Phóng to |
Các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam gặp gỡ giao lưu tại hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản” - Ảnh: Thuận Thắng |
Đây là xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm của hơn 200 khách mời là doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong buổi hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi tổ chức ngày 14-3.
Mở ra nhiều cơ hội
Cần nhất quán trong hợp tác đầu tư Chiều 14-3, tại hội thảo chuyên đề Thế mạnh trong xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp Nhật Bản (một trong những hội thảo của chương trình xúc tiến hợp tác đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi tổ chức), bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - phó tổng giám đốc Công ty CII (TP.HCM) - cho biết trong vòng năm năm tới, CII cam kết đầu tư ít nhất 23.000 tỉ đồng vào sáu dự án thuộc lĩnh vực cầu đường, sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Do đó, CII cũng đang tìm kiếm các đối tác để cùng phát triển dự án, trong đó rất quan tâm đến các nhà đầu tư Nhật. Ông Morifusa Ueda, giám đốc kinh doanh báo Mainichi, cho biết lĩnh vực cơ sở hạ tầng là một trong những thế mạnh và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật. Tuy nhiên, để thuyết phục được nhiều nhà đầu tư Nhật hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhất quán trong kế hoạch, dự án, không nên để xảy ra tình trạng cứ nửa năm lại thay đổi yêu cầu khiến doanh nghiệp Nhật bối rối, không biết phía Việt Nam cần họ phải làm gì. |
Bà Huỳnh Hồng Phương, thành viên HĐQT Công ty CP sản xuất thép Nguyễn Minh Vina (Long An), cho biết ngay sau buổi hội thảo, công ty đã làm việc với Tập đoàn Kanematsu và bước đầu có những thông tin có lợi cho sự hợp tác. Công ty đang nhập khẩu sắt cuộn từ Nhật Bản chiếm 30-40% nên đây là dịp tìm kiếm đối tác phân phối sản phẩm.
Hiện thị trường Nhật chiếm đến 50% kim ngạch xuất khẩu của công ty, ông Lê Văn Hưng - phó giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Minh Phương - chia sẻ thị trường Nhật đòi hỏi nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm nên ngoài chủ động cải tiến, thay đổi sản phẩm thì tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết cũng là cách doanh nghiệp chọn để thâm nhập sâu vào thị trường này.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản rất nhiều, gồm: rau quả nhiệt đới, sản phẩm thủy sản đa dạng, hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng nông sản... Trong nhóm nông thủy sản đáng lưu ý là mặt hàng thanh long có tốc độ tăng trưởng qua thị trường Nhật khá cao, đạt 3 triệu USD trong năm 2012. Một số mặt hàng khác có nhiều tiềm năng và thế mạnh là con tôm, thị phần tôm của Việt Nam luôn đứng đầu so với Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, hiện hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Nhật mới chỉ chiếm 1,7% nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.
“Mức xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật còn quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng thương mại giữa hai nước. Hàng rau quả, trái cây của chúng ta thơm ngon như thế nhưng chỉ chúng ta biết. Trừ các du khách Nhật sang Việt Nam, còn lại người Nhật có biết đâu” - ông Dũng nói.
Theo lộ trình thực thi các hiệp định thương mại được ký kết giữa hai nước, hàng trăm mặt hàng nông sản, thực phẩm vào Nhật sẽ được giảm thuế như năm 2014 nhiều mặt hàng trong nhóm thủy hải sản về mức thuế 0% là bạch tuộc, sứa..., vì vậy cơ hội hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Nhật Bản còn rất nhiều.
Theo ông Dũng, doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tập trung vào những mặt hàng lớn. Có những mặt hàng mới nghe qua tưởng rất nhỏ, không nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng thực tế lại có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Như trường hợp con ốc vít, nghe có vẻ rất bình thường nhưng nó lại được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất, xây dựng dân dụng, công nghiệp, làm đường cao tốc...
Doanh nghiệp Nhật quan tâm đến thực phẩm
Việt Nam cần tăng tốc cải cách để cạnh tranh Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp nói riêng và cải cách kinh tế nói chung trong bối cảnh khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đi vào hiệu lực năm 2015 và dẫn tới xóa bỏ thuế quan hoàn toàn vào năm 2018. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản” nhằm xây dựng năng lực sản xuất công nghiệp Việt Nam”, diễn ra ngày 14-3 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản và Đại học Kinh tế quốc dân cùng nhiều cơ quan khác đồng tổ chức. Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Motonori Tsuno nhận định thời gian từ khi hình thành AFTA cho tới khi Việt Nam phải bãi bỏ thuế quan là rất ngắn, do đó Chính phủ Việt Nam cần tăng tốc giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. H.GIANG |
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, hàng Việt Nam vào Nhật còn nhiều khó khăn, nhưng nếu doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, sản xuất hàng rồi xuất khẩu sang Nhật Bản lại dễ dàng hơn vì có sự am hiểu thị trường và thủ tục, tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu. Đây cũng là xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản đang chú ý. Ông Suetake Jun, Tập đoàn thương mại Kanematsu, cho biết đang sản xuất thực phẩm gia công tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu. Ngoài ra, Kanematsu còn đang đẩy mạnh liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Nakajima Kazuo - Công ty Brain Works, chuyên môi giới tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật tại thị trường Việt Nam, từ sau thảm họa động đất - sóng thần tháng 3-2011, các doanh nghiệp Nhật bắt đầu mở rộng làm ăn ra nước ngoài nhiều hơn, họ tiến vào các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Thị trường Việt Nam đang được mở rộng, và cơ hội làm ăn ở đây rất lớn. Khối doanh nghiệp này vào Việt Nam, tìm kiếm sự hợp tác không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm hơn mà còn giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước và có thể khai thác ngay thị trường tại chỗ.
Cũng theo ông Nakajima Kazuo, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Nhật Bản và Việt Nam có nhiều khác biệt, việc xóa khoảng cách giữa hai bên rất quan trọng và con đường liên doanh, hợp tác sẽ thúc đẩy thương mại hiệu quả hơn. Ví dụ với hàng thực phẩm chế biến, chỉ cần tay người chạm vào sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hay ở hàng nông sản, người Nhật lo ngại việc sử dụng thuốc trừ sâu, hàng thủy sản là chất hóa học... Ở Nhật Bản, các vấn đề trên bị kiểm soát rất gắt gao. “Chúng tôi đã rất nỗ lực tìm hiểu các nhà nông sử dụng loại phân bón, thuốc trừ sâu nào, quá trình sản xuất ra sao. Ở Việt Nam, có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ nuôi trồng thủy sản. Cần liên kết các cơ sở này vào một đầu mối để doanh nghiệp Nhật Bản theo dõi được thông tin” - ông Suetake Jun gợi ý.
Làm sao để hợp tác hiệu quả?
Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết tại Nhật các sản phẩm liên quan đến con người đều phải qua một quy trình kiểm tra rất ngặt nghèo. Việc đáp ứng được hay không nằm ở bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu làm được với Nhật thì sẽ làm được ở nhiều thị trường khác. Hiện nay phía Nhật đã chấp nhận một số phòng kiểm nghiệm tại Việt Nam được kiểm nghiệm hàng hóa vào Nhật. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có sự hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ suôn sẻ hơn. Ngoài ra sự tận dụng về khoa học công nghệ của Nhật Bản để hạn chế xuất khẩu hàng thô, thì bắt tay liên doanh với nhau cũng là cách làm tốt để phát triển bổ sung cho nhau.
Thứ hai là vấn đề hợp tác bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nhiều năm nay, hàng hóa Việt Nam sang Nhật bị kiện và trả về, nếu hai nhà nước chấp nhận cơ quan kiểm định của nhau thì sẽ tránh việc xuất khẩu hai lần, đỡ phải trả về như thời gian vừa rồi. Đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tập quán kinh doanh, từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có tư duy, tầm nhìn dài hạn, chứ không phải kiểu làm 1-2 thương vụ.
Theo ông Trần Kim Chung - chủ tịch HĐQT CT Group, làm ăn với người Nhật cần có sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng mới được việc. Ban đầu nhiều khó khăn nhưng khi làm được sẽ rất thông suốt. Doanh nghiệp không nên loay hoay tự làm mà nên sử dụng các công ty tư vấn ở Nhật Bản, họ có những dịch vụ rất chuyên nghiệp.
Ông Morifusa Ueda (giám đốc kinh doanh báo Mainichi): Nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Từ năm 2010, báo Mainichi đã liên kết với báo Tuổi Trẻ để thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Theo tôi, những lĩnh vực doanh nghiệp Nhật quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường. Sắp tới, nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng cao nên những ngành hàng may mặc, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... từ Nhật Bản cũng sẽ hiện diện ở Việt Nam nhiều hơn. Ngược lại, những ngành mà doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam là may mặc, đây là một trong những ngành Việt Nam có kỹ thuật tốt. Việt Nam cũng rất nổi tiếng về nông lâm, thủy hải sản, đồ ăn Việt Nam rất ngon. Cả Việt Nam và Nhật đều có thế mạnh về lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản, tôi nghĩ đó là những ngành tương lai mà hai bên sẽ có sự hợp tác tốt. Ông Kazuya Hashimoto (phó giám đốc, bộ phận kế hoạch Công ty thương mại Kanematsu): Hợp tác nâng cao giá trị sản phẩm Trong chuyến đi lần này, tôi rất mong muốn tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam để hiểu nhau hơn, qua đó tìm ra cách nào có thể hợp tác, làm ăn chung với nhau được. Tôi muốn tìm những doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt hàng gia công thực phẩm như mặt hàng sushi để xuất khẩu về Nhật. Qua hội thảo lần này, tôi cũng đang suy nghĩ đến việc hợp tác liên doanh, phía chúng tôi sẽ cung cấp thiết bị, máy móc cho doanh nghiệp Việt Nam gia công và sẽ chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ xuất khẩu mà có thể khai thác cả thị trường Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận