầm non, tiểu học, các chứng chỉ sư phạm bậc mầm non, tiếng Anh, tin học...

Một đơn vị khác cũng tự xưng là "hệ thống giáo dục", rầm rộ quảng bá tuyển sinh đủ các cấp bậc từ thạc sĩ, ĐH đến cấp chứng chỉ ngắn hạn là hệ thống giáo dục Đất Việt, Trường kỹ thuật Đất Việt, thông báo tuyển sinh hàng chục khóa học khác nhau từ bậc thạc sĩ, ĐH đến chứng chỉ hiệu trưởng mầm non, an toàn lao động...

Nhấp vào mục đào tạo ĐH trên mạng thì liên kết chuyển về trang web Trường trung cấp quốc tế Sài Gòn có địa chỉ ở đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM. Thông báo tuyển sinh thạc sĩ quản lý giáo dục học tại Gò Vấp, ở phần văn bằng, hệ thống này cho biết "sau khi tốt nghiệp khóa học, học viên sẽ nhận được bằng thạc sĩ quản lý giáo dục do Trường kỹ thuật Đất Việt và các đơn vị liên kết cấp".

Không chỉ các đơn vị "tự xưng", ngay cả các trường chính danh cũng tuyển sinh tràn lan. Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước (địa chỉ tại KCN Đồng Xoài) thông báo tuyển sinh hàng loạt ngành bậc ĐH, liên thông ĐH như mầm non, luật kinh tế, điều dưỡng, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, tài chính ngân hàng, kế toán, CNTT. Đối tác cấp bằng là Trường ĐH Thành Đông, có hẳn một trang web daihocbinhphuoc.edu.vn ghi: Trường ĐH Thành Đông, cơ sở Bình Phước.

Mạo xưng trường để tuyển sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Ngọc Tiến - hiệu trưởng Trường CĐ Vinatex - cho biết trường hoàn toàn không tham gia hoạt động liên kết với ĐH Thành Đông hay Quốc tế Bắc Hà. Giảng viên của trường cũng không tham gia giảng dạy bất kỳ môn học nào. Trường chỉ cho đối tác thuê cơ sở làm văn phòng tuyển sinh và hoạt động.

Một cán bộ Phòng giáo dục nghề nghiệp Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết hoàn toàn không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào đăng ký hoạt động với tên gọi Trường kỹ thuật Đất Việt. Tất cả các trường muốn hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải đăng ký với tên gọi trường trung cấp, trường CĐ chứ không có tên gọi chung chung như vậy. Chúng tôi cũng xác minh từ Bộ GD-ĐT và hoàn toàn không có cơ sở nào của Trường ĐH Thành Đông tại Bình Phước được cấp phép.

Trường trung cấp Luật Vị Thanh (Hậu Giang) tuyển sinh nhiều lớp nghiệp vụ đến ĐH, thạc sĩ và cả tiến sĩ. Năm 2018, trường này thông báo tuyển sinh hàng loạt ngành bậc ĐH, thạc sĩ liên kết với các trường ĐH Hòa Bình, ĐH Tài chính ngân hàng Hà Nội, Luật Hà Nội.

Trong đó nhiều ngành thuộc khối kinh tế, chẳng liên quan gì đến ngành đào tạo chính bậc trung cấp của trường. Trường CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng, CĐ Du lịch - thương mại Nghệ An cũng liên kết với nhiều trường ĐH tuyển sinh thạc sĩ.

Theo quy định về liên kết đào tạo, đối tượng tham gia liên kết đào tạo là cơ sở giáo dục ĐH; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trường của cơ quan nhà nước; trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân; trung tâm GDTX cấp tỉnh. Các lớp liên kết đào tạo phải đặt tại cơ sở chính của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo, hoặc cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo.

Với việc đào tạo thạc sĩ, địa điểm đào tạo là trụ sở của cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trước khi cho phép mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Trong trường hợp cần thiết, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo, kể cả tại phân hiệu của cơ sở đào tạo (nếu có).

Vừa phạt xong đã cấp phép liên kết

Ngày 31-1-2019, Bộ GD-ĐT ra quyết định cấp phép cho Trường ĐH Đà Lạt liên kết đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học trình độ ĐH với Trường ĐH Khánh Hòa với 4 ngành. Trước đó ngày 4-12-2017, thanh tra Bộ GD-ĐT đã có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với Trường ĐH Đà Lạt vì tổ chức liên kết đào tạo trình độ ĐH vừa làm vừa học với Trường CĐ Giao thông vận tải 3, Trường CĐ Nghề Bình Thuận và TTGD thường xuyên Ninh Thuận. Quyết định này còn nêu tình tiết tăng nặng: từ năm 2012 đến 2017, Trường ĐH Đà Lạt đã tổ chức liên kết đào tạo với 11 cơ sở, trong đó có Trường ĐH Khánh Hòa.

Trong khi đó, theo quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017, điểm e, khoản 2, điều 6 nêu rõ: điều kiện thực hiện liên kết đào tạo: không vi phạm các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan đến hoạt động đào tạo trong thời hạn 3 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo.

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2017, khi bị thanh tra bộ xử phạt do liên kết không được phép, trường đã khắc phục, báo cáo, giải trình với Bộ để được tiếp tục đào tạo.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường đều đáp ứng, chỉ thiếu thủ tục xin phép nên trong điều kiện tự chủ đại học, bộ chuyển sang xu hướng quản lý chất lượng, không nặng về cơ chế cấp phép. Quy định chế tài xử lý trong 3 năm không cho phép liên kết chủ yếu nhằm phòng ngừa việc liên kết không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Nên xem lại việc đào tạo liên kết Nên xem lại việc đào tạo liên kết

TTO - Thời gian qua thanh tra Bộ GD-ĐT liên tục phát hiện và xử phạt hàng loạt các đơn vị sai phạm về liên kết đào tạo trên cả nước.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên