Hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử" được tổ chức sáng 16-3 tại Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Hội thảo Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử nằm trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019 do ba cơ quan Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết trước tình trạng văn hóa ứng xử trong cộng đồng đi xuống tới mức báo động, ngành báo chí đã góp phần phát hiện những bất cập, phản ánh những thói hư tật xấu trong xã hội, góp phần xây dựng lối sống đẹp, giới thiệu điển hình tiên tiến.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn cá nhân nhà báo có những ứng xử chưa thực sự gương mẫu làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức; hay những cơ quan báo chí có cách thức tác động chưa hợp lý gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Đó là lý do cuộc hội thảo này được tổ chức, nhằm nâng cao vai trò của báo chí trong việc truyền thông về văn hóa ứng xử.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ chân tình với báo chí: "Có những cái chê cần chê, nhưng không nên tất cả các báo cùng chê một lúc như thế. Nếu báo chí viết nhiều về văn hóa ứng xử tốt sẽ tạo ra lan tỏa tốt.
Ví dụ gần đây tôi đọc báo Tuổi Trẻ có bài viết về số phận của nhạc phẩm Ngôi sao ban chiều rất hay. Đó là bài hát mà rất nhiều thế hệ người Việt nghĩ là tác phẩm của Nga nhưng thực ra lại là của tác giả Đinh Tiến Hậu viết năm anh ấy 17 tuổi. Những bài viết như thế theo tôi có tác dụng rất tích cực đến xã hội".
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng đồng tình với ý kiến của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Báo chí không nên chỉ tập trung mô tả cái xấu mà cần phải phân tích nguyên nhân vì sao có cái xấu đó và tìm ra cách khắc phục".
Đại diện của Báo Quân đội nhân dân, đại tá Nguyễn Văn Hải, đã chỉ ra tình trạng lệch chuẩn của báo chí trong việc phản ánh đời sống văn hóa giải trí.
Đại tá Nguyễn Văn Hải đưa ra các ví dụ về việc báo chí tung hô các sản phẩm âm nhạc thiếu văn hóa, hoặc sử dụng những từ "lóng" tràn lan làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Đơn cử những từ như "thánh soi", "thánh phán", "thánh chửi" được dùng tràn lan. Trong khi thánh là từ để chỉ những bậc hiền triết, cao minh, được kính trọng.
Tiến sĩ Lê Quốc Vinh góp ý ngành báo chí cần có chiến lược hiệu quả hơn trong việc truyền thông về văn hóa ứng xử.
Theo ông Lê Quốc Vinh, thay vì truyền thông một chiều, báo chí nên chuyển hướng truyền thông đối thoại. Chiến lược truyền thông cũng phải thông minh và khôn ngoan, mềm dẻo hơn.
"Khi người dân chưa nhận thức ra vấn đề thì phải cung cấp kĩ năng, kiến thức, xác định thế nào là chuẩn mực, khích lệ người ta làm theo; khuyến khích người ta trải nghiệm; nêu những ví dụ thành công… Ví dụ phong trào dọn rác trên toàn cầu đang được làm rầm rộ trên mạng xã hội có những tác động rất mạnh mẽ đến xã hội", tiến sĩ Lê Quốc Vinh nói.
Kết luận cuộc hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển của xã hội nên rất cần được lưu tâm đúng mức. Phó thủ tướng nhấn mạnh một cá nhân được khen giàu, khen sang là tốt nhưng phải phấn đấu đến mức cao hơn là được khen "có học" và trên nữa là "có văn hóa".
"Có rất nhiều hành vi xấu hiện nay có chiều hướng lan ra xã hội nhưng không phải bản chất của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề xảy ra ở nước ta cũng là căn bệnh chung của các nền kinh tế mới phát triển, quá chú trọng phát triển kinh tế, bỏ qua môi trường, bỏ qua phát triển văn hóa.
Với môi trường phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Bỏ quên văn hóa thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục được, thậm chí có thể dẫn tới đổ vỡ", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó thủ tướng đã đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam năm sau cần có thêm cuộc thi và trao giải cho các bài viết phản ánh về văn hóa ứng xử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận