Xe
31/03/2012 08:29 GMT+7

Bán ôtô để chạy... phí

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Lo ngại gánh thêm các loại phí dự kiến sẽ được áp dụng, nhiều người đang tìm cách bán tống bán tháo những chiếc xe từng một thời là “niềm mơ ước”, trong khi các salon bán xe mới vắng bóng khách.

7hhR5Jko.jpgPhóng to
Khách hàng tìm hiểu mua ôtô đã qua sử dụng tại salon bán xe trên đường Phổ Quang - Ảnh: Thuận Thắng

Nhiều công ty mua ôtô cũ hiện đang từ chối mua vào do lượng khách bán xe quá nhiều, bãi xe không còn chỗ chứa. Trong khi các đại lý kinh doanh xe cũng cho biết lượng xe bán ra giảm mạnh...

Bỏ thì thương, vương thì tội

Đề nghị không thu thêm thuế

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) vừa gửi văn bản lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị ngừng việc thực hiện đề xuất liên quan đến các loại phí giao thông do Bộ GTVT đề nghị. Theo VAMA, việc sở hữu một chiếc xe phục vụ nhu cầu đi lại là một nhu cầu chính đáng, chưa kể người tiêu dùng đã phải chịu nhiều khoản thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng), phí, lệ phí (phí đăng ký - cấp biển số, phí xăng dầu...).

Hơn một tuần nay, anh Tùng (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) rao bán chiếc Ford Escape mua giữa năm 2010, xe vẫn còn mới cứng vì mới đi hơn 12.600km, nhưng hỏi mấy nơi đều được trả khoảng 550 triệu đồng. Với giá mua hơn 800 triệu (đã bao gồm thuế và phí), chưa kể xe còn được đầu tư thêm hàng loạt “đồ chơi” khác (camera lùi, đầu DVD, mấy cặp loa mới, kính cách nhiệt, lót sàn, bọc da ghế ngồi...), tính ra anh Tùng lỗ khoảng 300 triệu đồng, còn bị người mua “ép” bao luôn thuế trước bạ sang tên.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục giữ lại xe, ngoài khoản tiền gửi xe, xăng, bảo hiểm còn phải đóng thêm khoản phí lưu hành, phí vào trung tâm TP như các phương án đề xuất, tính ra số tiền đóng “hụi chết” mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng, một gánh nặng trong thời buổi khó khăn như hiện nay. “Công việc đi lại không nhiều, đi taxi hoặc cần thiết thì thuê xe đi coi bộ... kinh tế hơn” - anh Tùng nói.

Chỉ sau chưa đầy một năm tậu chiếc Ford Fiesta bốn cửa giá 520 triệu đồng (chưa kể thuế trước bạ, bảo hiểm...), chị Hồng Thúy (Q.Bình Tân) không còn hào hứng khi nói về “niềm mơ ước” một thời của mình, mà hiện nhìn con xe này giống như cục nợ, đang tìm cách đẩy đi để giảm chi phí. “Đã có người chịu mua, nhưng đòi giá chỉ 425 triệu đồng, bán thì lỗ nhiều quá nhưng giữ lại thì...” - chị Thúy nói.

Ông D., giám đốc một công ty xây dựng ở Q.Gò Vấp, cho biết công ty vừa bán chiếc Acura, chỉ giữ lại chiếc Lexus dành cho việc đi lại của cả ban giám đốc. “Bình thường “nuôi” hai xe cũng không đến nỗi nào, nhưng kinh tế đang khó khăn quá, bán một chiếc để lấy tiền dùng vào việc khác, lại vừa tiết kiệm được chi phí “nuôi” xe...” - ông D. nói.

Các trung tâm, công ty chuyên mua bán xe cũ cho biết lượng khách hàng gọi điện thoại đến muốn bán xe mấy tuần nay rất nhiều. Chỉ ra ngoài bãi xe với hơn 40 chiếc Toyota đã qua sử dụng đang nằm kín trên sân, ông Nguyễn Khoa - giám đốc Trung tâm xe đã qua sử dụng Toyota Đông Sài Gòn (Q.Gò Vấp) - cho biết phải từ chối mua xe của rất nhiều khách vì xe trong kho còn nhiều. “Nếu không quá bức xúc về mặt tài chính thì nên để xe lại mà dùng, chứ công ty không thể mua giá cao vì lượng hàng tồn còn quá nhiều, khách đến mua cũng không có vì họ sợ phải chịu thêm các loại phí mới” - ông Khoa nói.

Nhiều trung tâm khác cho biết không mua vào mà chỉ cho ký gửi. Ông Trương Huy Phước, giám đốc Trung tâm kinh doanh xe Ford đã qua sử dụng (Q.Tân Bình), cho biết 90%, xe ở trung tâm này là xe khách ký gửi.

Chẳng có khách mua

Anh Thanh Tài (Q.Gò Vấp) cho biết “đã rất thanh thản” khi quyết định không mua ôtô nữa, sau khi có thông tin tới đây ôtô phải chịu thêm nhiều loại phí khác. “Nếu lấy 800 triệu đồng đang định mua xe gửi ngân hàng, mỗi tháng anh có hơn 8 triệu đồng tiền lãi. “Mua xe để thỉnh thoảng chạy về quê thăm ba mẹ, mỗi chuyến đi vậy thuê xe ngoài chở cả nhà chừng 3 triệu đồng, còn lại đi bằng taxi trong thành phố thoải mái, khỏi lo lắng tìm chỗ gửi xe, canh xe bị gỡ đồ... cũng không hết 8 triệu đồng” - anh Tài nói.

Theo ông Phạm Ngọc Thân - tổng giám đốc Công ty Bến Thành Ford, những khách lưỡng lự, hỏi dò tin tức như Tài khoảng một tháng gần đây rất nhiều: khách đến xem xe, tính toán, dọ giá, lại hỏi các loại phí có phải đóng không... rồi lặn mất tăm. Giám đốc chi nhánh Tân Phú một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho biết lượng khách hàng đến vay tiền mua xe hiện nay đã giảm hơn một nửa so với cách nay một tháng.

Ông Nguyễn Khoa (Toyota Đông Sài Gòn) cho biết lượng khách ghé qua trung tâm xem, hỏi xe vẫn như mọi ngày nhưng số khách đến đặt cọc mua xe giảm hơn 50%. Khi các nhân viên kinh doanh gọi điện thoại, tiếp cận những khách “có vẻ thích thích chiếc xe” vì sao không quay lại đặt cọc, mua xe, phần lớn đều trả lời lãi suất còn cao và ngán mức phí 20-30 triệu đồng/năm trong khi xe đi không nhiều.

Theo tính toán của các chủ salon, nếu ba loại phí mới gồm phí sử dụng đường bộ, lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, cộng với giá xăng dầu tăng cao và phí cầu đường..., tổng số tiền mỗi người dân sở hữu, sử dụng ôtô phải chi cho chiếc xe của mình có thể lên đến trên dưới 60 triệu đồng/năm, tăng gần 50% so với trước đây.

Nhiều đại lý ôtô cho biết đã tăng cường khuyến mãi các dịch vụ sửa chữa bảo trì xe cho khách hàng cũ để tìm thêm nguồn thu, duy trì hoạt động bên cạnh các chương trình giảm giá, khuyến mãi kích cầu thị trường..., nhưng dường như khách hàng không mặn mà với những mức giá các công ty đang hỗ trợ.

Không những xe sản xuất trong nước không bán được, các nhà nhập khẩu ôtô cũng cắt giảm hẳn lượng xe nhập khẩu do khách hàng không mặn mà. Theo Tổng cục Thống kê, tổng lượng ôtô nhập khẩu trong ba tháng đầu năm đạt 7.000 chiếc, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhà nhập khẩu ôtô, một trong những nguyên nhân chính là do người tiêu dùng lo ngại trước thông tin râm ran từ mấy tháng trước sẽ phải chịu thêm nhiều loại phí mới có thể được áp dụng từ tháng 6 năm nay.

NSƯT Mỹ Uyên (phó giám đốc sân khấu kịch 5B):

Đã khổ càng thêm khổ!

Nếu phải đóng phí lưu hành ôtô, xe máy nữa thì tôi thấy khổ cho dân quá. Người dân như chúng tôi khi sử dụng xe đã phải trả tiền thuế trước bạ, thuế nhập khẩu (xe hơi lên đến 200%), phí đăng kiểm, phí cầu đường, phí bảo hiểm, phí bến bãi... Đóng đủ thứ tiền nhưng lưu thông trên đường không hề thuận tiện, muốn tìm chỗ đậu xe cũng vô cùng khó khăn. Giờ lại phải đóng thêm phí lưu hành nữa thì quá sức.

Người dân sẽ đồng tình nếu hiểu rõ mình đóng phí này để làm gì? Liệu giao thông rồi sẽ có thuận tiện hơn chăng? Tôi nghĩ số người dư dả để mua thật nhiều xe không nhiều, mà phải chắt chiu, dành dụm mới có. Rất nhiều người mua xe trả góp và phải nhịn ăn nhịn mặc để góp cho chiếc xe vì nhu cầu công việc. Vậy có phải đóng phí nhằm hạn chế luôn công việc của người dân không, khi các phương tiện công cộng không đáp ứng được hết mọi nhu cầu đi lại trong công việc? Đó là chưa kể khi gánh thêm loại phí này thì giá cả của mọi mặt hàng đều đồng loạt tăng để bù vào khoản phí phát sinh. Như vậy người dân đã khổ càng thêm khổ.

Cá nhân tôi đang sở hữu một xe máy, một ôtô năm chỗ. Tôi chẳng có thu nhập nào ngoài nghề diễn và thu nhập mỗi tháng chỉ đủ để trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong cuộc sống. Việc “nuôi” một chiếc ôtô như hiện nay, với cá nhân tôi, đã rất mệt nhưng không thể vì thế mà bán xe vì xe rất cần cho những chuyến đi diễn xa, khi phải diễn khuya. Tôi biết trong giới cũng có nhiều anh chị em vì yêu cầu công việc mà phải cắn răng sắm xe, chấp nhận nhịn ăn nhịn mặc để “nuôi” xe. Và cũng có nhiều người, như đạo diễn Công Ninh chẳng hạn, rất cần một chiếc xe để thuận tiện hơn cho công việc thường xuyên phải di chuyển xa, nhưng vẫn không dám mua vì ngại quá nhiều loại phí dành cho xe “đè” lên người.

Q.N. ghi

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên