24/12/2017 11:08 GMT+7

Không bán nước có gas trong trường học: làm được không?

TƯỜNG HÂN-NGỌC HÀ-TRẦN HUỲNH-LAN ANH
TƯỜNG HÂN-NGỌC HÀ-TRẦN HUỲNH-LAN ANH

TTO - Đại diện một trường học cho biết quản lý nước có gas trong căngtin trường thì dễ, vấn đề là bên ngoài trường.

Không bán nước có gas trong trường học: làm được không? - Ảnh 1.

Giờ ra chơi tại căngtin một trường học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Về việc không cho bán nước ngọt có gas trong trường học, tôi nghĩ nếu muốn thật sự hiệu quả phải kiểm soát ở cả khu vực buôn bán gần cổng trường. Vì đa số học sinh ăn uống vào giờ ra về, ở ngoài cổng trường. Chỉ cấm ở căngtin trường thì không ăn thua gì!

Bà Trần Linh Giang (Q.2, TP.HCM)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị không quảng cáo, kinh doanh nước có gas trong trường học. Đồng thời, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan cải thiện sức khỏe, tầm vóc trẻ em Việt Nam. 

Các trường, phụ huynh, học sinh phản hồi thế nào về chỉ thị này?

Nhà trường: chỉ có thể dặn dò học sinh 

Trước cổng Trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một nam sinh hồn nhiên nói: "Em thường uống nước ngọt có gas nhưng không phải mua ở trường, về nhà ba mới cho tiền mua. Còn tụi bạn em thường uống mấy loại nước tăng lực có gas".

Còn em Uyên Phương, học sinh lớp 6, cho biết: "Từ lâu rồi em đã đổi qua uống trà sữa trân châu, matcha đá xay (thức uống từ bột trà xanh Nhật - PV). Nếu cấm bán nước ngọt có gas cũng không ảnh hưởng gì đến học sinh, tụi em chỉ ghiền trà sữa, một số bạn nữ còn tự pha trà sữa uống tại nhà".

Một số phụ huynh ở TP.HCM hi vọng với chỉ thị của Thủ tướng, nhà trường và gia đình sẽ phối hợp với nhau tốt hơn để hạn chế việc sử dụng các đồ uống, thực phẩm gây hại cho sức khỏe học sinh.

Trong khi đó, bà Đỗ Lan Phương, phụ huynh ở Hà Nội, chia sẻ: "Ở trường con tôi học, không biết việc tuyên truyền tác hại của nước ngọt có gas đến đâu. Khi các cháu đi dã ngoại, khẩu phần ăn nhà trường chuẩn bị cho học sinh vẫn thường là cơm rang (cơm chiên) và một chai nước ngọt!".

Ông Nguyễn Minh Tiến, hiệu trưởng Trường THCS Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM), cho biết: "Quản lý trong căngtin trường thì dễ, nhưng vấn đề là chuyện ngoài nhà trường. 

Ở phạm vi ngoài cổng trường, chỉ có địa phương mới quản lý. Về phía nhà trường, chỉ có thể căn dặn học trò đừng mua nước ngọt có gas uống".

Sở GD-ĐT cần quy định căngtin trường được phép bán gì

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM), nếu cấm được việc bán nước ngọt có gas trong trường học sẽ rất tốt đối với học sinh. Thực tế nước ngọt nói chung và đặc biệt là nước ngọt có gas hoàn toàn không mang lại giá trị dinh dưỡng nào cho người sử dụng.

Những loại nước uống này chủ yếu có đường và các hương liệu. Chính chất đường có trong nước ngọt này là một trong những thủ phạm gây nên bệnh thừa cân, béo phì.

Nước ngọt có gas thường mang lại cho người sử dụng năng lượng rỗng, tức là năng lượng không kèm theo đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất... Trẻ em sử dụng nhiều nước ngọt có gas sẽ có cảm giác no, nên không ăn được các bữa ăn chính.

Ngoài ra, các loại nước tăng lực cũng nằm trong nhóm nước ngọt chứa nhiều caffein, là một loại chất kích thích không tốt đối với trẻ.

Theo bà Hạnh, các sở GD-ĐT cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa về việc căngtin nhà trường được phép bán những loại thức uống, thực phẩm gì. Những thức ăn, đồ uống mang tính chất lành mạnh, bổ dưỡng cho trẻ như trái cây, sữa... thường mắc tiền, nên cũng cần có những chính sách của Nhà nước như các chương trình sữa học đường nhằm hỗ trợ học sinh.

Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục cho học sinh việc cần phải hạn chế sử dụng nước ngọt có gas để đảm bảo sức khỏe.


PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia):

Giải pháp đúng nhưng chưa đủ!

Nên cấm bán tại căngtin trường học các thực phẩm nhiều đường, nhiều muối như nước ngọt nói chung, xúc xích, bỏng ngô, các loại bánh snack, bim bim, trà sữa. Ngoài ra, nên tăng thuế nước ngọt theo hàm lượng đường, ví dụ 20% thành phần nước ngọt là đường thì thuế bao nhiêu, 30% lại tăng thuế thêm...

Cách đây hai tuần, các bộ liên quan và cả chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã cùng bàn bạc về mức thuế với sản phẩm nước ngọt. Theo đề xuất của nhiều chuyên gia về sức khỏe, nên đánh thuế nước ngọt ở mức 20% giá bán, gấp đôi đề xuất của chuyên gia về tài chính.

Mức thuế 10% trên giá bán vẫn là mức thuế thấp. Theo tôi, nên đánh thuế cao để hạn chế lượng sử dụng, vì đây không phải là sản phẩm lành mạnh và có lợi cho sức khỏe.

TƯỜNG HÂN-NGỌC HÀ-TRẦN HUỲNH-LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên