08/04/2010 02:12 GMT+7

Vụ "gas mua rẻ, bán đắt": Các doanh nghiệp đang lập lờ

 LÊ NGUYÊN MINH thực hiện
 LÊ NGUYÊN MINH thực hiện

TT - Tiếp tục làm rõ vấn đề giá gas bán lẻ hiện nay đang trong tình trạng “mua rẻ, bán đắt”, ngày 7-4 Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại diện một số công ty kinh doanh gas và chuyên gia trong ngành.

ritCO4QQ.jpgPhóng to
Bơm gas từ tàu xuống kho gas của Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam tại Cần Thơ - Ảnh: L.N.M.

* Ông Đặng Vinh Sang (tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM, Saigon Petro):

“Gas từ Dung Quất nên được đấu giá”

* Thưa ông, vì sao giá gas mua được từ nguồn Dung Quất rất rẻ nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm?

- Saigon Petro chỉ mới bắt đầu mua gas từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (hiện nhà máy chưa được bàn giao chính thức) qua một công ty khác từ tháng 4-2010 với số lượng ít, chỉ chiếm 30% tổng sản lượng của chúng tôi do nhà máy này hoạt động chưa ổn định. Saigon Petro phải nghiên cứu, trong trường hợp chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn của chúng tôi, ví dụ như hàm lượng olefin (olefin là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu.

Trong quá trình lọc, chất này có thể còn lại trong gas với hàm lượng thấp hoặc cao. Khi bị đốt cháy sẽ tạo bụi than đen và lửa đỏ) cao trong gas thì chúng tôi phải có phương án làm giảm xuống trước khi bán ra cho người tiêu dùng.

Chúng tôi đã đi lấy mẫu gas của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để kiểm tra và thấy hàm lượng olefin cao, proban chỉ 15% nên cho áp suất thấp. Đây là một hoạt động kiểm soát chất lượng thông thường đối với tất cả loại gas chúng tôi mua về, kể cả hàng nhập khẩu.

Hiện nay chúng tôi đã có công thức pha chế giữa gas có hàm lượng olefin thấp (bằng 0 từ Nhà máy tách khí Dinh Cố, 0-10% từ gas nhập) với gas có hàm lượng olefin cao của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để giảm xuống mức sử dụng được. Sau khi pha xong gas phải có hàm lượng olefin dưới 15% mới có thể sử dụng tốt đối với mục đích dân dụng. Còn đối với hàng công nghiệp, dùng cho taxi thì phải dưới 10%.

* Như vậy có thể hiểu rằng thị trường đang có ba loại gas khác nhau với chất lượng từ thấp đến cao, vì sao lại chỉ có một giá?

- Đúng là thị trường hiện có gas chất lượng cao với hàm lượng olefin bằng 0 từ Nhà máy Dinh Cố, gas pha trộn và gas có hàm lượng olefin cao. Theo tôi, loại gas có hàm lượng olefin trên 25% thì không sử dụng được cho bất kỳ mục đích nào nên bắt buộc phải pha chế. Thị trường vẫn có người bán gas với hàm lượng olefin từ 40-45% là việc không chấp nhận được bởi gas đó sẽ làm lửa đỏ, gây nghẹt bếp và cho mùi hôi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe... Hơn nữa, họ đang lừa người tiêu dùng về chất lượng.

Đối với gas dân dụng, giữa loại gas có hàm lượng olefin dưới 10% với loại trên 15% thì không chênh lệch nhau về giá nhiều nên không thể có hai loại giá khác nhau. Còn đối với những công ty có bán gas hàm lượng olefin cao từ 40-45% là không thể chấp nhận.

Tôi nghĩ gas từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất khi bán nên được đấu giá để không thất thoát nguồn thu cho nhà máy của Nhà nước, do gas có thể có hàm lượng olefin cao thì chỉ nên bán cho các đơn vị có khả năng pha chế để đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến người tiêu dùng.

* Một phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN:

“Quên” quyền lợi người tiêu dùng

Tôi nghĩ trong khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất chưa chạy ổn định, lượng gas cung cấp chưa đều đặn nên mức độ rủi ro cho đơn vị cung ứng là có, do đó họ được hưởng giá ưu đãi cũng bình thường. Hơn nữa, trong tình hình lãi suất cao như hiện nay, những đơn vị kinh doanh cần vốn lưu động lớn như các công ty gas rất khó khăn. Thời gian tới khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, các công ty được mua giá rẻ sẽ bán cho người tiêu dùng giá rẻ hợp lý.

Cũng phải thừa nhận hiện nay nhiều công ty dù mua được giá tốt nhưng mải chạy theo việc phát triển thị trường, tranh giành hệ thống phân phối, tăng mức chiết khấu cho đại lý nên “quên” mất quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Trần Trung Chính (chủ tịch Chi hội Gas miền Nam):

Cần công bố và kiểm soát chất lượng

Tôi không có đủ thẩm quyền và cơ sở để trả lời về nguồn hàng, chất lượng và giá cả từ các nhà máy phân phối gas của Việt Nam. Tuy nhiên với tư cách chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, tôi xin thay mặt hội viên phản hồi một số vấn đề liên quan đến bài báo của Tuổi Trẻ về việc giá gas “mua rẻ, bán đắt”.

Về giá, có thể nói các công ty đã vận hành theo cơ chế thị trường. Chỉ có thể nói nguồn cung gas hiện nay được cung cấp từ ba nguồn chính: Nhà máy chế biến khí Dinh Cố, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và nguồn nhập khẩu (không thể nói nguồn Dung Quất trộn với nguồn Dinh Cố là một nguồn cung).

Để đảm bảo kiểm soát gas cung cấp ra thị trường đúng chất lượng công bố, Nhà nước cần quy định và yêu cầu các nhà máy sản xuất gas trong nước công bố chất lượng gas, đồng thời kiểm định 100% nguồn gas nhập khẩu phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng mới cho phép lưu thông phân phối ra thị trường. Như vậy người tiêu dùng sẽ biết và có cơ sở để lựa chọn mua sản phẩm với chất lượng và giá cả phù hợp.

 LÊ NGUYÊN MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên