10/01/2011 15:31 GMT+7

La Masia, trường dạy "phép thuật" tại châu Âu

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Khuya nay 10-1, tại Zurich, Thụy Sĩ sẽ xướng tên cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2010. Dù Messi, Xavi hay Iniesta đoạt được danh hiệu cao quý này thì đó cũng sẽ là một thắng lợi to lớn của La Masia, trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ của Barcelona.

Fi72DWr0.jpgPhóng to
Ba chàng ngự lâm pháo thủ của trường La Masia - Ảnh: Barcelona.cat

Trong quá khứ, Milan đã từng có cả ba cầu thủ xếp nhất nhì ba tại lễ trao quả bóng vàng, vào năm 1988 (Marco Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard) và năm 1989 (Marco Van Basten, Franco Baresi, Frand Rijkaard).

Xét về quốc gia, Hà Lan và Đức cũng từng thống trị với việc đoạt cả ba danh hiệu, vào năm 1989 của Hà Lan và năm 1981 của Đức (Karl-Heinz Rummenige, Paul Breitner, Bernd Schuster).

Tuy nhiên chưa bao giờ như năm 2010 khi cả ba danh hiệu Quả bóng vàng, bạc và đồng thuộc về ba cầu thủ trưởng thành từ cùng một trường đào tạo cầu thủ trẻ. Và đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trường đào tạo La Masia có được Quả bóng vàng.

Xa hơn, trong đội hình tuyển Tây Ban Nha đăng quang tại World Cup 2010, có đến chín cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia và trong đội hình Barcelona vô địch Champions League 2008-2009 có đến bảy.

A8nWCycC.jpgPhóng to
Trường La Masia - Ảnh: wikipedia

Vậy bí quyết của La Masia là gì?

La Masia là một tòa nhà nhỏ xây dựng vào năm 1702 trước khi được Barcelona mua lại vào năm 1957. Từ năm 1966, nó được dùng làm văn phòng của đội bóng rồi đến năm 1979 chính thức trở thành nơi đào tạo cầu thủ trẻ của đội bóng.

Thành công như ngày hôm nay của La Masia có công rất lớn của huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff, người "bỏ nhỏ" với chủ tịch Barcelona lúc bấy giờ ông Josep Nunez về một ý tưởng thành lập trường đào tạo cầu thủ trẻ.

Guillermo Amor là cầu thủ đầu tiên tốt nghiệp trường vào năm 1988, hai năm sau đó đến lượt thủ môn Carles Busquets (cha của Sergio Busquets) và Pep Guardiola. Cả ba cầu thủ này sau đó đều được sử dụng thường xuyên trong đội hình chính thức của Barcelona.

Hiện nay là giám đốc thể thao và bóng đá trẻ của Barcelona, Guillermo Amor nói với AP: "Các cầu thủ trẻ cần cơ hội - tất cả mọi người đều cần thời gian. Những cầu thủ như Xavi hay Iniesta cần 10 năm để đạt trình độ nhất định.

Tại La Masia có khoảng 200 cầu thủ tuổi từ 7 tới 18, được đội bóng chia thành 13 nhóm tuổi. Tất cả đều được dạy với cùng triết lý và hệ thống bóng đá, tiki-taka.

rjYdSDJh.jpgPhóng to
Đây là bức ảnh được dán ở ngay lối vào La Masia. Ảnh được chụp năm 1992 từ trái sang Guillermo Amor, Alber Ferrer, Josep Mussons và Josep Guardiola - Ảnh: wikipedia Trong ảnh có dòng chữ bằng tiếng Catalan "Bằng nỗ lực và hy sinh, bạn cũng sẽ đạt được. Hãy làm đi, rất đáng".

Carles Folguera, giám đốc của La Masia từ năm 2001 đến nay cho AP biết: "Phải phát triển song song con người và bóng đá ở một cầu thủ. Ở đây tất cả chúng tôi nói cùng một thứ ngôn ngữ. Chúng tôi muốn dạy những đứa trẻ thành một con người - cầu thủ tốt hơn. Chúng tôi dạy họ về sự kính trọng, làm việc nhóm, khiêm nhường, hy sinh, thực hiện và đạt được. Chúng tôi dạy họ phải kính trọng ông đầu bếp cũng ngang như huấn luyện viên dạy họ".

Trong giáo trình huấn luyện cầu thủ trẻ tại La Masia còn có các đề tài như giáo dục giới tính, sự nguy hiểm của ma túy, sự nổi tiếng và đạo đức dẫn đến thành công....

Lối giáo dục của La Masia rất nhân văn nhưng cuộc sàng lọc tại đây là cực kỳ khắc nghiệt. Mỗi năm các cầu thủ trẻ phải ở đây 10 tháng và cuối mỗi năm, huấn luyện viên sẽ đọc tên những người được tiếp tục học. Những người khác ra về.

SWYWR0kL.jpgPhóng to
Một bữa ăn của các cầu thủ trẻ Barcelona tại La Masia - Ảnh: Barcelona.cat

Cứ như vậy, cuối cùng chỉ có khoảng 10-15% cầu thủ trẻ tại La Masia trở thành ngôi sao bóng đá; 30-40% khác kiếm sống bằng bóng đá chuyên nghiệp ở các đội yếu. Trong 30 năm qua, chỉ có 500 cầu thủ tốt nghiệp La Masia, trung bình gần 17 người/năm.

Ngoài ra trường còn có một đội ngũ đông đảo những người chuyên săn tài năng trẻ và Messi đã được đưa về đây năm 13 tuổi bằng cách này. Ông Guillermo Amor nói: "Chúng tôi tìm kiếm những tài năng, không kể địa lý. Chúng tôi đã đưa Messi từ Argentina về đây từ năm 13 tuổi bởi vì chúng tôi biết cậu ta có tài".

Đến 2012, La Masia sẽ đóng cửa và hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của Barcelona sẽ chuyển về một nơi mới hơn, hiện đại hơn bên bờ Địa Trung Hải. Thời gian, không gian có thể thay đổi nhưng ý tưởng của Barcelona là giữ nguyên: "Ký hợp đồng với những cầu thủ trẻ có tư chất mà không mua những cầu thủ đã trưởng thành với giá cao".

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên