14/08/2019 11:22 GMT+7

Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sau hơn 30 năm im lặng không trả lời đơn thư tố cáo của công dân, mới đây Công an Bình Thuận đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Công an. Công an Bình Thuận khẳng định có nhiều dấu hiệu cho thấy Trương Đình Khôi (Lê Minh Sơn) liên quan vụ án.

Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố - Ảnh 1.

Điều tra viên Nguyễn Sỹ Nam (trái) và anh Đỗ Thanh An - con trai nạn nhân - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Năm 2017, anh Đỗ Thanh An mang đơn tố cáo đến báo Tuổi Trẻ. Thời điểm đó, báo Tuổi Trẻ có hỗ trợ anh An mang hồ sơ và đơn tố cáo đến Bộ Công an.

Một phần, vì sợ nếu thông tin được đăng trên báo, Lê Minh Sơn bị đánh động sẽ bỏ trốn, bởi thông báo truy tìm ông Sơn của Công an Bình Thuận vẫn còn hiệu lực.

Mặt khác, chúng tôi cũng tin rằng với sự vào cuộc của Bộ Công an sẽ làm sáng tỏ ông Sơn có liên quan đến vụ án hay không.

Từng nghi vấn người gây án là Trương Đình Khôi

Ngày 1-7, phóng viên Tuổi Trẻ đến Công an Bình Thuận đề nghị được làm việc về đơn tố cáo của anh Đỗ Thanh An.

Ngày 3-7, Công an tỉnh này đã ký văn bản gửi Bộ Công an xin ý kiến để trả lời đơn tố cáo về cái chết của mẹ anh An xảy ra vào ngày 31-7-1980.

Theo báo cáo, vào khoảng 16h20 ngày 31-7-1980, bà Phan Thị Khanh đi từ nhà vào rẫy (cách nhà 3km) để hái bắp.

Đến gần 19h cùng ngày, mọi người trong gia đình không thấy bà Khanh về nên tổ chức đi tìm, phát hiện bà Khanh nằm chết gần rẫy sát quốc lộ 1. Sau đó công an đã khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc.

Kết quả điều tra cho thấy bà Khanh bị nhiều vết thương trên cơ thể. Các vết thương trên đầu làm bà bể hộp sọ, ngón tay cái của bàn tay phải bị đứt một đốt và các vết thương ở lưng.

Trong chiếc túi vải buộc quanh lưng còn chùm chìa khóa. Người thân khai trong túi vải bà Khanh có 1,6 lượng vàng nữ trang bị lấy mất.

Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án giết người cướp của theo sắc lệnh số 03/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Một báo cáo của Công an Bình Thuận khẳng định Trương Đình Khôi (Trương Đình Chi) có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ án vì: thời gian điều tra từ 16h đến 17h ngày 31-7-1980 không ai biết Khôi làm gì, ở đâu, cùng với ai.

Trong báo cáo này, Công an Bình Thuận nhận định: điều kiện kinh tế của gia đình Chi (tức Khôi) khó khăn, con bệnh cũng không có tiền để chữa trị nhưng sau khi vụ án xảy ra, Chi có số tiền lớn để mua xuồng làm ăn.

Từ khi xảy ra vụ án đến nay Chi không về địa phương trong khi có chị em họ hàng ở xã Tân Minh. Vợ chồng Chi có dấu hiệu lẩn trốn không tìm được để làm việc, đồng thời thay tên đổi họ.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng vụ án là thật, nhưng thời hiệu điều tra chỉ có 20 năm mà thời gian xảy ra vụ án đến nay đã 39 năm, không còn thời hiệu để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.

Công an Bình Thuận cũng cho rằng thủ tục tố tụng theo sắc lệnh 03/1976 theo quy định hiện hành là không thể khắc phục được.

Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố - Ảnh 2.

Anh Đỗ Thanh An - con trai nạn nhân Khanh - gửi gắm nhiều điều với điều tra viên Nguyễn Sỹ Nam - Ảnh: H.Đ.

Điều tra viên từng giáp mặt ông Khôi nói gì?

Trong quá trình tìm hung thủ giết bà Phan Thị Khanh, một trong những điều tra viên mà anh Đỗ Thanh An tìm gặp là ông Nguyễn Sỹ Nam.

Ông Nam là người đã từng giáp mặt Trương Đình Khôi tại Hậu Giang (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) khi đi xác minh thông tin tố cáo của người dân.

Theo lời ông Nam, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Võ Tê và ông Tê thừa nhận giết người. Đến khi di lý lên Công an tỉnh, ông Tê kêu oan.

Nhận được tin tố cáo về nguồn tiền bất minh và sự giàu lên bất thường của Khôi, cơ quan điều tra đã cử ông Nam đi xác minh.

Theo lời kể của ông Nguyễn Sỹ Nam (đã nghỉ hưu), khi đó ông còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Đến Hậu Giang, ông đã thực hiện các bước nghiệp vụ để kiểm tra nhân thân của ông Khôi.

Với sự hỗ trợ của Công an huyện Long Phú, toàn bộ dân ngụ cư ở khu vực được tập hợp để kiểm tra giấy chứng minh nhân dân.

Việc kiểm tra này được Công an Long Phú thông báo là "nhằm thuận tiện cho việc đăng ký tạm trú", trong đó có 10 hộ dân đến từ Tân Minh. Bữa đó, ông Nam thu được một số chứng minh nhân dân, trong đó có ông Trương Đình Khôi.

"Ban ngày người ta đi làm nên phải đợi buổi tối mới yêu cầu người dân tới được. Buổi tối lại không có điện, chỉ thắp bằng đèn dầu.

Công an huyện Long Phú khi điểm danh đến Trương Đình Khôi thì tôi có hỏi ngoài tên Khôi ra còn tên gì khác nữa không, Khôi trả lời còn có tên là Trương Đình Chi.

Sau khi tạm giữ chứng minh nhân dân, tôi dặn Khôi cùng những người khác sáng mai lên khai báo để đăng ký tạm trú. Thế nhưng sáng hôm sau Khôi không quay lại mà bỏ trốn mất" - ông Nam kể.

Ông Nam cho rằng khi giáp mặt để đưa chứng minh nhân dân và cung cấp nhân thân, có thể ông Khôi đã nhận ra ông Nam chính là điều tra viên trong vụ án giết bà Phan Thị Khanh trước đó.

"Tôi còn nhớ khi xảy ra vụ án đến lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và hướng điều tra nhằm vào ông Võ Tê thì Trương Đình Khôi đều có mặt nên biết rõ về tôi. Có lẽ vì vậy mà anh ta biết tôi đến Hậu Giang với mục đích gì nên bỏ trốn liền" - ông Nam nói.

Nhật ký điều tra của ông Nam ghi rõ: "Ngày 6-12-1980, tôi lấy được lời khai của một người tại Long Phú.

Người này xác nhận đã nhìn thấy vàng, tiền của Trương Đình Khôi, đặc biệt trong đó có sợi dây chuyền mà theo mô tả thì phù hợp với sợi dây chuyền mà bà Khanh bị cướp".

Ông Nam cũng bày tỏ do còn thiếu kinh nghiệm nên đã để người bị tình nghi bỏ trốn mất. Ngay sau đó, ông Nam trở về làm báo cáo để xin lệnh bắt thì ông bị lãnh đạo cho "ngồi không" 22 ngày rồi bị điều chuyển đi nơi khác, kết thúc nhiệm vụ của mình ở vụ án bà Khanh.

"Từ trong thâm tâm tôi rất ray rứt với vụ án mạng của bà Khanh. Dù chưa hỏi được Trương Đình Khôi câu nào nhưng tôi thấy có căn cứ hắn chính là thủ phạm giết bà Khanh.

Sau này, An (Đỗ Thanh An, con bà Khanh) có đến tìm gặp tôi, khi tôi biết An không dám lấy vợ sinh con, dành cả cuộc đời để đi tìm kẻ giết mẹ mình thì tôi cảm thấy rất ân hận vì sai sót của mình" - ông Nam nói.

Day dứt về việc để trượt mất kẻ tình nghi nên sau này dù đã chuyển công tác về huyện, ông Nam vẫn dành thời gian để dò la tung tích của Trương Đình Khôi.

"Tôi đã dành nhiều tháng ròng đi các bến xe ở Sài Gòn để tìm những người trên chuyến xe đã chứng kiến việc bà Khanh bị giết.

Vì lúc đó, một chiếc xe khách chạy hướng vào TP.HCM đã gọi người dân ở khu vực đó đến cứu nạn nhân. Tôi đi bến xe Miền Đông, bến xe Lê Hồng Phong và các địa điểm có xe khách đường dài đậu để hỏi nhưng không tìm ra chiếc xe khách đó" - ông Nam kể.

Những câu hỏi của con trai nạn nhân

Chứng cứ ông Khôi liên quan đến vụ giết mẹ tôi đã có ngay từ đầu tại sao Công an Bình Thuận không bắt, không phát lệnh truy nã khi gặp mặt và thu giữ giấy chứng minh nhân dân sau 10 ngày xảy ra vụ án?

Tại sao Công an Bình Thuận lại kết thúc vụ án trong khi các đơn tố cáo của người dân và gia đình diễn ra liên tục?

Ai là người phải chịu trách nhiệm khi để vụ án trôi qua trong 39 năm khiến mẹ tôi chết oan ức, còn hung thủ thực sự thì sống nhởn nhơ?

Người ta bị bắt giam oan còn được minh oan và bồi thường, mẹ tôi bị giết, bị cướp tài sản tại sao không ai chịu trách nhiệm?

Trương Đình Khôi là người đi báo án

Đây là thông tin mà ông Nguyễn Sỹ Nam đưa ra khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Năm 1980 là thời điểm mà điện thoại chưa phổ biến nhưng Trương Đình Khôi lại là người báo thông tin về vụ án với cơ quan chức năng.

Ông Nam nêu thêm một nghi vấn: "Tôi nhớ là cứ đến phiên tôi hỏi cung, ông Võ Tê lại kêu oan, người khác hỏi cung thì Võ Tê lại nhận tội. Khi đó ngoài nguồn tố cáo của nhân dân về những hành vi bất minh của ông Khôi, tôi rà soát lại, thấy Khôi cũng là người có mặt tại hiện trường.

Một người thân của Khôi còn khai thấy Khôi rửa chân dưới suối, quần áo ướt hết trước khi phát hiện chị Khanh bị giết".

Kỳ tới: Không chỉ là sự thờ ơ của các cơ quan tố tụng trong việc truy tìm hung thủ, một người dân tại địa phương còn phải mang họa khi bị khởi tố, bắt giam oan. Sau khi được thả về, đến khi chết đi người này vẫn chưa được rửa oan.

Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Người 2 lần Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Người 2 lần 'biến mất' đầy bí ẩn

TTO - Sau khi bà Phan Thị Khanh bị giết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Võ Tê (một người dân ở địa phương), nhưng sau đó ông Tê được thả vì không đủ bằng chứng kết tội.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên