17/09/2010 06:35 GMT+7

Bức xúc với giá sàn xuất khẩu gạo

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Với bốn lần tăng giá sàn xuất khẩu gạo trong hơn một tháng, lượng gạo xuất khẩu đã giảm mạnh, tạo áp lực trở lại với giá lúa trong nước. Nhiều doanh nghiệp kêu khó vì giá cao không thể xuất, còn người dân thắc mắc vì sao phải hạn chế xuất khi giá lúa đang cao.

axyyEQl6.jpgPhóng to
Nông dân chuyển lúa từ tỉnh Trà Vinh đến các nhà máy xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu ở xã Nhị Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: N.C.T.

Ngày 16-9, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã tổ chức họp báo nhằm thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm 2010. Tại buổi họp, VFA cho rằng việc điều chỉnh trên do diễn biến giá thế giới và điều hành linh động.

Tăng cho bằng Thái Lan

Sau bốn lần tăng giá sàn xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm đã lên đến 475 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 435 USD/tấn khiến nhiều doanh nghiệp không thể bán được mức giá này do giá cao so với các nước xuất khẩu khác. Chưa kể thời gian tăng giá quá nhanh khiến các doanh nghiệp rất khó trong việc đàm phán với khách hàng.

Hậu quả là lượng hợp đồng giao trong tháng 8-2010 giảm khoảng 100.000 tấn so với dự kiến. Trong 15 ngày đầu của tháng 9 chỉ ký xuất khẩu được 105.000 tấn, giảm mạnh so với các tháng trước đó.

Có hay không việc VFA đã chủ động tăng giá sàn quá nhanh để hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu, qua đó giảm nguồn cầu để gián tiếp hạ giá lúa trong nước nhằm gỡ lỗ cho các doanh nghiệp thành viên của VFA?

Đặc biệt, nhiều thông tin cho biết các doanh nghiệp thành viên của VFA và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã lỡ ký hợp đồng với giá thấp, trong đó có hợp đồng xuất 100.000 tấn gạo cho Bangladesh với giá chỉ 389 USD/tấn.

Đã ký hợp đồng xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo

VFA cho biết tính đến ngày 15-9 đã xuất khẩu 5,05 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,142 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay lượng hợp đồng gạo mà các doanh nghiệp đã ký được 6,6 triệu tấn.

Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, cho biết việc tăng giá do tình hình giá cả trên thế giới biến động liên tục từ cuối tháng 7 đến nay, các quốc gia khác nâng giá gạo xuất khẩu nên VN buộc phải tăng giá theo.

“Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện nay đã lên 475 USD/tấn nên không có lý do gì chúng ta không lên giá” - ông Phong cho biết.

Ông Phong khẳng định hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung cho Bangladesh chỉ 100.000 tấn chứ không phải 200.000 tấn như một số thông tin đã đưa. Lượng gạo này đã được giao cho các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ từ trước nên không có chuyện lỡ ký giá thấp nên bây giờ hạn chế xuất khẩu gạo để kéo giá trong nước xuống.

Chưa biết xuất khẩu bao nhiêu?

Thông tin về tình hình sản xuất lúa trong năm 2010, ông Phạm Văn Dư - cục phó Cục Trồng trọt - cho biết tổng sản lượng lúa năm 2010 của khu vực ĐBSCL là 21,3 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2009. Từ nay đến tháng 1-2011 còn khoảng 3,3 triệu tấn gạo, trừ hơn 1,7 triệu tấn dùng cho các nhu cầu trong nước, còn trên 1,5 triệu tấn gạo hàng hóa có thể xuất khẩu.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về chỉ tiêu cụ thể xuất khẩu năm 2010, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết chưa thể trả lời chính xác vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo ông Biên, do năm nay Chính phủ chỉ đạo xuất khẩu gạo linh hoạt, không có chỉ tiêu cứng nào nên việc xuất khẩu sẽ căn cứ vào lượng gạo hàng hóa trong nước và cân đối cung cầu, cân nhắc vấn đề lạm phát.

Vì vậy “chúng tôi không thể nói chính xác năm nay VN sẽ xuất khẩu được bao nhiêu tấn gạo” - ông Biên cho biết.

Ông Biên khẳng định việc điều hành xuất khẩu gạo gồm nhiều mục tiêu như: tiêu thụ hết lúa hàng hóa của nông dân, đảm bảo nông dân có lãi, xuất khẩu được giá, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường trong nước và kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, ông Biên thừa nhận trong chừng mực nào đó không thể đảm bảo mọi mục tiêu trên đều có kết quả tốt. Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân.

“Lúa gạo là một trong các nông sản, nếu chỉ lúa gạo có lãi thì người dân sản xuất các mặt hàng khác thì sao” - ông Biên cho hay.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên