Phóng to |
Kim Ngọc |
10 năm trước, Kim Ngọc đoạt giải nhất duy nhất trong cuộc thi sáng tác nhạc giao hưởng dành cho các nhạc sĩ nữ ngoài nước Pháp trên khắp thế giới - một cuộc thi mà ở VN không mấy ai biết tới. Người viết bài này ngày ấy đã vô cùng sững sờ khi gặp được trong căn gác nhỏ ở khu tập thể gần Nhạc viện Hà Nội một cô gái quá trẻ và đẹp, cặp mắt to mênh mông choán gần hết gương mặt cùng với một vẻ tự tin ngời sáng trên khuôn mặt trong veo, chưa một vết gợn của những toan tính về cuộc đời, sự nghiệp. Năm ấy Ngọc 19 tuổi, bắt đầu vào năm thứ nhất hệ đại học, khoa sáng tác của nhạc viện, sau năm năm sơ cấp và bảy năm trung cấp khoa piano.
Bản giao hưởng đem vinh quang đầu đời đến cho Ngọc có tên Phục hồn - cô bé viết cho người cha quá cố của mình - nhạc sĩ Trần Ngọc Sương. Nó chưa từng được biểu diễn ở VN nhưng đã vang lên ở nhiều đài phát thanh châu Âu - nơi người dân có thói quen nghe nhạc trên đài nhiều hơn xem tivi và showbitz.
Phóng to |
Cảnh trong Music - theatre của Kim Ngọc tại nhà sàn Anh Đức |
Nhưng không vì thế mà có thể nghĩ Ngọc là người ưa hình thức. Cô làm tất cả những gì mà cô cho là tốt cho sự sáng tạo âm nhạc của mình, không ngại vất vả, khổ cực hay những lời bàn tán. Trước đây, còn nhiều thời gian và còn khó khăn về kinh tế, Ngọc đi dạy piano cho trẻ con. Có một dạo, cô còn viết khá nhiều ca khúc romance cho giọng ca Mỹ Linh - cô bạn thân hồi ấy chưa nổi tiếng lắm.
“Trượt qua vòng tay mẹ - con ngã khỏi tuổi thơ”- bài hát viết riêng cho Mỹ Linh dự thi “Giọng ca vàng ASEAN 1997” với ca từ đẹp như một bài thơ, nhận được vô số lời chúc mừng của người trong giới nhưng không đủ làm cho Mỹ Linh có can đảm đem nó đến với số đông công chúng trong các live show về sau này của mình. Ngọc còn một serie ca khúc ngọt ngào và trong sáng như thế cô tự hát và tự thu một CD làm kỷ niệm cho vài người bạn thân thiết.
Nghĩ cũng tiếc, không phải cho Kim Ngọc mà cho các ca sĩ, vì đó thật sự là những bài hát hay. Hay, và đẹp, và cảm động. Thời gian sau này khi các tác phẩm của cô được các dàn nhạc nước ngoài biểu diễn, thu thanh, cô “rủng rỉnh” hơn một chút thì lại lăn vào “thử nghiệm” đủ thứ: chơi với nhóm họa sĩ “nhà sàn”, làm installation, performan art, video art.
Nhiều người ái mộ một Kim Ngọc tóc dài tha thướt, ngón tay thon mảnh xanh xao lướt piano đã choáng váng khi nhìn thấy Ngọc đầu cạo trọc, mắt mở trừng trừng hát ngẫu hứng bằng giọng liêu trai trong các buổi sắp đặt, trình diễn của Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường… tại nhà sàn của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức hồi những năm 2000, 2001. Hồi ấy Ngọc gầy như cái que, và sự mệt mỏi hiện rõ trong ánh nhìn. Nhiều người đã nghĩ: vậy là cô nhạc sĩ trẻ này “hết vốn” rồi! Cũng lại sớm mọc sớm lặn như các hiện tượng âm nhạc khác được kỳ vọng và bơm thổi vội vã thôi.
Nhưng Ngọc không quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì, cũng không nhún vai cười cao đạo phê phán nhạc thị trường. Cô chăm chỉ đi nghe, thậm chí thỉnh thoảng còn hát nghêu ngao, nhưng xác định: Đấy là hai thế giới hoàn toàn khác. Đã theo nhạc của mình thì đừng so sánh, đừng mơ ước và thèm muốn sự vỗ tay, chào đón và cả mức sống của những người làm nhạc khác mình. Cuộc sống có những qui luật riêng và giá trị riêng. Còn muốn theo nhạc bác học đến cuối đời, dù là cổ điển hay hiện đại, thì cứ phải học thôi. Và Ngọc tiếp tục lao vào học.
Chắc chắn hầu như không một nhạc sĩ VN nào ở tuổi của Ngọc có thể đọc nhiều và biết nhiều ngoại ngữ như Kim Ngọc. Cô đọc rất kỹ các tài liệu về văn hóa VN, các phát hiện mới về nhạc cụ dân tộc, đồng thời cày tiếng Pháp, tiếng Anh như điên. Học bổng 16 tháng ở Nhạc viện Cologne (Đức) vừa qua cũng khiến cô có điều kiện hệ thống lại kiến thức về âm nhạc bác học châu Âu hiện đại, đồng thời có thêm hẳn một ngoại ngữ là tiếng Đức. Ngọc cũng là người vừa chơi được piano, vừa say mê và truyền cảm với đàn tranh và sáo trúc dân tộc.
Cô có quá nhiều, và cũng tự thu nạp quá nhiều so với tuổi mình. Cô còn cả một khoảng đời thênh thang trước mặt, và cô cũng đã xác định sẽ tiếp tục đi con đường của mình, chỉ có điều không ai trả lời được câu hỏi mà biết bao nhiêu người nước ngoài và các nhà báo VN đã hỏi Ngọc: bao giờ nhạc của Ngọc được người nghe VN biết đến và chấp nhận? Ngọc cười: không biết.
Tối 28-11-2004 tại Viện Goethe - Hà Nội, Kim Ngọc và Nguyễn Xuân Sơn cùng trình diễn khoảng 30 phút ngẫu hứng với tiếng động, tiếng nhạc cụ, tiếng người và tiếng của máy tính. Tác phẩm tên I (viết tắt của information) đã phần nào giải tỏa quan niệm về âm nhạc, làm mờ ranh giới giữa âm nhạc và âm thanh trong người nghe. Đầu tháng mười hai, Kim Ngọc lại có mặt ở Mỹ cho một chuyến chu du mới trong âm nhạc. Cuộc trò chuyện của TTCN với Kim Ngọc xoay quanh âm nhạc điện tử - thứ nhạc đo bằng Hz chứ không phải nốt - lĩnh vực quan tâm mới của Kim Ngọc. Cô cho biết: - Ở châu Âu, nhạc điện tử là một chuyên ngành hàn lâm như tất cả chuyên ngành khác. Khoảng những năm 1960 là thời gian rực rỡ đỉnh điểm của nhạc điện tử ở châu âu. Tất cả những tên tuổi của thế kỷ 20 mà nhắc đến ai cũng biết như Nono, Lighety, John Kage, Kartheinz Stockhausen... đều để lại những dấu ấn huy hoàng với nhạc điện tử. * Phải chăng nhạc điện tử chỉ có ý nghĩa nhất thời? - Hầu như tất cả thể loại âm nhạc của thế kỷ 20 từ pop, rock đến hip-hop, industrial... đều có sử dụng âm thanh điện tử. Nhạc điện tử chúng ta đang nói đến là hệ thống từ nhạc cổ điển đi lên, phân nhánh... Các nhạc sĩ của dòng nhạc cổ điển kinh viện sau Thế chiến II cho rằng không việc gì phải từ chối công nghệ, sao không bao gồm nó luôn trong sáng tác âm nhạc. Các tác phẩm ấy không dùng để nhảy, không dùng để diễn trên một sân khấu lớn để kiếm tiền. Nó được sáng tác, bảo vệ và “chăm sóc” một cách kỹ lưỡng bằng hệ thống các học viện, nhạc viện, viện hàn lâm, hệt như nhạc cổ điển ấy... Có điều nhạc điện tử bớt đi phần biểu diễn của dàn nhạc. * Một đặc điểm của nhạc điện tử là nhạc cụ luôn biến chuyển? - Nếu mà nói nhạc cụ, công nghệ là một thứ nhạc cụ ảo. Từ khoảng 1960-1970 là synthe-sizer music, tức là nhạc của máy tổng hợp, sau đó chuyển sang computer music. Trong trường nhạc bây giờ dạy song song cả computer cả electronic music. Các nhạc sĩ trẻ bây giờ có xu hướng sử dụng tất cả những gì được học, được biết. Khi cần họ vẫn viết tác phẩm cho nhạc cụ. Bây giờ tôi cũng thế, tôi sẽ làm cái gì phù hợp với đòi hỏi của công việc. * Bây giờ một người soạn nhạc mà không biết đến nhạc điện tử có thể xem là tụt hậu? - Không, không hề. Rất nhiều nhạc sĩ trẻ bên Đức không học nhạc điện tử nhưng tác phẩm rất hay. Nó lại đi sang những kết hợp khác, như với sân khấu chẳng hạn. Trước khi đi học tôi có làm một vở gọi là music-theatre, không phải nhạc cho sân khấu mà là sân khấu nhạc hay nhạc-nhà hát. 6-7 diễn viên trẻ con vừa chơi nhạc vừa diễn (nếu có tiền thì tôi cho lên sân khấu đấy!). Tập vở mất gần ba tháng, diễn có hai đêm tại nhà sàn Anh Đức, khoảng tháng 3-2002, độ bốn tháng trước khi tôi đi Đức. Hướng hiện nay kết hợp âm nhạc với nhiều loại hình nghệ thuật khác và trong âm nhạc kết hợp nhiều thể loại, nhiều nền văn minh âm nhạc khác nhau. Nghĩa là nhạc sĩ không giới hạn trong cái chức năng tạo ra âm nhạc hay âm thanh, mà còn là người trước hết có một ý niệm (concept) chung về mặt nội dung và kết cấu nghệ thuật tác phẩm, và có thể yêu cầu bao gồm trong tác phẩm của mình không chỉ âm nhạc, mà cả ballet, sân khấu, thậm chí xiếc hay pop-rock. Tại châu âu còn có klang kunst, tiếng Anh là sound art, nghĩa là nghệ thuật âm thanh. Người làm cái này không nhất thiết phải là các nhà soạn nhạc mà là các sound artist (nghệ sĩ âm thanh), theo như quan sát của tôi thì người ta làm việc nhiều hơn với công nghệ âm thanh, chứ không viết ra bản nhạc. Ví dụ một tác phẩm sound installation, tác giả treo rất nhiều loa nhỏ trên một cái cây, anh ta bố trí những tiếng rung khác nhau về tần số lúc kêu ở loa này lúc kêu ở loa kia, lúc kêu cùng lúc, lúc kêu một mình... làm nên những chấn động khác nhau ở những cành cây. Người xem được “nghe” một tác phẩm âm nhạc tiếng động (noise music) cả bằng tai và bằng mắt. Đồng thời trong âm nhạc cũng có music installation, rồi cả những music performance, concert performance, music video arts... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận