19/04/2018 11:00 GMT+7

Khu Liên hợp TTQG Mỹ Đình: Phải thu hồi đất cho thuê

K.XUâN
K.XUâN

TT - Bộ VH-TT&DL mới có công văn yêu cầu Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình rà soát, dừng khai thác, thu hồi đất cho thuê tại đây trong nhiều năm qua.

*** Error ***
Nhà hàng được mở trong Khu LHTTQG Mỹ Đình. Ảnh: NAM KHÁNH

Ngày 29-3-2018, ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - đã ký công văn 1132 về việc quản lý cơ sở vật chất tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. Theo công văn, mục đích nhằm thực hiện nghị định 151 và 167, chỉ thị 01 của Chính phủ về quy định, sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tăng cường công tác quản lý đất đai...

Theo đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Khu LHTTQG Mỹ Đình rà soát lại các hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư của khu liên hợp (kể cả các hợp đồng đã ký nhưng chưa triển khai thực hiện) để đảm bảo thực hiện nội dung quy định tại nghị định 151, 167 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện...

Bộ yêu cầu dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Khu liên hợp có trách nhiệm chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi mặt bằng. Bộ yêu cầu khu liên hợp khẩn trương thực hiện các yêu cầu trên và báo cáo kết quả về bộ trong tháng 4-2018.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-4, ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình - cho biết khu liên hợp sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này. Ông Nghĩa nói: “Khu liên hợp hiện nay có hai loại cho thuê, một là các dự án liên danh liên kết thì phải rà soát lại, còn các dự án cho thuê tạm thì phải dừng và thu hồi hết mặt bằng. Khi ký hợp đồng với các dự án cho thuê mặt bằng tạm này, chúng tôi chỉ ký với thời gian 6 tháng một lần nên không gặp khó khăn gì khi thu hồi đất”.

Từ năm 2012 đến nay, khu liên hợp được giao tự chủ tài chính, nguồn thu dự kiến của đơn vị này trong năm 2018 là 55 tỉ đồng. Điều đáng nói, gần như toàn bộ các nguồn thu đến từ việc cho thuê đất của Nhà nước trong dự án xây dựng khu liên hợp giai đoạn 2. Nhiều dự án cho thuê thời gian qua được đánh giá là chưa phù hợp với quy hoạch của khu liên hợp như mở quán bia, cà phê, dịch vụ ăn uống, trạm sửa xe...

Trước thông tin này, giám đốc một doanh nghiệp đang thuê mặt bằng tại khu liên hợp cho biết ông rất lo lắng trước thông tin mất chỗ kinh doanh. Ông nói: “Tôi thuê 400m2 đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình với giá hơn 80.000 đồng/m2 mỗi tháng, tính ra trên 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công ty tôi không thể ký hợp đồng trực tiếp với khu liên hợp, mà lại ký qua một đơn vị trung gian. Hợp đồng này không có điều khoản ràng buộc chặt chẽ về thời gian, nên họ có thể thu hồi mặt bằng bất cứ lúc nào. Khi về đây đặt cửa hàng, tôi phải đầu tư khá nhiều tiền để xây dựng nhà cửa, làm nội thất. Nếu phải chuyển đi thì thiệt hại không ít cho doanh nghiệp”.

Ảnh hưởng quy hoạch khu liên hợp

Năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý để Khu LHTTQG thí điểm thực hiện liên danh liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để tăng nguồn thu. Năm 2012, khu liên hợp chính thức được bộ cho tự chủ về tài chính.

Khu liên hợp khởi công xây dựng vào ngày 6-12-2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội. Trong giai đoạn 1 của dự án, khu liên hợp đã thực hiện triển khai hai công trình lớn là SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước. Toàn bộ các dự án của giai đoạn 2 khu liên hợp đến nay vẫn “đắp chiếu” vì không có tiền. Sau khi được tự chủ tài chính, 5 năm qua, lãnh đạo khu liên hợp đã cho thuê hầu hết các diện tích đất trống, ngay cả trong các công trình như SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước.

Dù việc cho thuê giúp đơn vị này tự chủ được tài chính, giảm đầu tư của Nhà nước, nhưng do thiếu giám sát nên việc cho thuê đất kinh doanh nhiều hoạt động không liên quan đến thể thao đã ảnh hưởng đến quy hoạch khu liên hợp.

K.XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên