Đổi mới để thị trường vận hành tốt hơnGiảm thủ tục, tạo bình đẳng cho doanh nghiệpChính sách phải kịp thời, phù hợp
Phóng to |
Ông Lê Đăng Doanh |
* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Công khai hoạt động của bộ máy nhà nước
"Thực hiện thông điệp của Thủ tướng phải trở thành chương trình hành động rộng rãi của các ngành, các địa phương tích cực tham gia cải cách, thúc đẩy sự thay đổi thể chế, thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân" TS Lê Đăng Doanh "Báo chí nên mở ra diễn đàn như báo Tuổi Trẻ đang tiến hành để mọi người có thể hiến kế, tham gia rộng rãi vào việc thực hiện những định hướng của thông điệp" |
Thủ tướng đã bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân đang bức xúc với rất nhiều yếu kém của bộ máy và vi phạm quyền dân chủ hiến định của người dân.
Cải cách thể chế là nhiệm vụ đã được Đại hội XI đề ra, song đến nay chưa được triển khai có hệ thống và đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả mong đợi.
So sánh với thực trạng của thể chế hiện nay ở nước ta đang ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp, chắc chắn cần một chương trình cải cách toàn diện, cơ bản, có hệ thống để thực hiện nghị quyết của Đại hội XI của Đảng và thông điệp của Thủ tướng.
Chương trình cải cách này phải làm thay đổi hệ thống pháp luật cũng như phương thức ứng xử của công chức với người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi rất nhiều và đang tiếp tục thay đổi.
Yêu cầu của người dân về một cuộc sống an toàn, về môi trường sống trong sạch, về các quyền tự do, dân chủ phải được thực hiện để mưu cầu hạnh phúc đã thay đổi và ngày càng tăng lên. Thể chế phải đáp ứng các yêu cầu đó, nếu không, cần phải yêu cầu thay đổi.
Song, không nên mất thời giờ khoanh tay chờ đợi sự chuyển biến của bộ máy nhà nước, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hãy căn cứ vào thông điệp của Thủ tướng mà lên tiếng, phát hiện ra những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân.
Có thể yêu cầu bộ máy nhà nước các cấp bắt đầu thực hiện ngay một số hành động không tốn kém tiền bạc nhưng có thể đáp ứng những mong đợi của quần chúng và doanh nghiệp.
Trước hết là thực hiện đầy đủ nhất chế độ công khai, minh bạch về hoạt động của bộ máy nhà nước như lịch công tác, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (email) của các công chức.
Hay những việc họ đang giải quyết, thông tin về chi tiêu của cơ quan, chi phí hội nghị, đi công tác nước ngoài bao nhiêu... để người dân có thể giám sát, góp ý kiến, chất vấn trực tiếp một cách có hiệu quả. Qua đó, người dân và doanh nghiệp biết ai chịu trách nhiệm về ô nhiễm, ai chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn cuộc sống và cần yêu cầu ai giải quyết.
Quyền lực phải được giám sát để bảo đảm không bị lạm dụng bởi những nhóm lợi ích, mà quyền lực phải được thực hiện vì dân, bởi chính người dân.
Công khai quy trình bổ nhiệm công chức thông qua quá trình lựa chọn các ứng cử viên, đưa ra hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xem xét chương trình hành động, bỏ phiếu tín nhiệm là những biện pháp có thể thực hiện sớm để nâng cao sự giám sát độc lập trong quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Những ứng cử viên đó phải công bố công khai chương trình hành động, mục tiêu họ đặt ra cho công việc để người dân góp ý kiến và giám sát. Việc bổ nhiệm cần có thời hạn, có mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt được.
Ông Phạm Duy Nghĩa - Ảnh: T.Thắng |
* TS Phạm Duy Nghĩa:
Làm khó hơn nói rất nhiều
"Mọi thất bại cần có người chịu trách nhiệm cụ thể, người chịu trách nhiệm cho thất bại ấy phải ra đi, nhường chỗ cho những người có đủ năng lực và uy tín khác tiếp bước lãnh lấy trọng trách trước nhân dân" |
Thể chế là luật chơi, luật chơi được xác lập giữa những người tham gia cuộc chơi, tương tác giữa những người ấy duy trì và giữ cho luật chơi được ổn định. Như vậy có nghĩa là thay đổi thể chế rất khó nếu những người trong cùng cuộc chơi không bị thúc ép phải thay đổi.
Chẳng ai muốn tự túm tóc và hô rằng ta ơi hãy tự cao lên. Ta chỉ cao lên nếu đất dưới chân ta rung chuyển, sóng gào thét quanh ta đe dọa nhấn chìm chỗ ta đang đứng. Chỉ dưới sức ép ấy cái cân bằng giữ những người chơi bị phá vỡ, một luật chơi mới sẽ thai nghén được ra đời. Đó là thời điểm chín muồi nhú ra những thể chế mới.
Chúng ta cần sự oi bức trước cơn dông. Sự oi bức ấy làm cho việc thực hiện quyền lực công cộng không còn an nhàn với những phát biểu chỉ đạo chung chung và các cuộc úy lạo đầy màu sắc dân túy. Cần hối thúc trách nhiệm giải trình của những tổ chức và cá nhân nhận sự ủy trị từ nhân dân mà thực thi quyền lực trên đất nước chúng ta. Mọi lựa chọn chính sách cần được giải thích rõ ràng: vì sao, vì ai và sẽ được thực thi bởi ai, với chi phí và tổn thất ra sao.
Thể chế, tức luật chơi hiện hành, đang có lợi cho tổ chức và cá nhân đương quyền, luật chơi ấy có lợi và được chấp nhận cho các địa phương, cho các tập đoàn quốc doanh, cho bất kỳ tư nhân nào có quan hệ thân hữu với chính quyền.
Chẳng ai trong số những tác nhân ấy muốn thay đổi luật chơi. Chỉ có công nhân lao động, nông dân, doanh nghiệp tư nhân muốn quyền lực, tài nguyên và phúc lợi xã hội được chia sẻ công bằng hơn, thêm phần cho họ. Không chỉ ngồi ngoài đợi được chia phần, một khi họ sẵn sàng hơn đòi thêm quyền tham gia cuộc chơi, chỉ khi ấy sự oi bức trước cơn dông mới xuất hiện.
Muốn đầu tư lâu dài vào ruộng đất, nông dân cần quyền tài sản chắc chắn, lâu dài, ổn định, không dễ bị thu hồi. Muốn tham gia vào phúc lợi, công nhân cần tập hợp lực lượng, ngàn chiếc đũa rời rạc cần trở thành bó đũa chắc chắn, họ cần có năng lực đại diện để có tiếng nói chung khi thương thảo với giới chủ. Muốn tiếp cận thị trường, tư nhân cần tự do cạnh tranh, khống chế mọi độc quyền của doanh nghiệp nhà nước và khống chế cả quyền điều tiết của cơ quan hành chính. Những luật chơi mới cần mở rộng cửa đón thêm nhiều người chơi mới. Đó chính là những thể chế dung nạp mà Thủ tướng, thêm một lần nữa, gây được sự quan tâm của dư luận qua thông điệp đầu năm của mình.
Nói trúng và hay đã là quá quý, song từ lời nói tới hành động, gian khổ và có thể sẽ hiểm nguy hơn rất nhiều, nếu hành động ấy thách thức lợi ích của những tổ chức, cá nhân đang hưởng lợi từ luật chơi cũ. Xem thế, lại mới thấy, làm khó hơn nói rất nhiều.
Cần lập ngay và công bố rộng rãi đường dây nóng, hòm thư để người dân có thể góp ý kiến, phát hiện những vướng mắc trong công việc. Những ý kiến đó cần được công bố cho báo chí, hội đồng nhân dân biết để giám sát. |
____________________
* TS Trịnh Tiến Dũng (nguyên trợ lý giám đốc Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam):
Không thể làm theo cách đẽo cày giữa đường
Theo tôi, có rất nhiều việc trên nhiều lĩnh vực phải làm, cái nào cũng quan trọng và cấp bách nhưng không nên và không thể dàn hàng ngang để tiến, mà phải xác định được thứ tự ưu tiên.
Chỉ nên dồn sức vào những việc mang tính đòn xeo, có ý nghĩa chiến lược lớn. Một trong những việc như vậy là cải cách thể chế.
Tôi đồng tình cao với hầu hết ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung trên báo Tuổi Trẻ ngày 9-1. Tuy nhiên, tôi không thiên về việc sắp đặt lại bộ máy hành chính khi chưa có một tầm nhìn về đổi mới thể chế, mang tính chiến lược và có thiết kế thấu đáo để thực hiện nó.
Lâu nay ta đổi mới thể chế theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, chỉ giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách, trên ngọn, chưa giải quyết từ gốc nên chưa tạo được sự chuyển biến mang tính nền tảng, gốc rễ và bền vững.
Bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương hiện nay chính là hệ quả cụ thể của cách làm này. Nó vừa cồng kềnh, mang nặng tính hành chính, vừa chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lại bỏ sót nhiều nhiệm vụ tối quan trọng, nhất là quản lý việc cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Chúng ta chưa có hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước mang tính phục vụ phù hợp với cơ chế dựa trên tín hiệu của thị trường và lấy đối tượng phục vụ làm trung tâm.
Đổi mới thể chế khó có thể thu được kết quả mong muốn khi chưa xác định được tầm nhìn (vision) của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và lộ trình thực hiện nó.
Cái gọi là “Nhà nước nhỏ, thị trường lớn” hoặc tách riêng chức năng hoạch định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách (một bên) và bên kia là thực hiện chính sách thành những bộ phận độc lập với nhau... chính là xác định tầm nhìn nói trên.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc xác định tầm nhìn như vậy thì chưa đủ. Nó có thể ví như thiết kế tổng thể trong nghề xây dựng nhà ở.
Muốn thực hiện được cải cách thể chế phải có cả một bộ thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công cụ thể. Đó chính là lộ trình thực hiện tầm nhìn thể chế.
Theo tôi biết, Viện Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch - đầu tư) đã và đang thực hiện một dự án quan trọng nhằm xác định tầm nhìn nêu trên và thiết kế lộ trình thực hiện tầm nhìn đó. Nếu Chính phủ xem xét và khai thác tối đa kết quả của dự án đó để ban hành tầm nhìn đổi mới thể chế và cách thức thực hiện nó trong thời gian tới sẽ là bước đi cụ thể rất bổ ích để thực hiện thông điệp đầu năm của Thủ tướng.
Số liệu thống kê chưa đáp ứng yêu cầu Thông tin đáng tin cậy là điều kiện tối cần thiết cho quá trình ra quyết định của mọi chủ thể trong nền kinh tế thị trường, không chỉ của Nhà nước. Cách tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, nhất là số liệu thống kê theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu đó. Tương tự, việc để tồn tại song hành hai bộ riêng biệt về tài chính và kế hoạch - đầu tư, việc để Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ mà không phải là cơ quan độc lập như Kiểm toán Nhà nước, việc nhập Tổng cục Thống kê vào Bộ Kế hoạch - đầu tư, Tổng cục Hải quan vào Bộ Tài chính, việc để các cơ quan hành thuế trong cơ quan làm chính sách thuế trong cùng Tổng cục Thuế... như hiện nay là một trong những vấn đề đầu tiên cần xem xét hết sức thấu đáo trong quá trình thực hiện thông điệp của Thủ tướng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận