Phóng to |
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN |
Bao nhiêu đứa trẻ nóng lòng mong đợi cái ngày tuyệt sướng ấy, cái ngày mà chúng được tự do... làm những điều dại dột! Tôi thì lại cầu mong: “Ước gì có người chỉ bảo cho ta, hướng dẫn cho ta!”.
Ước mong của những đứa trẻ ấy với ước mong của tôi không giống nhau là vì giữa chúng tôi có một sự khác nhau ghê gớm. Nếu những đứa trẻ ấy có làm điều gì dại dột thì đã có người đưa tay ra cho chúng níu khi chúng trượt, đỡ chúng khi chúng ngã. Còn tôi, chẳng có ai nâng đỡ. Nếu tôi ngã thì nhất định tôi sẽ lăn tuồn tuột xuống cuối dốc.
(Tiểu thuyết Không gia đình, tác giả Hector Malot. Đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp)
1. Trước mặt bị cáo là quan tòa, còn phía sau là những người dự khán, tất nhiên có cả thân nhân. Họ là chỗ dựa tinh thần cho bị cáo, nhất là những bị cáo vị thành niên. Ngoài đời, những người ruột rà này chạy ngược chạy xuôi, xin lỗi, năn nỉ, thậm chí van lạy gia đình người bị hại tha thứ cho con mình.
Những bậc cha mẹ khá giả cố thuê luật sư giỏi, còn người nghèo khó cảm ơn rối rít vị luật sư được chỉ định bào chữa cho con mình. Họ cố gắng gom góp, vay mượn một số tiền, thay mặt con tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho bị hại, đồng thời khuyên dạy con mình phải thành khẩn khai báo để có được các tình tiết giảm nhẹ, được hưởng hình phạt nhẹ hơn.
Các bị cáo vị thành niên này luôn tranh thủ quay xuống nhìn cha mẹ, người thân, có lẽ để nhận được ánh mắt đong đầy thương yêu, lo lắng, tha thứ cho việc làm sai trái của mình. Phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ xét xử Nguyễn Văn P. là một ví dụ. P. mê chơi game online đến sa sút việc học. Bị cha mẹ la rầy, P. tự ái bỏ đi bụi để tự do suốt ngày dài đến đêm thâu ngồi nhấp chuột. Hết tiền, P. đi ăn cắp dây điện. Rồi bị bắt quả tang khi đang mang bán. P. trào nước mắt khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án: “Xin tòa xử cho con nhẹ tội, con sớm về với cha mẹ, anh chị”.
Có thể hội đồng xét xử nghe câu nói này rất quen tai, nhưng với bị cáo P., nó thể hiện sự thật lòng của kẻ cồn cào nhớ gia đình, bởi chuỗi ngày trong trại tạm giam P. đã có thời gian tự vấn lương tâm, để thấy xấu hổ về việc mình gây ra đã khiến gia đình phải bán đất bồi thường, cha mẹ phải bỏ cả công việc làm ăn, lo lắng sầu não, khốn đốn biết bao nhiêu.
Khi nghe tòa tuyên phạt P. 2 năm tù, cha mẹ P. thở phào nhẹ nhõm, mừng như được tái sinh, bởi sau khi mãn hạn tù P. vẫn có thể tiếp tục việc học dở dang năm lớp 11. Còn bản thân P. đem sách vở ôn luyện vào trại giam, mong mau chóng bù đắp khoảng kiến thức bị thiếu hụt, chuẩn bị làm lại trang mới của cuộc đời để không phụ lòng kỳ vọng của người thân.
May mắn biết bao khi có một gia đình làm điểm tựa, để khi trót dại còn có nơi quay về, để có thể chuộc lại lỗi lầm, xóa bỏ quá khứ. Chỉ có tình thương mới có thể làm được điều kỳ diệu như thế.
2. Có những bị cáo vị thành niên, phía sau không có lấy một người thân, đứng lẻ loi trước tòa, cô quạnh trên đường đời. Cha mẹ mất trong vụ tai nạn giao thông, H. trở thành kẻ không gia đình ở tuổi 14. Người dì đem cháu về nuôi nhưng đàn con dì nheo nhóc, cộng thêm ông dượng rất cay nghiệt nên cuối cùng H. bỏ đi bụi, “không gia đình” lần nữa. H. ẩu đả, đánh người gây thương tích, vào tù, ra khám. Đứng trước vành móng ngựa lần thứ hai này (TAND tỉnh An Giang), H. phải lãnh mức án 4 năm tù bởi phạm tội trong khi án trước chưa xóa. Ngoài ra, H. không có người thân để đứng ra bồi thường tổn thất nên cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai bị cáo P. và H. chính là sự khác biệt giữa có - gia - đình và không - gia - đình. Khả năng hoàn lương của P. rất cao trong khi không ai biết liệu khi ra tù H. có cơ hội, bản lĩnh để làm lại cuộc đời hay tiếp tục rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của tù tội! Chỉ nhìn thái độ bình thản không tỏ vẻ gì xấu hổ của H. tại tòa cũng đoán biết được phần nào kết quả.
3. Có các bị cáo có gia đình nhưng là dạng gia đình có cũng như không, bởi những bậc làm cha làm mẹ bỏ mặc con cái tự sinh, tự dưỡng. Như Lê Thị B. trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua tại TAND TP Cần Thơ. Cha vào tù vì bán heroin, mẹ bỏ đi biệt xứ. B. lớn lên đi bán dâm, vào trại, ra trại, lại đi trộm cướp để sống. B. bị bắt khi cùng bạn trai đi cướp điện thoại.
Từ lúc bị giải đến, đứng trước tòa rồi trở lại xe tù, B. không một lần quay đầu nhìn lại bởi phía sau không có bóng một người thân nào quan tâm, theo dõi hoặc thậm chí trách móc, để bị cáo còn có cái gì đó bấu víu, nắm lấy thoát khỏi vũng lầy. Cái vẻ bất cần đời của B. khiến người ta thở dài ngao ngán. Giá như bị cáo được người thân quan tâm, yêu thương, hướng dẫn thì cuộc sống không trượt dài trên con đường tù tội như thế.
Một vị thẩm phán từng tâm sự: “Xác suất về cơ hội, động lực để những bị cáo vị thành niên có người thân đứng dậy làm lại cuộc đời cao hơn những bị cáo không gia đình rất nhiều. Nếu có một gia đình để kịp thời quan tâm, yêu thương, giúp bị cáo vượt qua mặc cảm tội lỗi, hiểu ra việc sai quấy của mình thì chỉ một lần ra tòa, những đứa trẻ vị thành niên này sẽ giật mình ăn năn, hối hận. Còn những đứa trẻ không gia đình hoặc thiếu vắng một gia đình đúng nghĩa thì phía sau hoàn toàn trống trải, nên khi trượt chân ít em nào có thể vượt qua”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận